trong một tiểu luận Claudio Magris viết, sau tất cả Quê hương Tổ quốc là những gì mà anh bắt rễ vào và là những gì bắt rễ vào anh
dân tôi có thói quen chuẩn bị Tết với tầng tầng lớp lớp đồ ăn nhưng chẳng ăn mấy, đấy là sự bắt rễ vào chúng tôi và không mấy bắt rễ liên quan những thói quen no đủ sung túc đầu năm ấy, tôi đi hấp xôi ngũ sắc thắp hương đêm giao thừa cất tủ lạnh 6 ngày, hấp nóng ăn ngon hơn để tủ lạnh cứng quèo
lề thói phong tục đón Tết trong no ấm bắt rễ vào dân tôi, mẹ tôi chẳng hạn, bà mua sắm thực phẩm nhiều đến phi lý và tôi dần bắt rễ với Tết bằng nghi thức cứ Tết là dọn tủ lạnh, dọn theo nghĩa từ cái còn dư còn lay lứt trong tủ, tôi nghĩ ra món ăn làm sao để không bỏ mứa thực phẩm, phải chế biến nó thành cái gì đấy ăn được không độc hại không đau bụng. Nếu một ngày Tết mẹ tôi không mua sắm đầy ắp nhà cửa nữa và tôi không đi dọn dẹp hậu quả sắm Tết ấy nữa, chắc đấy không còn là Tết cổ truyền của riêng tôi nữa rồi
trái với tưởng tượng khi break fasting rằng ngày thứ 2 tôi sẽ ăn cả thế giới, nay là OMAD đầu tiên trong năm của tôi, tôi xuống nhà tuyệt nhiên không thèm ăn một món gì cụ thể, nhưng tôi ăn cho đúng giờ bữa duy nhất trong ngày vào 3 giờ chiều đã lên lịch, thế là tôi thêm yến mạch vào nồi cháo đêm qua và bắt đầu bật bếp, xắt hành lá tía tô, luộc ít rau bắp cải, trong lúc đợi những thứ trên bếp chín đủ độ mong muốn, tôi ăn nửa quả bưởi 1 quả xoài 7 quả táo ta. Rồi tôi có các món chính: đĩa bắp cải luộc, bát cháo, đĩa xôi chỉ còn 3 màu vì 2 màu anh chị Đại đã ăn hết
tôi đang nghĩ về việc tại sao hôm qua tôi đã muốn ăn rất nhiều món, ăn cả thế giới; còn hôm nay tôi chỉ cần ăn những món tôi thấy đang có là ổn thoả rồi; tôi có bình thường với tôi bình thường của ngày hôm qua không, tôi nghĩ miên man đến câu của Nietzsche, đâu là nơi chúng ta có thể cảm nhận là "nhà" của mình đây. Những giới tuyến chúng ta đặt ra rồi dỡ bỏ để dựng những giới tuyến mới. Những giới tuyến không chỉ chia tách ta với người khác mà còn chia tách chính ta thành từng phân mảnh
trong các giấc mơ khoảng 1 năm trước tôi rất hay chạy men ngược dòng nước; đi ngược chiều đường của các phương tiện hay bơi cắt ngang con sông và bơi ngược dòng; chèo thuyền ngược dòng; nhảy ùm xuống giữa con sông để bơi ngược dòng theo một con thuyền phía trước cũng chèo ngược dòng vì tôi tin người đàn ông già mình trần da khô sắt đang quằn mình chèo ngược dòng... và tôi lạc vào những nơi tôi luôn thấy quen trong mơ và lại biết mình không tìm được đường về nhà, tôi bỏ cuộc mở mắt tỉnh dậy vì biết sẽ lại không về được "nhà". Gần đây, tôi thường thong dong hơn trong mơ, tôi đi men ngược dòng nước, xe cộ đi ngược chiều với tôi, tôi thong dong mà rất tự tin, tự tin đến độ lững thững đi cho trường kỳ... và rất thi thoảng đến đầu đến đũa thì cuối cùng tôi cũng về nhà, nằm ngủ trên giường của mình, ngôi nhà 2 tầng thuở niên thiếu
tôi nhớ lần xuống núi putaleng, chúng tôi rút ngắn hành trình xuống hẳn 1 ngày vì đoàn quá trâu, xuống núi cách bản khoảng 3 tiếng thì trời đã nhá nhem tối, tôi ngồi nghỉ ở suối và nói với chị Quay anh Kéng porter rằng, lần nào xuống núi em cũng dễ lạc ở đoạn suối, lần ở fansipan xuống em suýt lạc ở chỗ con suối cuối cùng, chị Quay bảo tôi, bị lạc thì cứ men theo suối, cứ bám lấy suối đi xuôi nước thì sẽ về dưới xuôi, mùa hè rồi có 1 cậu bị lạc đoàn 3 ngày trong rừng, cậu í đi xuyên sang tận tỉnh khác xuống núi đấy, cậu í cứ bám lấy suối đi thôi, còn em đi ngược thì sẽ lên thượng nguồn
viết, là đi men dòng sông, ngược về cội. Viết, là về nhà
nhà, nơi những gì anh bắt rễ vào, những gì bắt rễ vào anh, nơi các giới tuyến chằng chéo phân định và bản thân nó cũng là các giới tuyến; như cái nền để anh đặt chân xuống làm trụ, bén rễ xanh cây. Nhà tự đứng như quả địa cầu chung chiêng tự đứng nghiêng nghiêng tồn tại. Khi không đâu là nhà thì là đang đi lạc và, lạc thì không đâu là nhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét