quyển sách trong ảnh
năm tôi học lớp 8 đọc một bài báo khen nức nở Cơ hội của Chúa, tò mò nên khi được hỏi thích món quà gì bố thưởng cho [vì sau 2 năm lớp 6 và 7 không học hành gì, cuối cùng kỳ nghỉ hè vào lớp 8 tôi được một cô gia sư dịu dàng nâng đỡ, mọi thứ thay đổi cho đến đầu cấp 3] tôi bảo bố mua cho con quyển sách này, và tôi viết vào tờ giấy gấp 4 bố nhét túi áo chemise. Bố đi mua băng đĩa nhạc, máy ảnh trên Bờ Hồ và tạt vào hiệu sách tìm sách cho tôi. Nhưng người bán sách, chú ấy nói "con gái anh học lớp 8 thì chưa đọc được Cơ hội của Chúa" [chắc nhìn nét chữ trẻ con của tôi, đến tận giờ, tôi viết tháo tháu cũng phần vì cho chữ đỡ trẻ con :)] nên tôi không có phần thưởng mình mong muốn, một may mắn. Những năm trổ giò đòi lớn tôi buồn nhiều, cơ thể tôi mang đến tai hoạ cho người có nó và từ đấy tôi không cao thêm phân nào cho đến cách đây 4 năm; vì buồn tôi hay đạp xe đi lang thang, cả tuần tôi chỉ có một buổi chiều đi học nghề theo chương trình giáo dục hồi ấy, đi đâu làm gì không ai hay; vậy là tôi đi xem sách cũ đường Láng, cứ tiến thẳng ra ngõ rồi đạp thẳng tắp là đến đường Láng [con đường quen thuộc vì về quê cũng đi đường này]. Tôi gặp quyển sách trong ảnh vào năm lớp 8, tuy nhiên quyển sách năm ấy cũ hơn, bìa bị vết ố của cốc chè, có thể ai đó vì thấy độ mỏng của nó đã vớ đại mà lót cốc. Cuốn sách không tên là quyển sách đầu tiên tôi đọc Hồ Dzếnh
quyển sách buồn quá, đọc xong tôi giấu biệt, giấu như đào mồ chôn chặt, như nhét thẳng vào nghĩa trang lòng mình rồi quay lưng khoá cửa cho quên đi. Cũng từ đấy, tôi có ý nghĩ, chừng nào tôi còn nhận thức nắng rung rinh qua giàn thiên lý như đứa bé xưng tôi bốn tháng rưỡi nhìn nắng xuyên giàn thiên lý trong Cuốn sách không tên thì chừng đó mọi thứ rồi sẽ qua sẽ đâu vào đấy như đôi mắt đứa trẻ hồn nhiên làm vậy. Tôi rất hay mang Chân trời cũ của Hồ Dzếnh trong balo nhưng tôi luôn chọn không đọc Hồ Dzếnh, trong đấy có Hồ Dzếnh và Tô Hoài, một cảm xúc cảm xúc và một cảm xúc không cảm xúc; tôi tránh cả hai dù trong balo thường hay có 2 nhà văn; tôi tránh vì cái mình muốn và vì cái mình không muốn tí nào, tôi thường đọc sách khoa học y học khi rơi vào thế lưỡng nan vì muốn và vì không muốn [cho đến tận giờ, thậm chí mãi sau, có thể lắm]
hơn 10 năm sau, đang làm part-time cho một hiệu sách vỉa hè, khi đang xếp sách thì nghe thấy tiếng hỏi sách của Hồ Duyếnh hay Hồ Zếnh, người quản lý bảo chịu, chưa nghe tên bao giờ, hỏi thế ma nào biết được, phải có tên sách chứ. Tôi xếp sách không quay mặt ra nhưng dỏng tai nghe xem người đàn ông kia tìm quyển gì của Hồ Dzếnh, Quê ngoại Chân trời cũ à; người ấy nói giọng mập mờ líu ríu là quyển sách không có tên mới khó, ông già em bảo quyển sách không tên. Đúng từ khoá [mặc cho người quản lý lẩm bẩm đại khái của nợ vừa dọn ra đã gặp khách ma quỷ quái sách gì mà sách không tên] tôi quay ra bảo Cuốn sách không tên, đúng là không tên đấy, không tìm thấy ở đây đâu, anh mua cho ai đấy ạ; ông già anh bảo đi kiếm cho bố quyển sách không tên của Hồ Duyếnh, cụ mới tai biến nằm một chỗ, trước cụ thích quyển nào tự đi mua, giờ bảo mình đi tìm sách không tên chẳng biết đằng nào, đi mấy hàng rồi. Thế là tôi hẹn ngày mai cũng giờ này ở đây, tôi tặng sách [tôi quen bác Phùng Đệ cũng hoàn cảnh tương tự]. Cuốn sách không tên không ở nhà tôi nữa, tôi cũng vẫn tránh đọc Hồ Dzếnh luôn luôn, mang theo Hồ Dzếnh Chân trời cũ bên mình như mang một nỗi buồn thay đổi hình dạng nhưng không động tới mấy khi [cách đây 4 năm, mẹ của bạn tôi bệnh nặng, sarcoma nên tiến triển như lốc xoáy, em thường nói chuyện với tôi mỗi ngày từ lúc mẹ em bệnh vẫn tỉnh táo đến lúc không tỉnh táo và em nói mẹ cứ nhìn thấy em là trợn mắt quát thét như đòi giết còn những người khác thì mẹ không thế khiến em rất đau lòng; lúc ấy tôi nhớ đến chi tiết trong Cuốn sách không tên, tự truyện của chính Hồ Dzếnh, khi chuẩn bị đưa vợ đến bệnh viện, đứa bé bốn tháng rưỡi đòi bầu vú mẹ liền tóm lăn vào người mẹ, nhưng người vợ [đầu] của Hồ Dzếnh biết mình chết, dùng hồi quang sắp tắt dồn sức hẩy đứa bé ra; Hồ Dzếnh viết ra những ý nghĩ của mình về hành động lạ ấy, cũng như tôi suốt bao năm đến tận giờ vẫn lấy đấy biết người nào sắp ra đi. Hôm ấy tôi bảo em rằng, mẹ thương em nhất yêu em nhất, em chính là điều mà mẹ còn nhiều trăn trở và không muốn em đi cùng mình nhất... có lẽ cả nhà đọc kinh hồi hướng trợ duyên cho mẹ đi em, chị nghĩ sẽ nhanh thôi, chị ở đây cũng tụng kinh cùng. Rạng sáng ấy bạn tôi mất mẹ]
lại hơn 10 năm sau, 2021, chính quyển sách trong ảnh, mới như trong ảnh vào nhà tôi. 2 giờ sáng nay tôi đi tìm sách là tìm quyển trong ảnh. Đọc lại, những chi tiết năm xưa vẫn sống động như ngày nào, chiếc xe đạp ba trăm đồng bán lấy trăm đồng trong cay đắng, thế hệ ông bà tôi cuốc bộ hàng trăm cây số là chuyện thật, những đứa trẻ chết khi chưa kịp biết gì, những cỗ quan tài rất nhỏ, đau đớn của người mẹ vắt kiệt sữa nuôi con đến lúc chết, đóng cá quan tài là thế nào... tôi vẫn nhớ hết, chỉ là sau bao năm đọc linh tinh nhiều, khô khan nhiều thì nay cảm xúc khơi lại dòng tuôn. Buồn hơn. Giờ đây, đọc lại Cuốn sách không tên, có thể tôi không thể nhớ gì khác của Hồ Dzếnh ngoài Cuốn sách không tên, tôi tuân theo thứ cảm xúc giản đơn chốc nổi này, những dòng Hồ Dzếnh viết về thời đại, chiến tranh tao loạn, về nghệ thuật, người nghệ sĩ người cầm bút... những dòng mà khi là cô bé 14 tuổi, tôi không nghĩ ngợi nhiều
có lẽ đấy đã là toàn bộ Cuốn sách không tên, một quãng đời đau đớn đóng vào áo quan chôn chặt dưới đất sâu, không muốn đóng nắp quan tài hay những lọn tóc người chết thòi ra ngoài hay ngón tay có chẹt lại thì cũng phải đóng cá thì cũng phải thế mà thôi... sống là quên, vì nhớ nên phải quên
gió vuốt đều đều ngày tháng trên giàn thiên lý trước hiên [-Hồ Dzếnh-]
vĩ thanh
Cuốn sách không tên là tự truyện của Hồ Dzếnh, giai đoạn ở Thanh Hoá đi dạy học [núi Nưa, gần sông], sau khi ông mất thì 2 năm sau gia đình cho xuất bản. Nhân vật tôi trong truyện sinh năm Kỷ Sửu 1949 là đứa bé chưa đầy năm tháng tuổi khi mất mẹ, và mất anh trai trước khi mất mẹ cũng chỉ mấy tháng; người vợ đầu của Hồ Dzếnh, người vợ hưởng dương 20 tuổi mất năm 1950, nhật ký người vợ được Hồ Dzếnh đưa vào Cuốn sách không tên cùng những trang hồi ký của chính ông, đều có thể là các dòng viết tay của người viết nhật ký. Cuốn sách không tên hoàn toàn có thể là tài/tư liệu dựng nên tiểu sử Hồ Dzếnh. Nhân vật tôi là người con duy nhất của Hồ Dzếnh.
ps. yêu đến độ muốn ăn người mình yêu, và vì yêu nên không nỡ ăn; khi cái chết xen vào, ta ăn nhau bằng nỗi đau trong khi nỗi đau giữ ta sống, mang bên mình để tiếp tục sống. Tôi chưa bao giờ tha lỗi cho những người đã bỏ tôi lại, đặc biệt là M., ngay cả đến vỡ tim mà trết tôi cũng sẽ cắn nghiến be bét how dare you sao dám chứ sao dám chết khi tôi vẫn còn ở đây đồ chết tiệt