20.8.20

mộng cảnh



Gia đình Buddenbrook thật dài, chuyện về một dòng họ qua 4 đời. Nghĩ kỹ, cũng không dài lắm, quyển gia phả với đủ những chi tiết, thư từ, giấy và màu mực đã ngả màu kẹp lồng vào nhau; ắt phải là như thế, nhất là khi Thomas Mann xây dựng câu chuyện từ rất nhiều chi tiết gia đình ông 


dài, nên nhặt chi tiết là rất quan trọng, Thomas Mann rắc chi tiết như một bàn tay vụng về [cố ý], nhiều khi tôi nghĩ, hơn 20 tuổi Thomas Mann đã viết tầng lớp thế này, nội việc từng này nhân vật chạy qua các dòng các trang cũng đã khó tránh khỏi lủng củng. Nhưng tôi thường nhầm 🙂


chẳng hạn, thằng bé Hanno là đời thứ 4 của dòng họ Buddenbrook, ngay từ bé nó đã gần cái chết, sự u ám, coi nhẹ mọi kết quả hơn là gần sự sống; nó tiên cảm từ rất sớm về cái chết của ông tham, cha nó; nó không quan tâm gì định hướng của ông tham hay kỳ vọng của ông đặt lên nó, nhưng nó lại đồng ý đi cùng ông tham ra bến tàu để nhìn ông tham tươi cười thế nào với mọi người rồi ngay sau đó ngồi trên xe chỉ có hai cha con, mặt ông trắng bệch, mệt mỏi ủ rũ. Một ngày ông bảo nó rằng hãy đứng ở cầu thang, trước cửa phòng ngăn không cho bất kỳ ai tiến bước vì ba phải làm một việc hệ trọng. Chính lúc ấy, Thomas Mann thả một câu vụng về mười mươi rắc bánh làm dấu trên đường "Một bận, đứng trước bàn thờ bà nội, chú ngửi thấy mùi thơm của hoa lẫn với một mùi thơm khác vừa lạ lùng, vừa thân thiết" và chị học việc hay người vú em tiến đến gần đều bị nó chặn lại kiên quyết 'không ai được vào, ba đang lập di chúc'


hay chính nó là người mở quyển sổ da gia phả và nhìn thấy tên mình, một hành động trí mệnh hoàn toàn gà gật của đứa trẻ lên 6, nó cầm thước và bút, kẻ đè 2 đường gạch xuyên suốt tên nó như một cách trang trí cho đáp số bài toán


ở khoảng trang 700, tôi buộc phải dừng việc đọc một mình để đọc lại từ đầu, đọc thành tiếng cho đứa em nghe, tôi đã hứa với nó rằng đoạn kết hai chị em đọc với nhau; dù đã biết trước mùi chết chóc, đang tịnh tiến gần hơn đến mùi kỳ quái ấy, mùi ấy sẽ đến với ai với ai trước trong câu chuyện, thì đến chi tiết ông tham bị đau răng đi gặp nha sĩ, tôi cười đến mức gập bụng đỏ hoe mắt khiến đứa em ở nơi xa nhìn và nghe chị đọc truyện không khỏi bàng hoàng tại sao chị lại lạnh lùng như thế khi người ta đang đau. Tôi nhớ trong đám tang của ông nội mình, tôi khóc rất nhiều, khi ngồi rất gần quan tài của ông, mắt những đứa cháu sưng húp hụp trong khói hương và âm thanh tang ma, bỗng một người họ hàng đói quá phải ngồi hút hộp sữa vinamilk để lấy sức, chị nói 'hút hộp sữa để lấy sức khóc nào và cười' [đám ma mà không có tiếng khóc thì làng xóm cười cho thối mặt, người lớn bảo thế, không sinh ra ở quê thì tôi vẫn có tai để nghe dặn những điều như thế], bỗng nhiên hạch giao cảm của tôi chạy từ phase nọ sang phase kia vô phương cứu chữa, vô duyên ngỗ ngược thậm tệ tôi cười không dứt được, tất nhiên cười không ra tiếng, càng cố nén cười tôi lại càng cười dai, cho đến lúc phi ra chuồng xí sau vườn, tôi khóc oà lên nức nở vì tôi buồn quá mắt tôi căng quá ngực tôi nặng quá; ở đây, phase của truyện cũng vậy, tại sao tôi lại cười hoá dại như thế khi ông tham đau đớn đi nhổ răng, ông nghiến răng chịu đựng cái răng đau và nuốt xuống khó khăn như nuốt mùi sự chết, tôi cũng không lý giải được phase của mình, và tại sao lại cần trả lời câu hỏi tại sao hiển nhiên như thế chứ; đúng như dự cảm, ông tham đi rất gần cái chết rồi, trết từ lâu nhưng sắp được an táng. Tôi vô duyên thế, chỉ 1 trang sau, ông tham ngã một cú và nằm bệt giường


lúc ông nằm trên giường bệnh, Hanno nó ngồi gần giường cha, đôi mắt nhìn xuống và chờ đợi cái mùi thơm kỳ quái khác thường kia. Chi tiết về mùi thơm kỳ quái, tôi rất thích


cũng tương tự như thế, chương kể một ngày của Hanno làm tôi nghĩ đến một ngày của mình. Tôi tất nhiên không biết chơi đàn, cũng như Thomas Mann cũng có biết đánh đàn đâu, vậy mà vẫn viết những chi tiết về nhạc, rất oách đấy thôi; nhưng cảm tưởng về một ngày của thằng bé Hanno với chính tôi, không chạy đi đâu cả, ngay từ phút mở mắt tỉnh giấc đến khi về giường nhắm mắt chìm vào giấc ngủ nhiều mộng mị; ngay cả việc nó không hề sợ kết quả tồi tệ, nó chỉ ngán ngẩm giờ phút đi đến kết quả tồi tệ diễn ra, mắt nó sẽ phải nhìn đi đâu thôi, tôi cũng thế. Nó là nhân vật tôi thích nhất trong Gia đình Buddenbrook, tôi chệch choạc quá, lại cứ nghĩ thằng bé sẽ từ giã dòng họ sớm hơn. Thật là chệch choạc 🙂 [ngay từ đây, đã thấy tình cảm đồng tính của Thomas Mann rồi, không cần phải đến Chết ở Venice]


có nên tạm nghỉ Thomas Mann để đọc Thế giới như là ý chí và biểu tượng không, tất nhiên chỉ là đọc lại chương/tập Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết; ông tham trong Gia đình Buddenbrook mở màn khúc cầu hồn cho chính mình chính vào một buổi chiều ông vô tình lấy Thế giới như là ý chí và biểu tượng của Schopenhauer ra đọc và chương ông đọc không bỏ sót một chữ, thay vì chỉ đọc những đoạn hấp dẫn, bỏ qua những đoạn ông không thể theo nổi, đó là chương về cái chết và quan hệ cái chết với bản chất bất diệt của sự sống [còn nhảy ra mấy cái tên phải đọc nữa cơ, không chỉ Goethe (tiếp)😛, Feuerbach... có một nhân vật phụ trong truyện làm nghề môi giới, nhân vật ấy ôm mộng dịch toàn tập Lope de Vegas đấy...]


ps. nhiều chi tiết về mánh lới làm ăn, phá sản, về quan hệ giao tiếp của tài phiệt, thương gia etc. nghĩ đến Những vinh nhục của César Birotteau; Gia đình Buddenbrook lấy bối cảnh khoảng những năm 30 đến năm 70 của thế kỷ 19 🙂



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét