Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
29.7.18
Con người và động vật
Ivan có một không hai là câu chuyện hư cấu dựa trên những sự việc có thật về chú khỉ đột tên Ivan. Sau khi bị bắt cóc ở quê nhà [Congo], hai anh em Ivan còn nhỏ được di chuyển sang Mỹ, trên đường đi em gái của Ivan qua đời và Ivan từ đó một mình sống giữa con người, sau đó là trong một trung tâm thương mại mô phỏng rạp xiếc, một mình trong lồng suốt gần ba thập niên. Sau khi kênh National Geographic công chiếu bộ phim về Chú khỉ đột thành phố, nhờ những lá thư kêu gọi của các cô bé cậu bé và sự phản đối của nhiều người thì Ivan đã được sống trong một sở thú đúng nghĩa – nơi con người sửa sai. Giống với Ivan trong Ivan có một không hai, khỉ đột Ivan ngoài đời cũng biết vẽ tranh 🙂
Ivan có một không hai là một câu chuyện có nội dung không mới mẻ nhưng được viết với trí tưởng tượng đáng nể của Katherine Applegate [giờ tôi mới biết bà ấy là tác giả của Animorphs :p], tác giả cho Ivan cũng như cô voi Stella, bé voi Ruby, chó Bob những tiếng nói độc lập của riêng chúng, được trở thành chính chúng “lưng bạc vĩ đại” [-một con khỉ đột đực trưởng thành đã bước qua tuổi mười hai, trên lưng có khoảng lông màu xám bạc, biểu tượng của quyền uy, giữ trọng trách bảo vệ cả bầy] như vốn dĩ đã là định mệnh. Một câu chuyện ngợi ca lòng nhân ái, sự dũng cảm và cổ vũ cho khả năng tiềm tàng trong mỗi người; đặc biệt nó sẽ giúp ta nhìn nhận mối quan hệ giữa con người và động vật với con mắt hoàn toàn khác [tôi quyết tâm hơn nữa, sau EMi sẽ không nuôi con gì nữa :(], con người ngu ngốc làm sao và sống giữa văn minh này cũng như sự xâm chiếm của con người vào vùng đất hoang dã thì loài vật đã bao dung cỡ nào, một sự bao dung gồm cả cam chịu đến mức vĩ đại, gần như phi lý
Một câu chuyện đơn giản, uyển chuyển, thông minh và dễ hiểu dành cho các bạn nhỏ [và cả người lớn] về bảo vệ động vật. [trong cây tiến hóa thì người, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi đều thuộc họ Người, Hominidae, Great Apes mà sao bọn người ló ác thế nhỉ, các ác xuất phát điểm từ u u mê mê ngu muội í, nhưng thôi, phải hy vọng vào những đứa người ít ác hơn những đứa khác, hay những con người tốt, có hy vọng vào ngày mai cùng những điều tốt đẹp hơn thì mới chịu đựng nổi hiện tại, right]
[‘’Ôi con người. Chuột thậm chí còn nhân hậu hơn. Gián thậm chí còn tử tế hơn. Ruồi thậm chí còn…” – trích lời chó Bob]
p/s: quyển này mình mua trong hội sách, quầy NN giảm 50% và đấy là lần đầu tiên mình nhìn thấy nó, không giống nhiều sách của NN một ngày nhìn thấy cỡ chục lần trên fb group nhóm hội đọc sách, may quá giờ tôi chả chơi đâu cả, đầu tôi sẽ mọc tóc tốt hơn nữa í hị hị hị hị khửa khửa khửa
25.7.18
lịch sử
Khi con người trao lý tính cho lịch sử thì thường biến lịch sử thành trò bịp bợm có lợi cho mình. Lịch sử tồn tại được là nhờ những đôi mắt quan sát nó, có lịch sử chân thực không, đôi mắt nào đủ tự tin và cái nhìn độc đáo
Bốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn của Lý Nhuệ đều là những câu chuyện lịch sử - câu chuyện, tất nhiên có thể hư cấu, nhưng tình tiết thì không thể bịa đặt. Đọc Lý Nhuệ luôn là bầu không khí tĩnh, lặng gió, dễ chịu vô cùng nhưng bi thương âm ỉ, đôi khi nóng giãy cùng cực
Lần cuối cùng tôi đọc Lý Nhuệ cách đây 8 năm, lần đọc này chỉ có Cây không gió là đọc mới, tôi đọc theo trình tự sáng tác:
- Tập truyện ngắn: Đất dày (Hậu thổ), 1989
- Tiểu thuyết: Chốn xưa (Cửu chỉ), 1992
- Tiểu thuyết, truyện dài: Cây không gió (Vô phong chi thụ), 1994
- Tiểu thuyết: Ngàn dặm không mây (Vạn lý vô vân), 1996
- Tiểu thuyết: Ngân Thành cố sự, 2002
Thôi viết ngắn gọn thôi vì tầm này ai đọc Lý Nhuệ nữa, sự đọc thì vô cùng riêng tư, người đọc luôn giữ lấy sự đơn độc tinh thần, ghét sa cạ bầy đàn, đua theo, riêng tư như tình dục ấy, kể cả có chơi three-some hay gì thì cũng có giới hạn rất rõ ràng và vẫn cứ là riêng tư. Nên tầm này ai còn đọc Lý Nhuệ 🙂
• Tôi vẫn thích tập truyện ngắn Đất dày nhất, văn đẹp, chậm rãi, các truyện ngắn đơn giản nhưng chọn tình tiết để xoáy vào thì sắc và chắc, giàu hình ảnh, chân thực… đọc dễ chịu vô cùng. Đi qua một vài câu văn đầu tập Đất dày đã có ngay thứ khoan khoái được thả lỏng người, một cảm giác bằng lòng thư thái giữa trập trùng núi non và cao nguyên lộng gió [núi Lữ Lương], người ta như đứng từ xa bình thản nhìn lại những khôi hài vô lý hoang đường bi kịch của lịch sử, của Đại cách mạng văn hóa
• Với tôi, nỗi buồn chính là Ngân Thành cố sự và Chốn xưa [khóc hay không khóc được thì người ta vẫn cứ phải ngẩng mặt nhìn trời xanh một tị], cả hai đều chọn Ngân Thành [một địa danh hư cấu], dòng Ngân Khê làm bối cảnh câu chuyện diễn ra, xoay quanh các gia tộc lớn [rất nhiều tình tiết xoay quanh dòng họ của tác giả] với nghề làm muối, sự biến động của con người trong dòng chảy lịch sử từ đầu thế kỷ 20-giai đoạn cuối phong kiến [ở Chốn xưa là đến tận khi người ta có quãng dài để nhìn lại Đại cách mạng văn hóa]. Tương lai và vận mệnh của họ đều thành nạn nhân của vòng tròn bất tận gồm những cuộc lật đổ, cách mạng, phản cách mạng, đấu tranh, thảm sát... Chốn xưa ướt át hơn và có lẽ sẽ dễ lấy lòng người, nhưng Ngân Thành cố sự viết sau Chốn xưa 10 năm mới thực là câu hỏi lớn, lịch sử là gì, trong dòng chảy lịch sử thì con người là gì, đối diện với thời gian sinh mệnh là gì. Những gì mà hai tiểu thuyết này gợi ra, quạnh quẽ vô cùng, trời đất thì dài lâu vĩnh cửu, nhìn phía trước người xưa vắng vẻ, ngoảnh về sau quạnh quẽ vắng bóng người, tất cả là giả và tất cả cũng đều là thật, và nó thuộc về những người Trung Quốc còn sống và đã chết.
• Rất nhiều người ấn tượng Cây không gió, tôi gộp chung Cây không gió và Ngàn dặm không mây vào làm một vì cách viết chương tiếp chương, mỗi chương là một nhân vật xưng tôi / mình tự sự, câu chuyện cứ nối tiếp câu chuyện như các nốt nhạc trong bản nhạc, giàu nhạc điệu, cách viết rất táo bạo của một Lý Nhuệ khác, ra khỏi khung của mình. Cây không gió diễn ra ở một làng người lùn, cả làng lấy chung một cô vợ lành lặn bình thường, lùn cũng là người, không lùn cũng là người, là người phải gánh tội của con người, không thể thoát khỏi sự cô đơn, không sao tránh được tuần tự: con người sống ở đời, sống cũ sống mòn rồi được mặc cho bộ quần áo mới, nằm vào cỗ quan tài mới, thế là chết và tất nhiên, bị dòng chảy lịch sử nhào nặn; đường đời, đang sống là những người chưa đi đến cuối đường, chưa đi đến cuối đường thì chưa thể nhìn thấy cái gì, tất cả những người chết đều đi đến cuối đường, nhưng mà có nhìn thấy gì lúc ấy thì cũng không cần thiết nữa rồi vì mẹ kiếp, cố gắng mấy thì ích chi nữa, kiếp người thật ra cũng một chữ thôi, là ‘khổ’ hay ‘tội’ thì khác gì nhau. Ngàn dặm không mây, Lý Nhuệ đưa người đọc quay về núi Lữ Lương, cũng cách viết như Cây không gió nhưng chậm hơn, không đa dạng âm thanh, đọc Ngàn dặm không mây luôn có cảm giác ngày lại ngày đối diện với sự câm lặng của dãy núi Ngũ Nhân Bình trải dài, nó đẩy không chỉ nhân vật chính-thày giáo trẻ mà cả người đọc vào sự cô độc, tĩnh lặng không người thấu hiểu, không sao lý giải nổi
• Có bóng dáng của gia tộc Lý Nhuệ trong các trang viết, ông gắn mình vào núi Lữ Lương và Ngân Thành địa danh hư cấu, nhưng ông không viết lịch sử dòng họ, hay viết về một vùng núi, một thành, một chuyện. Ông viết về con người, về sinh mệnh, và về Trung Quốc. Nên đọc các bài phỏng vấn, lời bạt cuối sách [lâu rồi sách NN không có phần này nhỉ]
Thời đại nào mà chẳng là hai vai nâng cái đầu
cột gỗ không mọc rễ không đứng vững được
lịch sử như năm tháng dài lâu, vần vũ đất trời, luân hồi sống chết
lẽ nào thoát vòng luân hồi,
nhìn người khác
và người khác nhìn
24.7.18
Kenji Miyazawa
[Nhịp của tĩnh]
Matasaburo - Từ phương của gió, câu chuyện có nội dung giản dị xoay quanh những ngày tháng như gió thoảng của một cậu bé do công việc của cha phải chuyển về sống ở một ngôi làng vùng núi hẻo lánh. Câu chuyện phần lớn là các câu trần thuật ngắn vẽ nên bức tranh thiên nhiên sống động song không kém phần nên thơ và về tình bạn trẻ thơ thi vị, trong sáng với rất nhiều cung bậc xúc cảm cho người đọc - như gió mát thoảng qua để lại nhiều dư vị ngọt ngào
Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà mang màu sắc khắc hẳn. Niềm vui của khám phá, nỗi buồn lo của những gì sau lưng và những gì mơ hồ phía trước đan xen hiển hiện xuyên suốt chuyến du hành qua những vì sao của cậu bé Giovanni. Chuyến tàu đêm băng qua dải Ngân Hà là lăng kính phúng dụ quá trình trưởng thành, hào quang trưởng thành chói lọi màu sắc, hài hoà cũng không kém phần hỗn loạn. Mỗi đứa trẻ đều phải trả một giá nào đấy gần như bị động, vô thức và bắt buộc để đặt lại 'nó' ngoài hành lang trước khi mở cánh cửa mang tên 'trưởng thành'. Một câu chuyện làm tôi liên tưởng đến Hoàng Tử Bé, Tàu tốc hành Bắc Cực 🙂 [tình bạn thời thơ dại của tôi còn lại gì nhỉ, tôi thoáng cười buồn]
hihihi, hãy đến với quyển cũ rích trong ảnh, Người săn gấu và mèo rừng, một tập truyện ấn tượng hơn cả. Gồm 9 truyện ngắn, phần lớn các nhân vật là các con vật sống trong rừng, hoặc các con vật sống giữa loài người cùng nói với nhau một ngôn ngữ - những câu chuyện viết cho người lớn từng là trẻ con. Thế giới của tập truyện hiện ra sinh động với trí tưởng tượng phong phú của Kenji Miyazawa thấp thoáng hình bóng của truyện dụ ngôn, ngụ ngôn, hay chút ít của Andersen
và nó làm tôi nghĩ đến gì 🙂
rằng số phận làm việc theo những cách kỳ diệu riêng của nó 😛, thật đấy
Điều còn lấn cấn duy nhất, vì lấn cấn nên không đặt được tựa đề, luôn có cảm giác Kenji Miyazawa thiếu gì đấy hay là thừa nhỉ, có lẽ là thiếu ở nhịp độ, hay là, thừa tĩnh; mà thật ra thì, tĩnh cũng có nhịp của tĩnh 😛
5.7.18
Cửu chỉ
Tôi nghĩ, không có lịch sử ‘chân thực’
đối diện với lịch sử, con người là gì
đối diện với thời gian, rốt cuộc sinh mệnh là gì
Tôi nằm khóc suốt sáng ngày hôm kia khi đọc những chương gần cuối của Chốn xưa, phải rất dũng cảm để mỗi ngày tiến thêm một vài trang đi cho đến cùng câu chuyện Chốn xưa.
Lý Nhuệ viết lời bạt 1 và 2, trả lời phỏng vấn đã tóm gọn Chốn xưa trong ít trang cuối sách. Một tiểu thuyết vừa tuyệt vọng vừa như ngời sáng với chất văn đẹp tê tái kể câu chuyện ngột ngạt ‘rất quen của Trung Hoa’, lòng người ta tịch nhiên ưu uất.
Đọc lại Lý Nhuệ sau gần nhất cũng 8 năm, nỗi buồn trầm thiết len qua trang viết tê buốt giữa mùa hè Hà Nội. Rùng mình
P/s: tôi còn quay lại Lý Nhuệ trong cơn ẩm ương khác :)