Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
23.10.17
Chẻ sợi tóc
Đây là quyển thứ hai tôi đọc của Francois Mauriac. Quyển đầu tiên là Bí ẩn nhà Frontenac (sách in dạng song ngữ), đến giờ tôi cũng gần như không nhớ gì nhiều ngoài cảm giác gia đình êm đềm (hình như là hạnh phúc của chính gia đình Francois Mauriac). Bẵng đi đến hơn 10 năm tôi không hề nhớ chút gì đến Francois Mauriac thì đọc Giới nữ của Simone de Beauvoir, bà có nhắc đến một đôi lần Mauriac, và rồi vô tình, Người vợ cô đơn đến tay tôi sau đó ít ngày. Sách và người có mối duyên, tôi tin điều này trong thế giới những quyển sách. Có một thứ năng lượng của sách hay của tôi tỏa ra, hút vào thế nào đấy, và tìm cách thức đến được với nhau, tất nhiên dạng ất ơ như tôi, chẳng lý nào lại không bỏ thời gian để biết quyển sách “bảo” gì với mình :p [Tuy nhiên, sách không biết do dịch hay biên tập mà nhiều câu rõ ràng là đọc không hiểu gì, không thể luận ra được logic của “bừa” bãi]
Têre (Therese Desqueyroux) trong Người vợ cô đơn là người đàn bà có ý định giết chồng, đầu độc chồng bằng thạch tín. Bởi vì, Têra ghét chồng, bà lấy chồng không vì yêu và cũng không tìm kiếm tình yêu trong hôn nhân, chính xác hơn bà tìm một nơi trú ngụ, một điểm dừng như người đời cho rằng nên như thế (tình yêu và hôn nhân cần phải hiểu rõ nó là hai phạm trù khác hẳn nhau, cứ la ó đi :v).
Một người đàn bà thông minh, cương nghị nhận biết rõ vai trò hy sinh của người phụ nữ, nhìn ra vẻ đẹp của sự nén mình, của tự hủy và trói buộc nhưng cũng luôn luôn nhận thức rõ cá tính con người mình tràn ngập trong từng tế bào, choán đầy và chiếm lĩnh mình; khái tính, thẳng thắn không muốn đóng vai, làm những cử chỉ, nói ra những lời công thức của một Têra khác mà không phải Têra chính mình; tư duy cởi mở không chỉ dám đi theo đam mê đến cùng mà còn dám thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, khám phá cái xấu xa trong mình đến cùng… Người đàn bà như thế sống với một người chồng trưởng giả nề nếp thôn quê quá nhiều “vỏ” và không bao giờ ra khỏi cái vỏ của mình, tầm thường, thậm chí đần độn, kém tinh tế có thể xem như kẻ vô tâm tính “không bao giờ đặt mình vào địa vị của người khác”. Cuộc sống hôn nhân tẻ nhạt chán chường bị đẩy đến hạn mức mặt trái của yêu. Ghét, người vợ ghét chồng của mình. Có ý định không chỉ một lần, đầu độc chồng và sau phiên tòa, nàng sống trong sự cô đơn tuyệt đối, tình yêu như sa mạc, tình phụ tử như sa mạc vì Têra “bao giờ cũng cần tìm thấy cái ta, cố gắng đuổi theo cái ta”. Một cá nhân chỉ sống cho mình, vì chính mình, tiên quyết không chịu làm thây ma khi đang sống, không chịu sống một cuộc sống không phải của mình thì nhất định là bơ vơ, hoảng sợ, hụt hẫng và hoang mang trong nhân gian không nơi bấu víu này. Nhưng cái ác, tội lỗi hay bất cứ điều gì được xem nằm ngoài đạo đức thông thường, chỉ cần ta dám nhìn nhận, dám trả giá đến cùng, chịu đựng lâu hơn lâu hơn nữa, nhìn kỹ vào trong mình hơn, nhìn kỹ vào, chẻ thật rõ ra như chẻ sợi tóc làm hai ba bốn năm, cởi bỏ nữa đi nữa đi nhẹ nữa nhẹ nữa vào, dùng nội lực bên trong mình soi rõ từng ngóc ngách suy nghĩ của mình. Biến nỗi đau, sự trả giá, chịu đựng, cô độc của mình thành trò chơi, thành lẽ sống, mục đích của đời mình, chiến đấu đến cùng, hành xác mình khổ sở bằng suy tư để nhằm hiểu cho rõ nội tâm mình thì linh hồn của cá nhân đó nhất định sẽ đến được vùng đất không còn sợ hãi, lo âu.
Francois Mauriac viết tàn nhẫn. Sự tàn nhẫn ở đây chính là ông không chỉ viết những câu thoại, dáng điệu, cử chỉ của nhân vật mà còn lột bỏ cái vỏ ngoài để rọi thứ ánh sáng tàn khốc vào những vùng sâu thẳm của tâm hồn, vào những động cơ tâm lý thầm kín mà chính đương sự cũng không ý thức nổi, ông không giấu giếm những cái xấu gai góc khám phá được ở mình, ở kẻ khác, ở con người. Sử dụng trang sách như sự kết tinh của cuộc giao phối giữa nhà văn và thực tại, ông tạo ra một thế giới hắc ám, một hỏa ngục trần gian của tội lỗi, cái ác với những giả dối, ích kỷ, biển lận, nhục dục… Người vợ cô đơn là một tiểu thuyết không có bóng dáng của những điều thực sự tốt đẹp hay những khuôn khổ theo luân lý và đạo đức thông thường. Trái tim của các nhân vật là những ổ rắn độc, khi đã bước chân vào con đường dục vọng, họ đi cho tới cùng, tới bờ vực thẳm, tới nơi có tiếng gọi của một thế giới khác “tiếng gọi của Thiên Ân”. Tiếng gọi Thiên Ân làm tôi nhớ rất nhiều đến những câu chuyện gần đây anh NL dịch Andersen, điển hình nhất là Anne Lisbeth: “… linh hồn của Anne Lisbeth đã ở tít trên cao, nơi không có nỗi sợ, khi mà người ta đã chiến đấu đến cùng…”
“Kể gì yêu xứ này hay xứ khác, những gốc thông hay những rừng phong, đại dương hay đồng bằng? Không có gì làm cho nàng lưu ý ngoài những gì sống, những con người máu thịt. “Không phải ta yêu những thành phố bằng đá, cũng không phải những buổi diễn thuyết, những bảo tàng, mà ta yêu cánh rừng sống động nó xào xạc, nơi những ham muốn cuồng bạo hơn bất kỳ trận cuồng phong nào sẽ đào xoáy. Tiếng rền rĩ của những gốc thông ở Ajơlu ban đêm làm cho ta xúc cảm vì nghe như tiếng người. Têra uống hơi say và hút đã nhiều”. Nàng cười một mình như thánh nhân. Nàng thoa phấn lên má, tô son lên môi rất tỉ mỉ, rồi ra đường và bước đi lang thang”
Sống là như chẻ sợi tóc, thành thật với mình trước nhất thì đời tất sẽ thành thật nhìn ta.
Tôi yêu Oscar Wilde, ông là tinh thần của một cuộc sống phóng khoáng, ở ngoài mọi ràng buộc của luân lý và đạo đức. Tôi thích những nhà văn mang đến thứ tinh thần ấy. Vì vậy, chắc sẽ tìm đọc thêm Francois Mauriac. Mà thế quái nào, Mauriac cũng cung thiên bình như Oscar Wilde, như nhiều nhà văn mình thích, thế quái nào í nhẻ :v [độc giả cung thiên bình cho hay]
12.10.17
Những cuộc đời song chiếu
“Đời mà không đi thì còn gì là đời”. “Sống sẽ chẳng phải là sống nếu không đi”. “Chẳng có gì sinh ra từ hư vô. Mọi thứ từng sinh ra đều sẽ phải chết đi. Giữa hai trạng thái đó, mỗi người được tự do sống cuộc đời bình thản và thẳng tắp của một kỵ sĩ trên lưng ngựa”
Alexandre Yersin, ông là ai. Người Pháp gốc Thụy Sỹ, ông phát hiện trực khuẩn dịch hạch và chiến thắng dịch hạch như thế nào. Rời Đức sang Pháp, rời Viện Pasteur vào làm Hãng Đường biển; rời y học sang dân tộc học, dân tộc học sang nông nghiệp rồi trồng trọt; ông đã làm như thế nào để trở thành một nhà phiêu lưu trong địa hạt vi trùng học, người thám hiểm, người vẽ bản đồ đi khắp vùng đất của người Mọi, rồi vùng đất của người Xê Đăng… Những nét chính về cuộc đời của Alexandre Yersin có thể tìm đọc nhờ một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên internet
Yersin: Dịch hạch và thổ tả của Patrick Deville là một tiểu thuyết cũng vẫn với từng ấy nét chính về người đàn ông mà tên của ông được dùng để chỉ trực khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis. Nhưng Patrick Deville đã dùng đúng một câu văn mà tôi rất thích trong tiểu thuyết này để ta có thể hình dung thật hơn về Yersin dưới cả lăng kính hiển vi và kính viễn vọng: không quá gần và đủ xa, ông “Giờ đây ông là một cái cây. Là một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu”. Yersin là người trong suốt cuộc đời luôn muốn chọn những gì mới mẻ và tuyệt đối hiện đại, ông lập ra chi nhánh Pasteur Nha Trang, khai sinh trường Đại học Y Hà Nội, khám phá ra Đà Lạt khi nó mới chỉ là một cao nguyên hoang sơ, vạch ra đường bộ đi từ Trung Kỳ sang Campuchia, ông đưa vào Việt Nam cây cao su, canhkina, ông là người lái chiếc ôtô đầu tiên trên đường phố Hà Nội, và có ý định xây sân bay ở Nha Trang. Với ông, Nha Trang là thiên đường, nơi người dân gọi ông là “ông Năm”, “bác sĩ Năm”, ông chọn sống trên đỉnh Hòn Bà giữ khoảng lùi và độ cao với mọi sự, chạy trốn vinh quang nhưng không mấy thành công trong việc trốn tránh thời đại của mình dù đã cố tách mình khỏi lịch sử (làm sao có thể chứ, một cuộc đời quá dài, từ Đế chế II đến Thế chiến II), một thái độ rất rõ ràng của người trí thức trước lịch sử, nuôi dưỡng khát vọng khoa học bằng trái tim và trí tuệ của mình. Một cá nhân của ánh sáng Hy Lạp, chọn phái khắc kỷ và khoái lạc chứ không nghiêng về Aristole hay Platon, người đọc thấy ở những giá trị cổ đại cũng chính là những giá trị con người ông, giản dị, ngay thẳng, bình thản, chừng mực và cô độc như sự tỏa bóng của một cái cây “một cái cây cũng chính là cuộc đời và cũng là không đi đâu”
Tiểu thuyết của Patrick Deville có một lượng thông tin khổng lồ, cũng dễ hiểu khi nó phác họa về một nhà khoa học không phải đi vào lịch sử, mà chính là một phần lịch sử loài người. Ta biết về sự ra đời của vắc xin bạch hầu, dịch hạch, lao..., về đường Catinat (Đồng Khởi), về Lang Bian, cầu Paul Doumer (cầu Long Biên). Và những chi tiết về văn chương nghệ thuật, về lời đề tặng Đi tìm thời gian đã mất của Proust dành cho ai, về Icare của Raymond Queneau, và tất nhiên Yersin trong vai trò nhà thám hiểm thì phải nhắc đến Conrad với Một tiền đồn của sự tiến bộ trước hết, sau đó là Tâm bóng tối (Giữa lòng tăm tối), 80 ngày vòng quanh thế giới của Jules Verne. Rất hiển nhiên về những nhân vật lịch sử như Pasteur, Rimbaud (một nhân vật có lẽ Yersin chưa bao giờ gặp mặt nhưng họ là những cuộc đời song chiếu của nhau, tôi nghĩ vậy, còn Baudelaire thì tôi gần với không biết gì), về một nhân vật từng là bác sĩ phái Pasteur nhưng phản bội để rồi trở thành nhà văn với tiểu thuyết sáng lòa Hành trình đến tận cùng đêm tối – nhà văn Céline
Yersin: Dịch hạch và thổ tả sẽ không là tiểu thuyết tươi mới thoát khỏi cái bóng của tư liệu, tiểu sử, sự kiện có thật về nhà khoa học ẩn dật Yersin nếu không phải là Patrick Deville viết. Với tất cả sự linh hoạt về cấu trúc, nhịp điệu, giọng văn hài hước dù dùng rất nhiều câu văn mang tính chất liệt kê gạch đầu dòng, lia ống kính không gian thời gian và chủ thể liên tục, đảo trật tự thời gian một cách tài tình và cực thông minh (Viễn vọng của Patrick Deville cũng vẫn phong cách lia ống kính rất ‘viễn vọng” chóng mặt như thế, nhưng bị quá liều) Patrick Deville đặt ra ý đồ sáng tạo nghệ thuật biến những thư từ như nguồn tư liệu chính, thành một tiểu thuyết kéo nó thoát khỏi cái bóng của thể loại lịch sử, tiểu sử, du hành… mà như chính ông có nói “viết về một cuộc đời cũng giống như vừa kéo violon vừa nhìn bản nhạc”
“Người đàn ông trong sáng đó tránh xa những nẻo đường xiên chéo
Khoác trên người lanh trắng và sự trung thực thơ ngây”
[Victor Hugo trong tập Truyền thuyết những thế kỷ]
Yersin yêu biển, núi và hoa. Và rốt cuộc, cuối đời ông đã đem lòng yêu mến văn chương, tất nhiên vẫn yêu mến sự cô độc, sự cô độc thâm căn cố đế.
p/s: Lần đọc này vì lòng ngưỡng mộ hihihi, lần đọc trước cuối 2013 hay đầu 2014 thì phải, đọc với tâm thế khác, giờ khác. Không biết dịch giả thích mình tên là Đặng Thế Linh hay Đinh Thế Linh nhỉ :p, biểu ghi biên mục và ở trang đầu sách không khớp nhau, rốt cuộc là bí ẩn Đặng hay Đinh hay là, chọn dịch hạch hay thổ tả đây :v. Cả hai tiểu thuyết của Patrick Deville dịch ở Việt Nam đều do nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi viết lời bạt, Patrick Deville cũng làm cho tôi một cú lừa như một số nhà văn khác (Paul Auster chẳng hạn), sau Yersin: Dịch hạch và thổ tả, tôi đã hí hửng bập luôn vào Viễn vọng và đúng là viễn vọng xa đường chân trời. Kỹ thuật và cách thức viết lia ống kính liên tục không gian thời gian và chủ thể vẫn như vậy nhưng câu chuyện lỏng, viễn vọng xa quá không đi vào bất cứ một cú zoom ghi điểm nào. Tuy nhiên tôi sẽ vẫn đọc Patrick Deville, dù tương lai xuất hiện tiếp ở Việt Nam có chiều hướng viễn vọng. Định tua nhanh để tìm mấy câu, đoạn văn về Yersin mà mình thích, nhưng mãi nửa sau mới tìm thấy, thế là coi như đọc kỹ hơn cả lần đầu :v