4 năm trước cảm nhận khác, giờ đã khác. Và nghiệm ra rằng, sau một thời gian nếu đọc lại mà vẫn cảm nhận như cũ thì hẳn là đã sai, cảm nhận khác trước là chuyện bình thường. Nhìn thấy khác trước mới là chuyện vui.
4 năm trước đọc chú trọng đến câu chuyện, giờ đọc chỉ nắm
“nôm na” câu chuyện nó là như thế, còn chủ yếu lại ấn tượng với những câu văn,
chi tiết, tình tiết rất mảnh và những nhân vật phụ, rất phụ. Và khi nghĩ về sợi
chỉ mảnh thì nó dẫn đến trung tâm câu chuyện, đến được đấy thì sẽ hít thở được
bầu không khí câu chuyện tỏa ra
Năm người đàn bà si tình của Ihara Saikaku – một nhà thơ, tiểu
thuyết gia, một trong những tác giả quan trọng của văn học Nhật Bản thời Edo
(1603-1867), là năm câu chuyện tình có kết cục bi thảm mang nhiều yếu tố truyền
kỳ, ma quái “chuyện kể lại rằng”, “người ta còn nói với nhau rằng”, “truyền tai
nhau rằng”, “câu chuyện này được kể lại”… và thậm chí hoang đường, nhưng thật
ra trên đời rất hiếm chuyện hoang đường, chuyện ngẫu nhiên (thực sự rất rất hiếm,
gần như là không có, tưởng hoang đường mà không, tưởng ngẫu nhiên mà chẳng hề
ngẫu nhiên chút nào). Trong Năm người đàn bà si tình, các nhân vật có mối quan
tâm chủ yếu là sắc tình, những nam nhân như quan làm lịch, thương gia, cậu ấm,
người thợ mộc… đến, đặc biệt là những nhân vật nữ, từ bậc phu nhân, tiểu thư tới
con sen, gái làng chơi… tất cả họ đều là những con người đích thực nhất nhất đi
theo tiếng gọi dục tình, tình cảm của mình. Trong bối cảnh thế kỷ 17 thì phụ nữ
trao thân thường gắn với gửi phận. Và lẽ thường, ái dục vốn là nghiệp chướng, là
khổ nạn và cũng là điều khó hàng phục nhất, nếu cứ nhất nhất lao theo thì không
tránh khỏi tội lỗi, và làm sao tránh được việc phải trả giá, bị trừng phạt.
Chưa nói đến việc, riêng ái dục đã là mối sầu khổ đời đời xưa nay rồi :). Và các nhân vật si
tình bất hạnh, thất bại trên con đường truy cầu hạnh phúc, tình yêu trong Năm
người đàn bà si tình nếu không tự tử thì phát điên hoặc đi tu, nhưng không chỉ
chuyện ái tình mà đối với cuộc đời vốn bất trắc và hư ảo dường này, làm sao người
ta có thể sống mà không hóa điên, tự tử hoặc đi tu cơ chứ. Sống vốn dĩ như là
bước ra khỏi một giấc mộng hoang đường mà nhỉ ;)
Phụ nữ vốn không nhớ được đường hướng, bị đánh bật khỏi
trung tâm của vũ trụ và họ phải tự tìm đường về nhà nên bản năng, linh cảm, sự
nhạy cảm và hành động theo bản năng của họ là ân điển nhưng cũng là điểm mù chí
tử. Thế gian phụ nữ từ bỏ nhiều thứ đi theo tình ái thì nhiều, nam nhân mấy người
đây :).
Tình yêu của người phụ nữ thời nào cũng vậy, là tất cả cuộc sống, nhiều khi nó
là ý nghĩa của sự tồn tại hoặc được cho rằng đấy là mục đích duy nhất cần với tới
(với nam giới chỉ là một phần thôi). Tôi biết nhiều người cho rằng nếu không tạo
ra ý nghĩa ấy cho cuộc sống và sự tồn tại thì phụ nữ biết làm gì đây cho hết một
đời :p
Sách được Phương Nam ấn hành quý III năm 2016, bản tiếng Việt
là bản lược dịch (rút gọn) của Phạm Thị Nguyệt dịch từ bản tiếng Anh, y nguyên
như bản năm 1988 của NXB Tiền Giang (y nguyên tới mức lúc cầm bản mới này, tôi
mở luôn tới truyện áp chót Chuyện nàng Osen đa tình và thấy rằng lỗi để bà vú
già là Nanny vẫn được giữ y nguyên, chưa biên lại :p) và có thêm bài viết đầu
sách của Hoàng Long, bài viết về hai tác giả Ihara Saikaku với Năm người đàn bà
si tình và Ueda Akinari với Hẹn mùa hoa cúc.
Tuổi băm này rồi, tôi không còn quan tâm nhiều tới cốt truyện
chính, mà để ý những tình tiết lia ria và các nhân vật phụ - những ‘nhân sinh
quan’ đa dạng nên Năm người đàn bà si tình là quyển truyện tôi thích thích [gấp
đôi thích], có điều là bản lược dịch nên đọc vô cùng đau khổ, cứ đang vui thì đứt
dây đàn, cảm giác thiếu hụt bị cắt cúp cực kỳ rõ. Tôi cứ đinh ninh sách làm mới
thì sẽ được dịch mới, hoặc ít nhất dịch bổ sung, có sửa chữa…
Tôi tiếc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét