Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
22.2.17
Another brick in the wall
Vết bớt màu cà phê sữa là quyển thứ ba trong series thám tử Erlendur Sveinsson nhưng là quyển đầu tiên được dịch sang tiếng Anh của nhà văn Iceland Arnaldur Indridason. Và như vậy, tôi đọc bị phộc tu một chút, Bụi lý chua máu tôi đọc cách đây mấy tháng là quyển ngay sau Vết bớt màu cà phê sữa :). Tôi chưa tìm hiểu về series này, nhưng hình như mỗi tập, tác gỉa đều chú trọng khai thác sâu vào một chủ đề, vấn đề xã hội họăc một loại tội phạm/tội ác; ở Vết bớt màu cà phê sữa là tội phạm hiếp dâm, quấy rối lạm dụng tình dục, ở Bụi lý chua máu là bạo lực trong gia đình, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Và tất nhiên đằng sau nó là những hậu quả, hệ lụy nên cả hai tập này đều có độ lùi thời gian rõ rệt so với hiện tại (30-40 năm), tác gỉa khai thác mảnh đất quá khứ với nhiều tầng sâu câu chuyện để tìm và đưa ra sáng toàn bộ sự thật. Sự thật ấy khi được phơi bày thì không mang tầm vóc của một vụ án lớn nhưng nó đào tới sâu gốc rễ của câu chuyện, của những vấn đề mà xã hội càng hiện đại đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn. Nó không chỉ là sự thật một vụ án, nó còn là sự nghiệt ngã khi hệ lụy, nguồn gốc tội ác đẩy những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực, sinh ra từ một vụ hiếp dâm, là con của kẻ hiếp dâm hủy hoại tâm hồn và thể xác của chính mình như giết chết một mầm mống bệnh hoạn.
Vết bớt màu cà phê sữa - cafe au lait: thuật ngữ trong y học để chỉ triệu chứng dưới da xuất hiện những đốm, bớt hoặc u dưới da màu cà phê sữa. Một triệu chứng phổ biến trong giai đoạn đầu của u xơ thần kinh - một bệnh di truyền do alen trội trên nhiễm sắc thể (NST) số 17 hoặc 22 tùy type bệnh, tỉ lệ 1/33000, 1/40000 trên toàn thế giới (là một bệnh hiếm gặp, chi tiết này rất quan trọng, là chìa khóa để có hướng điều tra, để nạn nhân là nạn nhân và thủ phạm là thủ phạm)
Vết bớt màu cà phê sữa mở đầu vào luôn trọng tâm, thám tử Erlendur tới Reykjavík điều tra án mạng, nạn nhân là một người đàn ông 69 tuổi làm nghề lái xe tải tên là Holberg, bị đánh rất mạnh vào đầu bởi một chiếc gạt tàn. Bên cạnh xác chết là mẩu giấy trên đó có viết "Tôi là ông ấy" và bức ảnh chụp ngôi mộ của một bé gái đã qua đời từ hơn 30 năm trước. Những sợi dây liên kết giữa hiện tại của nạn nhân và quá khứ bị khiếu kiện nhưng không đủ bằng chứng để kết án tội hiếp dâm, cũng như các mối quan hệ của nạn nhân, chồng chéo nhiều câu hỏi được đặt ra, và sự bất đồng quan điểm gỉa thuyết vụ án giữa Erlendur và 2 đồng nghiệp Sigurdur Óli, Elínborg khiến các nhân vật cũng như người đọc cảm thấy rối tinh, mơ hồ như có một cái gì đấy ở đây, thực sự nó vẫn ở đây mà không tìm cách tóm được một đầu mút của sợi dây dẫn đến sự thật. Nhưng cũng chính từ sự mơ hồ ấy mà khi các mảnh ghép tìm được đúng mảng màu cuả nó thì chúng được ráp nối khớp nhau thành một chỉnh thể, hiện ra một chuỗi các bức tranh xuyên suốt từ quá khứ 40 năm trước đến hiện tại 2001 được vén màn
Đến lần thứ hai đọc Arnaldur Indridason tôi mới dám khẳng định rằng thám tử Erlendur đại diện cho quan điểm pháp luật và công lý bằng cách nào đó phải tìm được thế cân bằng, cho dù là những tội ác, những bộ xương, những xác chết, vụ mất tích có bao nhiêu thời gian đã qua đi, kẻ chết đáng phải chết thì giết người vẫn là giết người, tội ác vẫn là tội ác, không có đáng hay không đáng, không có vay trả hay cào bằng sang nhau, bởi với vị thám tử này thì bản thân cuộc sống là hỗn hợp của hai thành tố thiên đường-địa ngục, thiện-ác, phải-trái, đúng-sai. Dù đọc bị đảo lộn trật tự series nhưng cảm tình của tôi với thám tử Erlendur tiếp tục có chiều hướng đi lên :), không còn cái cảm giác bất ngờ về ông thám tử luôn bị chìm trong bão tuyết, bị ám ảnh bởi những vụ mất tích, những giấc mơ, về chuyện ông hay buồn hay rút lui vào bên trong vì dù sao cũng là lần thứ hai gặp ổng rồi (đến đây xin khẳng định ông này đúng gout anh hùng điều tra phá án của tôi nhé: ngẫn nặng chứ không phải hơi hơi như tập Bụi lý chua máu). Tôi có cảm giác series về thám tử Erlendur được định nhịp điệu chậm nên tác gỉa dành tương đối dung lượng mỗi vụ án để chèn về cuộc sống riêng của Erlendur với tư cách, cương vị một người cha: bỏ rơi các con từ lúc 1-2 tuổi, là một thám tử nhưng con gái nghiện ngầy ngật không phanh..., tôi rất thích cách tác gỉa xây dựng hình ảnh người cha cho Erlendur, dù hành động có thế nào thì ông vẫn không ngừng suy tư về việc làm cha mẹ, cha và con gái, mẹ và con gái, cha và con trai, về những đứa trẻ được sinh ra chẳng ai mong muốn cũng như những đứa trẻ đã chết trong cộng đồng nhỏ bé Iceland này, nơi mà mọi người dường như có liên quan hoặc liên hệ với nhau
"Bố nghĩ là chuyện này sẽ không ảnh hưởng đến bố. Bố nghĩ rằng mình đủ mạnh mẽ để chịu đựng được tất cả những chuyện này. Bố nghĩ rằng mình có thể mặc áo giáp để chống lại nó qua nhiều năm và có thể nhìn đống rác rưởi từ xa như thể nó không phải là việc của bố, và cố gắng gĩư cho kỳ được ý thức của mình. Nhưng chẳng có khoảng cách nào cả. Và cũng chẳng có áo giáp nào cả. Chẳng ai đủ mạnh mẽ. Sự ghê tởm bám lấy bố như một linh hồn ma quỷ, nó len lỏi vào trong tâm trí bố và không để bố yên cho đến khi bố tin rằng cái đống rác rưởi ấy là bản thân cuộc sống, vì bố đã quên đi cách sống của những người bình thường. Vụ này là như vậy đấy. Giống như một linh hồn ma quỷ bị thả ra để xới tung tâm trí bố lên và kết cục là nó khiến bố bị tê liệt. Tất cả vụ này là một vũng bùn lầy mênh mông đáng kinh tởm"
Cơ sở dữ liệu di truyền học, cây phả hệ là những gì nguyên sơ nhất cho ta biết ta hình thành từ đâu, nó cũng là những bí mật xưa cũ của mỗi gia đình, những bi kịch, nỗi đau, cái chết, số phận mỗi cá nhân, nó là một Jar City (sinh viên y khoa Iceland gọi căn phòng người ta gĩư các bộ phận được lấy từ các bệnh viện, bảo quản chúng trong dung dịch phoóc môn nhằm mục đích giảng dạy là Jar City). Như một cô bé 7 tuổi trong truyện nằm trên giường bệnh hỏi bố mình rằng, tại sao chúng ta lại có mắt hả bố, ông bố trả lời chúng ta có mắt để nhìn, và ngay sau câu trả lời, cô bé sửa lại, chúng ta có nó để chúng ta có thể khóc.
Gốc rễ sự thật không phải để nhìn, mà để thấy, thấy nó và biết đau.
Mở ngoặc […]
[tôi nhất định phải kể ngoài lề như này: bệnh u xơ thần kinh trong truyện chỉ gây tử vong cho cá thể nữ, còn nam thì không hoặc gìa mới có biểu hiện bệnh, cá thể nam đẻ con gái thì con gái lại mắc bệnh và tử vong. Tôi vin vào việc chỉ cá thể nữ tử vong còn cá thể nam mang gen bệnh mà quy nó di truyền có liên quan giới tính; nên tôi mới húc đầu vào đá tìm hiểu về u xơ thần kinh cũng như chiều hướng, cơ chế di truyền của nó do truyện có sự lặp lại đều tăm tắp, nào là tự đọc tài liệu, nào là tranh luận xủng xoẻng xoong thủng chảo thủng mí bạn, chúng tôi đưa ra kết luận bệnh u xơ thần kinh không di truyền NST giới tính, mà như thế thì truyện chém gió à, tác gỉa chém gío à. Chí chóe nói nhau cả chiều, rôì sáng sau nhờ anh bạn cắt cúp đoạn giải thích ở bản tiếng Anh của truyện, rôì phải viện đến bạn đi gặp chuyên gia ở trung tâm nghiên cứu gen, chạy lên khoa ngoại hỏi... và kết luận u xơ thần kinh di truyền NST thường tính trạng trội. Tôi ngậm ngùi là vô tình mà tất cả những trường hợp trong truyện biểu hiện bệnh u xơ thần kinh có dấu hiệu vết bớt cà phê đều rơi vào các bé gái, chứ chả phải giới tính cái khỉ gì, coi như bài toán của tác gỉa cho thiếu dữ kiện, lỏng lẻo nên lời giải không thuyết phục tôi mấy.
Nhưng tôi bị điêng mà, đây người ta gọi là bệnh điêng của con Lốc, kéo theo ông bạn cũng bị điêng theo, ngồi xủng xoẻng tranh luận đến mức ông bố phải ngạc nhiên là có bao giờ thấy thằng T nó nói to như thế đâu. Tối hôm ấy khi đã nghĩ cbn, ngồi note quyển sách này đi, để còn đọc quyển khác, dừng cả tuần rồi thì lúc ngồi note lại quyển này, dở sách các trang oánh dấu mới biết mình quên đi chi tiết then chốt, chỉ có 2 dòng chữ thần thánh gần cuối sách đã khớp tất cả các khúc mắc, các kiến thức và bài toán, lời giải của tác gỉa. Vậy mà Lốc cứ làm um lên, làm ông bạn phải mày mò nghiên cứu u xơ thần kinh có mấy type, type nào thì bệnh não, type nào thì thính gíac... nếu chú ý chỉ 2 dòng then chốt này thôi thì chả mất thời gian như thế rồi. Chân thành ăn năn *mắt nhấp nhánh chớp chớp Tôn Ngộ Không*
Nhưng không sao, chúng ta còn tò mò về thế giới, còn muốn tìm hiểu về nó, còn muốn đặt câu hỏi là chúng ta còn tươi trẻ, AQ tí đuê; chả nhờ zẩm như thế mà đọc cả đống chữ về u xơ thần kinh đấy thây]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét