5.6.16

Vỡ mộng



Cái nhìn chao chát về ái tình thuần khiết trinh bạch, ái tình hoàn toàn, về lẽ sống chuyên nhất, về mộng đẹp được Nguyễn Bính tuồn vào tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội khi ông mới 22 tuổi. Cuốn tiểu thuyết gần như là những trang viết tự sự tuổi trẻ của tác giả (hai nhân vật chính Điệp và Tuấn là hình ảnh phản chiếu của Nguyễn Bính và Thâm Tâm-Nguyễn Tuấn Trình) mà tuổi trẻ thì "chỉ có buồn vì tình là đáng buồn", "giời đày chúng mình làm kiếp đàn ông. Mà đã là đàn ông bắt buộc phải yêu đàn bà" :p. Tuổi trẻ gieo vào lòng người ta sự lãng mạn, sự ham muốn thứ tình trong như ngọc không tì vết, sáng tròn vành vạnh như trăng đêm rằm.
Hai nhân vật Điệp và Tuấn "vui lòng cho đi mà không lấy lại một thứ gì ở ái tình, nhưng ái tình ấy phải là ái tình hoàn toàn. Sự hoàn toàn ấy không thể tìm thấy ở một người con gái sống, nên hai người yêu một người con gái chết"
"Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng thi sĩ phải đi yêu một cái mả lạnh!". Hồn cao quá nên khó tìm được tấm tình thuần nhất, bởi mấy ai biết được cái thiêng liêng của ái tình, không biết được điều ấy thì ái tình bị coi rẻ, dễ phụ lòng nhau.
Ái tình vỡ vụn như mọi giấc mộng bất thành. Nó là lẽ sống bị sụp đổ. Sụp đổ này cho thấy sự khước từ mang màu sắc hoang mang, cực đoan và nhiều định kiến với giới nữ, với biến chuyển của thời đại và với cả khuynh hướng thẩm mỹ của chính tác giả. Giá của bất tuân, của không thỏa hiệp là ngẫn, là điên giữa đời mà chắc chắn rằng chúng ta là những kẻ điên, kẻ ngẫn theo các cách khác nhau
hoàn toàn không tránh được.

Ps: quyển này hai zai ủy mị nữ giới nhỉ, như kiểu sự nam tính bị lấn lướt hết phần í, yêu một cái mả lạnh mà nào đã yên. Ái tình là ái tình trác tuyệt thì tuyệt nhiên không thể có trên cõi này, các cụ ạ ;)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét