Tội mộng mơ tôi chấp thuận để người ta định đoạt
(Nymphée - Louis Aragon)
Nếu cuộc sống như sống trong một bức tranh, không bao giờ mong đào thoát được khỏi khung tranh. Nếu cuộc sống như sống trong một ao tù, dù cái ao hoa súng có nổi tiếng và đi vào lịch sử thì dưới bề mặt hoa súng bảy sắc cầu vồng vẫn là một làn nước tối, làn nước là sự kết hợp của tất cả các gam màu, nó tạo ra màu đen. Sống như vậy rất gần với sống trong một khu vườn đẹp của nhà thương điên.
Chỉ là nỗi buồn chán, niềm tin chắc chắn về một cuộc sống khác tồn tại ngoài kia. Ngông cuồng, tất nhiên là ngông cuồng, nhưng nó không phải điều vụn vặt. Nó là điều căn bản, rất căn bản. Bi kịch người phụ nữ trong câu chuyện Hoa súng đen của Michel Bussi gợi cho tôi nhớ đến Madame Bovary của Gustave Flaubert
Làng Giverny với khu vườn ao nổi tiếng, nơi hai trăm bảy mươi hai bức tranh hoa súng được danh họa Claude Monet vẽ tại đây là bối cảnh cho tiểu thuyết Hoa súng đen của Michel Bussi. Ba người phụ nữ sống cùng ngôi làng Giverny. Người thứ nhất hơn 80 tuổi, góa phụ, độc ác và sở hữu một bức tranh đẹp. Người thứ hai 36 tuổi, vợ của một ông chồng hay ghen, một cô giáo xinh đẹp quan tâm tới nghệ thuật và dối trá. Người thứ ba gần 11 tuổi, xinh xắn, vẽ đẹp, rất đẹp và ích kỷ. Ngôi làng Giverny nhỏ bé với vài trăm người, yên bình và nổi tiếng như vậy nhưng cả ba người phụ nữ đều mong thoát khỏi nó. Người thứ ba trẻ tuổi nhất, có tài năng, Fanette Morelle. Người thứ hai xinh đẹp, khôn khéo nhất, Stéphanie Dupain. Người thứ nhất, già nhất, kiên định nhất, nhân vật xưng tôi.
Câu chuyện diễn ra trong 13 ngày, từ 13/5-25/5/2010, những song sắt của làng Giverny lần lượt được họ gỡ bỏ, câu chuyện thật khắc nghiệt, đau đớn, chỉ một người được giải phóng, thậm chí không một ai thoát ra, nó trở thành nỗi ám ảnh. 13 ngày lần lượt trôi qua, sự thật cứ dần hé lộ, mỗi tình tiết ngoi lên khỏi ao hoa súng là một tia sáng dẫn hai thanh tra Laurenc Sérénac ma lanh, lãng mạn và Sylvio Bénavides sục sạo, nhạy cảm đến một hướng điều tra mới, theo hướng khiến cho vẻ yên bình của ngôi làng sụp đổ trên cát và hai thanh tra lại tiếp tục đi vào ngõ cụt. Nhưng giống như sự yên ả và tiếng tăm của ngôi làng mà danh họa Monet sống, sự thật ngủ vùi, không nên được phơi bày, đó là việc của một ai đó khác.
Michel Bussi làm người đọc tin vào điều, chắc chắn là không có sự ngẫu nhiên hay tình cờ. Mỗi sự kiện đều đúng chỗ đúng thời điểm. Các mảnh ghép được xếp đặt rất tài tình, linh tính người đọc luôn ở trạng thái báo động, cả ba người phụ nữ này, người hơn 80 tuổi, người 36 tuổi, người 11 tuổi đều có sự lặp lại của số phận, dựa trên những hiểu biết, sự quan tâm, năng khiếu hội họa, họ đều có tài năng, đều có cùng một sợi chỉ mảnh đi xuyên, ba người đều có bên mình người đàn ông yêu họ đến mù quáng tội lỗi. Vậy là truyện gì đây.
Truyền thuyết về những bức tranh hoa súng màu đen như cách Monet đã quan sát cái chết của chính mình trong sự phản chiếu của những bông hoa súng và lưu nó trên vải, như làn nước lặng, như cả cuộc đời đang diễn ra dưới làn nước. Còn câu chuyện xảy ra ở ao hoa súng giờ đây lại là câu chuyện về cô bé 11 tuổi vẽ mặt nước như người ta có thể nhảy xuống đó, bồng bềnh trên mặt nước, trồi lên trên nó, thậm chí bay lên, một bức "Hoa súng" như Monet có thể vẽ khi ông 11 tuổi, những bông súng bảy sắc cầu vồng.
Quá khứ, hiện tại, thực tế và ảo ảnh được tua qua lại đan cài trong con mắt quan sát, hồi tưởng, chắp nối của nhân vật tôi, bà lão hơn 80 tuổi, tất cả được phản chiếu xuống dòng sông nhỏ định mệnh, nơi mà những cuộc đời vĩnh viễn mất đi.
Người ta có thể lấy làm kinh ngạc về những điều tình yêu làm được trong đời, nhưng cũng ngạc nhiên và tuyệt vọng không kém về những điều tình yêu phá vỡ, đục bỏ. Phải yêu nhiều như thế nào để kịp nhận ra mình đã yêu ít bao nhiêu.
Một câu chuyện viết rất khéo, và tôi có khát khao đọc lại để bới ra một chi tiết rất nhỏ "bị hớ" nào đấy mà tôi không biết có tồn tại hay không, không có gì là hoàn hảo cả (cuộc đời chả dạy thế là gì :p) biết đâu tác giả vô ý lộ 1 kẽ nứt rất nhỏ nào thì sao vì cấu tứ câu chuyện hoàn hảo, chặt chẽ quá, hoàn hảo không chịu được, cài cắm, dẫn dắt, quyện cả thực và ảo, quá khứ và hiện tại không chê vào đâu được. Hoa súng đen là quyển thứ hai tôi đọc của Michel Bussi. Giống như Xin đừng buông tay thì những nhân vật điều tra, phá án đều không đóng vai trò rõ nét mấy trong việc tìm ra sự thật, tội ác, hung thủ hay lý giải câu chuyện. Nhưng cái hay và cũng là thế mạnh của Michel Bussi chính là tính chính xác và khả năng dẫn dắt, ở Xin đừng buông tay thì thế mạnh của giáo sư địa lý Michel rõ nét khi ông lồng vào câu chuyện địa lý vùng đồi núi, gió biển, hiện tượng sương mù trên núi..., còn ở Hoa súng đen thì tính chính xác ở các mảnh ghép thời gian. Hoa súng đen sẽ nằm trong top truyện 2016 của tôi, tôi biết tôi sẽ thích nó ngay cả khi chưa đọc nó một chút nào, chỉ đơn giản vì tôi tin vào Michel Bussi, còn khi đọc nó rồi thì tôi càng tin hơn ở việc mình hiểu cái gout của mình, cũng như việc tại sao thể loại này ngày càng có xu hướng là chính văn chương hơn bất cứ gì được định danh là tác phẩm văn chương. Ngôi làng Giverny cũng như câu chuyện của nó làm tôi nhớ đến thị trấn Fjallbacka của Công chúa băng, và thị trấn nhỏ gần biển Aurora của Sự thật về vụ án Harry Quebert hay Chuyện nàng Nola, về việc yêu một người. Nhưng Hoa súng đen và Công chúa băng gần nhau hơn còn bởi những mảng màu nữa, gam màu đỏ trên nền gạch trắng như tuyết và gam màu đỏ loang ra dưới sông như rửa cọ vẽ.
ps: Tôi là người không biết gì về hội họa cũng như các giá trị của nó. Nên đọc quyển này, tôi đã phải hỏi ông nội google liên tục về các danh họa :p
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét