Từ khi biết đọc đến tận bây giờ, tôi vẫn có cái tính zấm zớ trẻ con, không thèm nhao theo số đông hoặc giả vờ không thèm quan tâm :v. Nên tuổi trẻ con, chúng bạn đọc cái gì thì thường tôi sẽ cao ngạo mà bỏ qua cái đó.
Với trường hợp Truyện cổ Anđecxen (Hans Christian Andersen) tôi cho rằng may phước cho đời biết chữ biết đọc của mình là đã gần như bỏ qua nó suốt thời trẻ con, để đến giờ U30 mới động lại, vì thực chất những câu chuyện này đâu có dành cho thiếu nhi nhi đồng. Không chút nào! (Kinh chưa, dạo này cũng dùng chấm than) :p
Andersen dùng con mèo, họa mi (ôi chim họa mi rúng động tâm can, tôi sẽ còn quay lại họa mi), cây cối, hoa lá, đồng tiền xu, chiếc kim, bù nhìn tuyết, chiếc bật lửa, nàng tiên, giấc mơ, đôi giày, chú lính chì, các vị thần, chuột chù, tí hon, thiên tinh...vân vân và vân vân, tất cả các nhân vật ấy cất tiếng nói, cái tiếng nói ấy giải thích về thế giới cũng như cách vận hành của nó (ngay cả Thần Chết); về bài học của sự đúng: đúng chỗ, đúng vị trí (Chuyện cây hoa gai, Chiếc kim thô...cái gì cũng có chỗ của chúng); khả năng dịch chuyển thỏa đáng chính là tài năng (Con trai người gác cổng); hay thế giới đã làm gì với những điều hiếm hoi tuyệt đẹp (Một mảnh lá của trời, Chim họa mi)
Có những truyện mà tôi đặc biệt chú ý ở cách kể truyện cổ, điều tuyệt vời là chỉ bằng chính cách kể rất chân phương một câu chuyện giản đơn mà có thể có được những truyện hay như Một chuyện đau lòng, cách thả tình tiết và câu văn hết sức thông thường nhưng đọc xong, không khỏi nổi gì đó trên da, ngả mũ kính phục. Cũng như Mụ ấy hư hỏng, Một người mẹ, Đứa trẻ trong mồ... đọc xong cứ nhoi nhói cảm giác kim châm đầu ngón tay. Hay những chuyện lý giải khiến ta ồ à, là như thế, là như thế đấy ư như Bù nhìn tuyết, Con quỷ sứ của ông bán hàng tạp hóa, Gia đình nhà cò...
Tôi rất muốn rằng, một khi nào đó tôi cần nghĩ về mọi thứ xung quanh, không cụ thể là nghĩ về cái gì việc gì, chỉ là muốn nghĩ về bất cứ điều gì cái gì như không nghĩ về chuyện gì thì tôi sẽ mở hú họa một truyện nào đó của Andersen và đọc thôi. Tôi tin chắc mình sẽ mỉm cười qui thuận thế giới này mà không phải quác mỏ như chiều nay: cả thế giới đang chống lại tôi à :v
Tôi thích hai câu chuyện đẹp tuyệt vời đau đớn: Bên gốc liễu và Em bé bán diêm, nên tôi đã lấy tên cho đống chữ này như bạn đã biết đấy: Chết khi đang mơ giấc mơ của mình. Hai hình ảnh cuối truyện thực sự gây cho tôi một cảm giác se lòng tê tái. Ngày xưa còn bé, tôi không nghe cô giáo giảng bài, tôi đọc Em bé bán diêm (Cô bé bán diêm) và luôn tự hỏi tại sao ông ấy lại viết một câu chuyện buồn đến thế này, buồn quá, và tôi tránh đọc lại suốt bao năm. Giờ, phước cho tôi, tôi vẫn thấy buồn quá, và chỉ có thể nhẩm trong đầu: cười lên bé yêu, không còn đói rét, không còn đau buồn nào đe dọa được em, cô bé ngủ ngoan nhé.
ps: các cô gái, chàng trai đang oằn oại vì tình yêu (vì những điều khác nữa), xin hãy đọc Nàng tiên cá. Tôi rất thích thái độ của cái kết.
Lúc nào nhớ ra thì viết tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét