Một cốt truyện đen tối và trong veo, giả dối và chân thực đến trần trụi, tất cả được gói gọn trong văn phong vô cùng nữ tính và tỉ mẩn từng chi tiết với nhịp điệu chậm rãi băng giá rất Thụy Điển mà không đánh đố sức kiên nhẫn của độc giả. Công chúa băng được lấy bối cảnh tại chính thị trấn Fjallbacka của tác giả Camilla Lackberg, đằng sau vẻ yên bình của thị trấn nhỏ, từng viên gạch đã được lật lên sau hai mươi lăm năm để lộ ra những cái chết từ rất sớm mà mãi tới tận khi sự thật được phơi bày thì họ mới chính thức chết và được an táng. Một trật tự thế giới nội tâm luôn luôn được thiết lập để duy trì cuộc sống cho đến ngày ngọn lửa đốt cháy băng giá thiêu cháy ta thì mới hòng tìm được một con đường thoái lui vào thế giới co cụm. Nỗ lực sống với nỗi cô đơn, khiếp sợ dường như được xây bằng bức tường băng mà nếu mặt trời không đủ nắng ấm thì mãi mãi băng không tan chảy được. Đọc câu truyện này luôn có cảm giác đang đối mặt với bức tranh ghép toàn tuyết trắng với những dấu chân để lại trên tuyết đan cài nhau, rõ ràng chúng là ở một vùng tuyết trắng mà sắc thái không sao tóm được cho đến khi từng đường rãnh mỏng rối rắm của dấu giày để lại ăn khớp vào nhau thì ta mới thực sự nắm bắt được câu chuyện ta đối mặt.
Như tôi từng có nói, dường như những người như Umberto Eco đào bới quá nhiều lịch sử và như một phép màu, ông ta có năng lực làm một kẻ du hành xuyên thời gian và đứng cao ngạo nhìn xuống lịch sử với những con người đi lối này rẽ hướng kia, những đường zig zắc chạm nhau ở một mắt xích nhỏ và ông ấy chọn ra một mắt xích để cấu thành câu chuyện rẽ theo hướng ông ấy muốn thẳng tiến tới. Thì, với những người khai quật khác, tôi tin vào thứ năng lực đào bới lịch sử, tiểu sử bởi bất kỳ công tác đào bới nào cũng đòi hỏi một sự sắc bén, nhạy cảm không gì hơn được khi ta chọn chỗ đứng là một kẻ ngoài cuộc nhìn ngắm cuộc đời người khác như thể nhìn ngắm chính cuộc đời mình.
Đây chính là việc thôi thúc tôi nhất khi đọc Công chúa băng, vì biết rằng nhân vật Erica đóng góp cho việc điều tra, thu thập thông tin là một người viết, đang viết dở cuốn tiểu sử thứ năm về các nữ văn sĩ Thụy Điển. Ngay tức khắc tôi hiểu rằng, tôi sẽ được đọc một quyển trinh thám nữ tính, nhạy cảm, chậm rãi và không kém phần thu hút. Còn anh cảnh sát địa phương Patrik thì dễ thương quá, dịu dàng và vui tính quá, tất nhiên không hợp với gu anh hùng điều tra lơ tơ mơ suy tư, nóng tính và hơi khép kín của tôi rồi :v. Nhưng lâu lắm rồi mới đọc một quyển trinh thám không tiếng súng, không rùng rợn, chỉ có nền trắng như tuyết điểm máu đỏ, một sắc đỏ vần vũ như lửa, ánh lóe sắc vàng vừa như thiêu cháy dữ dội hơn, vừa như nắng ấm tan chảy vùng băng giá rét. Một bức tranh đẹp tuyệt vọng.
* Bản dịch nữ tính, trong trẻo, gọn gàng, và rất hài hước, khác lạ với giọng văn của dịch giả Quỳnh Lê trong các đầu sách trước chị chọn dịch. Phải mãi sau này khi đã đọc San San chị viết và quan tâm Fb của chị, tôi mới hiểu rằng, chị ấy vô cùng nữ tính, một nữ tính dữ dội vươn mình.
* Bìa sách đẹp quá, bìa trước lạnh lẽo, bìa sau bình lặng đúng như vỏ bọc của thị trấn nhỏ Fjallbacka không hề bình yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét