28.8.15

Một tinh thần thượng giới



Anatole France là con một chủ cửa hàng bán sách cũ ở Paris nên ngay từ nhỏ đã ham mê sách và văn học nghệ thuật dù học kém, 20 tuổi mới tốt nghiệp trung học :p. Trong thư viện của người cha, giữa đám bụi của những cuốn sách cũ, Anatole France nhanh chóng thấy khao khát tri thức. Nên có thể thấy Thiên thần nổi loạn là câu chuyện xoay quanh thư viện tư lớn nhất Châu Âu với 360.000 đầu sách của dòng họ d'Esparvieu, thông qua nhân vật thiên thần giáng phàm Arcade, tình yêu dành cho công việc trí tuệ và niềm tin tôn giáo của riêng Anatole France được thể hiện rõ nét. Câu chuyện này cho ta thấy con người ở phương diện nằm chênh vênh giữa đức tin, đức tin là cần thiết nhưng đồng thời ta luôn tồn tại những câu hỏi vì ở giữa nơi hoàng hôn và bình minh trộn lẫn, nơi thiên thần, thánh Tông Đồ và những kẻ ngoại đạo ngao du, nơi ăm ắp chất liệu cho tưởng tượng và suy tư, ta nhất thiết phải đặt câu hỏi để hiểu thấu, tìm kiếm chân lý, để nhận thức được thăng hoa, chống lại, phá vỡ tín điều xiềng xích và đặc biệt, giải phóng tư duy, khoa học và tôn giáo phản biện lẫn nhau. Thiên thần nổi loạn phủ đầy học thức uyên bác, trí tưởng tượng, sự kết hợp trong phong cách viết thâm trầm dí dỏm và tính mỉa mai đã khiến nguời đọc như lạc vào thế giới không biết nên cho là hư cấu hay hiện thực. Tác giả mang đến cho người đọc cái nhìn từ tầm cao của tháp ngà tri thức và tư tưởng, hướng cái nhìn vào thời đại. Ông mỉa mai thực tại và hiến mình vào quá khứ, lắng nghe cuộc trò chuyện của các quyển sách để hướng đến cuộc trò chuyện của con người vì vốn thiên thần cũng gãy cánh, đôi cánh gãy như chính con quỷ trong mỗi người. 
Con người sẽ chỉ hết loay hoay, hết hoài nghi khi tìm thấy một đức tin. Với tôi, đó là điều thực sự cần thiết, có như vậy mới thoát khỏi sự mông muội và ngu đần.
*nhân vật tôi thấy thú vị nhất Thiên thần nổi loạn có lẽ là ông quản thư Sariette, màu mè, ngông cuồng, rồ dại vì tình yêu với thư viện, với trách nhiệm của kẻ bảo vệ trông nom sách, và tất nhiên, với cả sách nữa
*rất ít đầu sách có đôi lời trân trọng về dịch giả như quyển sách này. Dịch giả của Thiên thần nổi loạn chính là Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ, giải thích cho việc tại sao các chú giải trong sách có thể tỉ mỉ, cặn kẽ đến như thế 
*Tôi nghĩ là tôi hiểu sai về Thiên thần nổi loạn rồi, đọc sai Anatole France rồi, linh cảm người đọc là như thế (thấy rõ hơn mọi lần nhưng vẫn cứ viết ra để mai mốt đọc lại còn có cái tự cười mình) nên xin mời các bác. Nếu có lúc nào đấy đọc lại Thiên thần nổi loạn, tôi hy vọng mình sẽ đọc kỹ hơn về Cuộc chiến trên thiên đàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét