31.7.15

So, you think you can tell Heaven from Hell



Ngầm của Haruki Murakami được xếp vào thể loại phi hư cấu, tác phẩm báo chí xoay quanh cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học sarin {sarin là hơi độc thần kinh do các nhà khoa học Đức chế ra những năm 1930 trong kế hoạch chuẩn bị Thế chiến II của Adolf Hitler. Những năm 1980 Iraq đã dùng nó trong chiến tranh chống Iran và chống người Kurd, sarin độc gấp 26 lần xyanua, một giọt sarin cỡ đầu kim cũng đủ giết chết một người} của giáo phái Aum nhắm vào thường dân, hành khách của hệ thống điện ngầm Tokyo tháng 3/1995 làm 12 người tử vong, hàng ngàn người bị thương, thương tổn vĩnh viễn. Nhưng nếu đọc trọn vẹn thì nó mang nhiều tính văn chương dù Murakami dùng chính năng lực tiểu thuyết gia của mình tiến hành loạt phỏng vấn cả nạn nhân, cả các thành viên của giáo phái Aum, như hai chiến tuyến trái ngược nhau với một cái nhìn khách quan nhất để đem lại cho người đọc, và chính cả bản thân Murakami nữa (tại thời điểm này ông vừa quay lại Nhật Bản sau một thời gian dài sống ở nước ngoài) chân dung về "cái ở tầng ngầm, tầng sâu" trong xã hội thịnh vượng Nhật Bản, cũng như đằng sau cuộc sống bình lặng của từng cá nhân đất nước này, một đất nước vốn được ca ngợi và biết đến với sự phát triển tột bậc văn minh và được xem như một cường quốc đi trước thời đại
Đúng như Murakami có thú nhận trong tác phẩm này, vào mỗi cuộc phỏng vấn, ông đều cố gắng khai thác lai lịch, tung tích của người được phỏng vấn, ông tự nhận đây là căn bệnh của người viết tiểu thuyết, luôn muốn có một "bộ mặt" cụ thể của người được nói đến, không quan tâm tới bức tranh toàn cục mà muốn chú trọng vào tính chất người cụ thể, không thể bị thu nhỏ của mỗi cá nhân.
Phần 1 của Ngầm là tập hợp 34 cuộc phỏng vấn gồm cả nhân viên nhà ga, hành khách, thân nhân của những nạn nhân đã tử vong trong thảm kịch và cả bác sĩ, tiến sĩ góp phần dọn dẹp hậu quả thảm kịch sarin gây ra.
Khi nhìn lại thảm kịch này phần lớn những người được phỏng vấn vẫn còn chịu hậu quả của việc nhiễm độc sarin: tâm lý sợ hãi (đi bộ cũng cảm thấy bất an, không dám đi lộ trình cũ, không thích bị hỏi về di chứng của thảm kịch sarin), trí nhớ giảm, đau đầu, nhanh bị mệt, thị lực kém đi nhiều, và tất nhiên, sung sướng vì mình đã sống nhưng cũng cảm thấy đáng tiếc cho những nạn nhân khác không qua khỏi được...nhưng mỗi người lại có một câu chuyện và suy nghĩ hoàn toàn cá nhân, ngay cả việc họ nghĩ sao về những kẻ phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này. Trong các cuộc phỏng vấn ở phần này, dù là thảm kịch nhưng có thể thấy sức sống bền bỉ và lạc quan của người Nhật, họ tin vào một thứ tâm linh vũ trụ giống như xưa nay chưa được bàn tay số mệnh ban cho điều gì, cũng không trừng phạt gì, chỉ là không gì hết, sống một cuộc đời tẻ nhạt và bỗng dưng có một đều gì như thế này đã xảy ra: "chỉ vì xe bus đi sớm 2 phút nên tôi đã bắt chuyến tàu khác", "hôm đó tôi đã lên toa 1 đầu tàu thay vì toa 2 như mọi khi, nếu giống mọi khi thì thuận chiều gió, có thể tôi đã nhiễm độc nhiều hơn" hay cuộc phỏng vấn ở trang 70 và 78 như là một sự thay đổi lớn trong cách sống khi một phụ nữ nhiễm độc sarin đã không còn cãi nhau với chồng nữa, và cô coi đây như một lực tác động tâm lý "giống như biết đâu đây sẽ là lần cuối ta ở bên nhau" còn một người đàn ông khác thì ngay sau thảm kịch kia đã quyết định ly hôn vì vốn dĩ không hạnh phúc từ lâu rồi, việc trúng độc sarin chỉ như là giọt nước tràn ly, con lừa ngã quỵ chỉ vì thêm một tấm áo vắt lên lưng.
Sự việc tính đến giờ đã lùi xa hơn 20 năm nên khi đọc các nạn nhân tường thuật lại thảm kịch này diễn ra ở hệ thống điện ngầm Tokyo người đọc sẽ không tránh khỏi sửng sốt khi hệ thống ứng cứu thảm họa ở Nhật Bản lại đáng thất vọng như thế: xe cứu thương đợi hàng giờ đồng hồ, bệnh viện, trung tâm y tế ngơ ngác không có phác đồ điều trị hay xử lý tạm thời, và tôi tin rằng truyền thông lúc nào cũng vậy, chỉ nhằm làm hoang mang thêm, sự hoang mang vượt trên mục đích mang đến hay phổ cập thông tin tức thời, truyền hình chiếu lên những cái quá ư hạn hẹp và khi đưa tới công chúng thì nó đem đến một cái nhìn không toàn cảnh và thiên lệch (Truyền hình mới đáng sợ làm sao). Đúng như tiến sĩ Nobuo Yanagisawa (hiệu trưởng trường Đại học Y, Tokyo), một người được phỏng vấn trong phần này có nhận xét:”Ở Nhật không có hệ thống xử lý thảm họa lớn một cách tức thời và hiệu quả”. Thảm kịch sarin 20 năm trước ở Nhật Bản đã đánh vào suy nghĩ của rất nhiều người, không chỉ người Nhật, rằng Nhật Bản là một nơi tuyệt đối an toàn, rất nhiều người được phỏng vấn đã đặt ra câu hỏi, cảnh sát Nhật Bản tại sao không đi sâu vào vụ Matsumoto hơn nữa, một vụ rải hơi độc sarin diễn ra trước đó không lâu? Hay ngay sau vụ Matsumoto thì các bệnh viện đáng ra phải được chuẩn bị cho tình huống nhiễm độc sarin là như thế nào? Nếu mọi công tác được tiến hành tốt hơn thì chắc chắn các bệnh viện và trung tâm y tế đã không rơi vào tình trạng trang bị nghèo nàn đến độ thành ra trò cười (bệnh nhân đứng chờ hàng giờ, ngay cả khi đã đi vào trạng thái hôn mê…), hay có thể đã giảm thiểu thiệt hại về người đáng kể nếu ngay khi phát hiện sự việc lạ khiến nhiều người cảm thấy ốm, mệt thậm chí ngất khi ngửi phải mùi lạ trên toa tàu mà tuyến tàu được ngừng hoạt động luôn, tiến hành sơ tán khỏi tầng hầm….
Chân dung người Nhật quá ư lặng lẽ, co cụm, cô đơn và xa cách. Như Kiyoka Izumi 26 tuổi đi tuyến Chiyoda, được phỏng vấn có nói, tuyến điện ngầm của cô “trước bộ thương mại và công nghiệp, có những người sùi bọt mép. Một nửa con đường rải nhựa đó là địa ngục tuyệt đối. Nhưng ở nửa bên kia người ta vẫn rảo bộ đi làm như thường lệ. Đang săn sóc một ai đó, tôi nhìn lên thì thấy người qua đường liếc về phía chúng tôi với vẻ như hỏi:”Ở đó xảy ra chuyện quỷ gì thế kia?” nhưng không ai lại gần. Tựa hồ chúng tôi là một thế giới tách biệt. Không ai dừng bước. Tất cả họ đều nghĩ: “Chẳng dính dáng gì đến ta”
Hay như ông Masanori Okuyama 42 tuổi đi tuyến Hibiya “khi tôi ra ngoài, ở đằng trước ga Kodemmacho, nhất định là cả một khối phố kia đang trong trạng thái không bình thường nhưng xung quanh chúng tôi, thế giới vẫn tiếp diễn như xưa nay vậy. Xe cộ vẫn chạy qua bình thường”
Hay như một người được phỏng vấn có nói, tất cả đều ngửi thấy mùi rất lạ nhưng mọi người quá lặng lẽ, ai cũng lặng lẽ coi đó là việc không phải của mình
Tất nhiên chân dung ấy là số đông nhưng không phải tất cả, vẫn có những người vì giúp người mà cũng thành nạn nhân nhiễm độc, những nhân viên nhà ga tận tụy không tránh khỏi việc nhiễm độc quá nặng mà tử vong…
Trong phần này tôi đặc biệt cảm động với 4 cuộc phỏng vấn: Tatsuo Akashi (37 tuổi) anh trai của người bị thương nặng Shizuko Akashi; Shizuko Akashi (thời điểm được phỏng vấn cô bắt đầu có thể cử động được một chút rất ít, ngồi xe lăn di chuyển quanh phòng bệnh và có thể nói được ít và không rõ ràng) và cuộc phỏng vấn Yoshiko Wada, vợ góa của anh Eiji Wada; Kichiro Wada và Sanae Wada, bố mẹ của Eiji Wada đã chết. Dường như cả 4 cuộc phỏng vấn này khiến không chỉ Murakami mà chính tôi cũng quay trở lại câu hỏi Lớn: Sống có nghĩa là gì? Sống là như thế nào? Liệu ta có sức mạnh ý chí để tiếp tục sống ngoan cường như cô gái Shizuko Akashi kia không? Tình cảm của ta, bàn tay ta có đủ ấm để tiếp sức mạnh cho một ai đó? Ta đã yêu ai đó đủ chưa? Khi không còn hiện hữu thì dần dần mọi thứ sẽ phai nhạt đi, đúng không?
Phần 2 của Ngầm chủ yếu dành cho các cuộc phỏng vấn những người đã từng nhập giáo phái Aum, hay vẫn đang ở trong giáo phái Aum hoặc đã trở về một cuộc sống thế tục bình thường. Tôi đặc biệt thích phần này vì tìm thấy rất nhiều hình ảnh của mình trong đó. Bản thân tôi rất dễ bị thu hút bởi các chủ đề tôn giáo, đức tin, từng có lúc tôi cảm thấy mình đặc biệt bị thu hút bởi thuyết mạt thế nên gần như tôi có thể hiểu phần nào đó về những con người trong cuộc phỏng vấn này. Phần lớn những kẻ nhận nhiệm vụ thả sarin đều là những cá nhân có thể xem như kiệt xuất trong xã hội, thông qua hình ảnh những cá nhân được phỏng vấn, ta có cái nhìn khái quát những con người này, tiến trình gia nhập giáo phái, chân dung Thủ Lĩnh Shoko Asahara, truy cầu tôn giáo của họ, quan điểm của họ về việc Aum đánh hơi độc hệ thống tàu điện ngầm Tokyo…
Phần lớn họ là những cá nhân yếu đuối, họ đối diện với nỗi cô độc khi làm một cá nhân biệt lập trong thế giới với trạng thái nhiều suy tư, không tìm thấy sự thỏa mãn khi sống giữa xã hội nên họ cho rằng khi mình xuất gia, gia nhập giáo phái Aum, có thủ lĩnh, họ giao phó cái tôi của mình cho giáo phái nhằm tìm kiếm một điều gì đó bên trong họ mà chính bản thân họ chỉ cảm thấy mà không chỉ đích danh được nó là điều gì, cái gì. Họ có nhiều bạn bè hoặc không, nhưng phần lớn đều thích nghi với xã hội bằng một cái tôi khác, vẫn là cuộc sống học tập đi làm và quây quần bên gia đình nhưng khi về đến phòng riêng hoặc khi ở một mình họ bị một thôi thúc truy vấn về thế giới, về những điều cấm kỵ tự hỏi ta đích thực là ai. Tức là tôi tin rằng một bộ phận người quanh tôi bị mắc mứu vào những điều này nhiều hơn những người khác và loay hoay với mọi suy tư tôn giáo hay những nỗi đau, bất an mà họ cứ cố mang theo không buông, cuộc đời đầy những đau khổ và các mâu thuẫn trong thế giới thực tại trở nên khó chịu đựng. Điểm hấp dẫn của giáo phái Aum nằm ở chính những thất vọng của con người với hiện thực, với sự bất an, lủng củng của khái niệm “gia đình”, cảm giác mang tính khải huyền về “tận thế”, những cảm giác chung của con người về tương lai
Bạn chưa từng hiến một phần bản thân mình cho một ai đó hay điều gì đó để đổi lấy một thứ mà bạn nghĩ cần thiết với mình, giúp bạn đương đầu được với cái yếu nhược trong con người mình. Bạn chưa từng giao phó mình cho một tổ chức, đoàn thể trật tự nào to lớn hơn chính cá nhân bạn. Và khi tổ chức đoàn thể ấy yêu cầu một nhiệm vụ thì bạn liệu có biết được nó là việc “loạn trí” “điên rồ” không hay bạn vẫn nghĩ nó nhằm làm tốt đẹp thế giới này như mộng tưởng ban đầu của bạn và bạn thành kẻ sẵn sàng chết vì một nguyên lý, chân lý nào đó bạn tin, một chân lý mang màu sắc chủ nghĩa hiện thực ấn tượng mạnh: trước khi cải tạo thế giới, anh phải cải tạo chính cơ thể mình
Phần lớn những người còn theo Aum hay đã bỏ giáo phái và công khai phê phán Aum khi được hỏi đều không hối tiếc khi gia nhập Aum, với họ đấy là những ngày tháng không uổng phí vì “ở trong Aum họ tìm thấy mục đích trong sáng mà trong xã hội bình thường họ không cảm thấy. Dù cuối cùng nó có trở thành cái gì ghê tởm đi nữa thì ký ức đầm ấm, ngời ngời về sự bình yên được tìm thấy lúc ban đầu vẫn cứ còn lại trong lòng họ và không thứ gì khác có thể dễ dàng thay thế”.
Xét ở một góc độ nào đó, thảm kịch Aum này là những hình dung bị đè nén về tận thế, có thể xem nó như một loại virus được phát tán vào xã hội, chưa thể xóa bỏ hoặc chưa được hiểu thấu đáo. Nói như anh Misuo Arima (41 tuổi) một nạn nhân được phỏng vấn ở nửa đầu sách có nói: cảm thấy như mình đang xem một chương trình tivi “Từ khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh đến bước chúng ta đã mất đi mọi cảm nhận về khủng hoảng và của cải vật chất là tất cả những gì có ý nghĩa. Ý nghĩ làm hại người là sai, dần đã biến mất. Trước đó, người ta đã nói nhiều đến điều này, tôi biết, nhưng phải đến vụ hơi độc này tôi mới thực sự thấm thía. Nếu ta nuôi dạy một đứa trẻ với cái não trạng ấy thì sẽ ra chuyện gì đây”
Và đặc biệt có một cái nhìn toàn cuộc khách quan như ông Toshiaki Toyoda 52 tuổi, một nhân viên nhà ga với 34 năm trong nghề có nói đến một thứ linh cảm: “Tôi biết xã hội đã đi đến bước sẽ sinh ra thứ gì đó như Aum. Ngày ngày tiếp xúc với hành khách, ông thấy cái mình nhìn thấy. Đó là vấn đề đạo đức. Ở nhà ga ông có một bức tranh rõ rêt về con người vào lúc tiêu cực nhất của họ, những mặt trái của họ. Chẳng hạn, chúng tôi lau quét nhà ga với một cái hót rác và bàn chải cọ, và rồi đúng lúc chúng tôi làm xong thì một ai đó lại lẳng đầu mẩu thuốc lá hay rác vào ngay chỗ chúng tôi vừa dọn sạch. Ở ngoài kia có quá nhiều người tự cho mình là đúng”
Đến một mức độ văn minh nào đó, con người sẽ đi vào trạng huống tự tiêu diệt nhau và xã hội văn minh ấy sẽ bị sụp đổ. Sau nó là utopian hay dystopian là điều nằm ngoài sự hiểu biết của con người, nhỉ
1, Tôi tin rằng việc tiến hành phỏng vấn và tập hợp chúng thành sách, những hiểu biết về thảm kịch sarin và giáo phái Aum là mảnh đất màu mỡ để Murakami viết 1Q84 và đặc biệt với mình là, mình lại có một cảm giác liên hệ giữa Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với sự kiện của Ngầm dù Xứ sở được viết trước thời điểm thảm họa xảy ra đến 10 năm, trước Ngầm đến 12-13 năm, mình sẽ tìm cách lý giải sợi dây cảm giác của mình vào dịp nào đó mình thu xếp quay lại đọc toàn bộ Haruki Murakami
. Thông qua việc phỏng vấn này, từ cách nhìn và căn bệnh nghề nghiệp của người viết, rất nhiều hình tượng nhân vật đã được xây dựng, nó như việc bỗng dưng anh được nghe rất nhiều suy nghĩ, cảm nhận về cùng một sự việc nhưng đa màu sắc, đa chiều hướng
2, Tôi đọc Ngầm năm 2010 khi đang vừa học vừa làm, tiền ít mà sách thì muốn mua rất nhiều, đọc trong lúc nhà sách vắng khách và không mua nó. Mãi sau này có điều kiện hơn, thì không còn bản in đầu, con người nhiều khi bị những thứ rất ngớ ngẩn trẻ con ngăn cản làm một việc gì đó, nhỉ. Bẵng đi 5 năm, hôm vừa rồi được tặng quyển này thì mới lần hồi đọc lại. Đúng như bộ phim Elegy dựa trên tiểu thuyết The Dying Animal của Philip Roth có nói: cuốn sách đọc lại sau 10 năm có khác không? Thì Ngầm cũng vậy, 5 năm trước vẫn là một người luôn bị thu hút bởi chủ đề tôn giáo, tâm linh, đức tin…nhưng chưa thực sự dùng chính cảm nhận, đức tin của mình, nên lần đọc này cảm thấy rất khác biệt, như đã thay đổi nhãn quan, nhân sinh quan nhìn vào một sự việc vậy. Tôi vẫn cho rằng vì bất cứ lý do gì những người ở giáo phái Aum cũng không được phép làm việc thả hơi độc sarin, tấn công có hệ thống như vậy, việc phải chịu trách nhiệm, bị kết án là hoàn toàn không có gì phải bàn nhưng một mặt nào đấy, tới thời điểm này, tôi nghĩ rằng mọi vận hành của xã hội dù có là loạn trí, điên rồ thì đều có cái lý của nó, chỉ là ta có nhìn ra, có biết, có hiểu được cái lý đó không mà thôi
Tôi có đùa bạn tôi rằng, người như tôi rất dễ sa chân vào một giáo phái nào đấy vì bản thân tôi là một cá nhân yếu đuối luôn cảm thấy không thỏa mãn với cuộc sống thế tục, rồi nỗi bất an, thương cảm bi ai với chính con người, luôn có khao khát tiềm kiếm một thứ gì đó ẩn sâu trong tôi, một thứ mà tôi chỉ có thể cảm thấy nó có mà không thể nắm bắt được. Là thế đấy, rất nẫu colonthree emoticon


ps: sẽ quay lại sửa sau, té đây


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét