11.7.15

Sách và Trẻ em


Thế giới trong trang sách và trẻ em là hai con đường dẫn đến cùng một điều: làm cho ta kinh ngạc mỗi ngày 
Mười chín câu chuyện trong Thế giới không trẻ em và những câu chuyện khác được viết bởi một người đàn ông sinh năm 1962 Philippe Claudel, một người lớn đã từng là trẻ con viết những câu chuyện nhỏ, những câu chuyện thơ mang màu sắc ngụ ngôn với giọng điệu như lời thủ thỉ, chia sẻ của các cô bé, cậu bé để cho chính những người lớn đọc. Tính chất ngây ngô, vòi vĩnh, nũng nịu trong giọng văn này bao trùm lên các câu chuyện một sắc thái tóm gọn chiều kích của cả ánh sáng và đêm tối, nụ cười và nước mắt, điều đau đớn, giấu giếm cũng như cảm giác hạnh phúc, hay gọi lên tên của những điều ta đã giả vờ quên đi, giả vờ ngơ...làm người đọc không ngừng ngạc nhiên, phải chăng phải làm cha, làm mẹ người ta mới có năng lực viết theo cách đưa thế giới vào trang sách và phóng chiếu cùng một thế giới ấy ra khỏi trang sách vừa tuyệt đẹp vừa đau đớn mà vẫn lấp lánh ánh nhũ từ đôi cánh của các cô tiên tí hon trong xứ sở thần tiên như thế này, phải làm cha làm mẹ của trẻ con thì người ta mới được hưởng đặc ân không ngừng ngạc nhiên mỗi ngày với đứa trẻ trước mắt mình đây 
Điều khiến tôi thích gần như cả 19 câu chuyện nhỏ trong tập sách này là dù ngắn, thậm chí rất ngắn thì nó cũng khiến người đọc như được một đứa trẻ cầm tay dắt vào thế giới như khu vườn bí mật, thế giới trong con mắt của trẻ em tạo ra, thế giới nhiều màu sắc, đẹp ngỡ ngàng, dung chứa nhiều cái cho ta tìm hiểu lại chính ta để khai thác, thăm dò những sắc thái, mùi vị ta đã quên, như giúp ta tái cấu trúc chính mình. Đấy mới chính là nét độc đáo của Philippe Claudel, giống như lời đầu sách ông có nói cuốn sách tặng cho trẻ thơ sẽ trở thành người lớn và cho những người lớn đã từng là trẻ thơ 

Tôi sẽ còn quay lại tác giả này ít nhất 2 lần nữa, các bạn có thể đọc được tập truyện mỏng này trên internet, định dạng file .pdf, hiện tại còn một quyển cùng tác giả, cũng mỏng mỏng thôi, là: Cháu gái ông Linh mà tìm khắp phòng chưa ra . Mỗi một truyện ngắn trong tập truyện này vừa có thể cười vừa có thể nhệch mép vừa có thể khóc vừa có thể cau mày nhăn trán suy nghĩ. 

ps: Câu chuyện rất ngắn cuối cùng của tập truyện này là Nói dóc, có người đàn ông bé đi sau mỗi lần nói dối, sau mỗi giây, mỗi lời anh ta nói, anh ta lại bé đi một vài xăng-ti-mét. Con Lốc cũng không nói gì nữa đâu, mọi người tìm đọc đi nhá, nói nữa thì con Lốc cũng bé tí đi từng giây một, đến lúc không còn tồn tại nữa thì chán chết như cô gái tí hon nằm trong bong bóng xà phòng bay đi ngao du thiên hạ chả được mấy nả mà chạm nhẹ đã nổ t...á...c...h một tiếng nhẹ nhàng trong không khí vỡ òa í 
-có nhân vật Zazie làm vắc xin để con người trở nên tử tế í, tính cách đúng kiểu Zazie trong tàu điện ngầm của Raymond Queneau nhỉ 
-bản dịch tiếng Việt rất tự nhiên, hình như cả 4 đầu sách của Philippe Claudel ở Vn cùng một người dịch Trịnh Thu Hồng

*lại bị bé đi một ít roài, chả nói nữa đâu, gõ lại truyện đầu tiên mời gọi các bác nhá* 

Thế giới không trẻ em 
(Trích trong tập: Thế giới không trẻ em và những câu chuyện khác của Philippe Claudel)

Một buổi sáng đẹp trời, hay đúng hơn một buổi sáng xấu trời, đúng, đúng thế, một buổi sáng thực sự xấu trời, khi người lớn mở mắt ra, họ nhận thấy đã xảy ra điều gì đó kỳ quặc. Không một tiếng động. Không một tiếng cười. Không tiếng líu lo. Không có gì hết: bọn trẻ con đã biến mất! Khi tôi nói bọn trẻ con, tôi muốn nói là tất cả trẻ em, khắp nơi trên thế giới, trên mọi đất nước, ở tất cả các thành phố, ở mọi vùng thôn quê. Người ta uổng công tìm kiếm, sục sạo, huy động lính cứu hỏa, , cảnh sát, binh lính, người ta không hề thấy một đứa trẻ nào. Cái duy nhất người ta có được trong tay là một mẩu giấy hơi nhàu với chữ viết nhỏ vụng về, đầy lỗi chính tả, ghi lại tin nhắn sau: "Chúng con bị rầy la xuốt nghày, mọi người hông bao dờ nge chúng con, chúng con hông được trơi đùa khi chúng con muống, chúng con phảy đi ngủ xớm, hông được ăng socola chên giường, lúc nào cũng phảy đánh dăng: chúng con trán người lớn lắm rùi: chúng con đi đay. Chúng con để mọi người lại!" và ký tên: "Trẻ eng".
Nỗi kinh hoàng chung! Cha mẹ đau khổ không tài nào an ủi được! Các gia đình khóc lóc! 
Các ông hoàng và những người đứng đầu chính phủ hứa sẽ tìm lại được bọn trẻ. Nhưng bọn trẻ này trốn rất kỹ. Bọn chúng tập trung nhau lại trong ốc đảo Kerambala, nằm tận miền Nam Marédanie, một vùng đất người lớn không thể vào được. Ở đó không ai quấy rầy bọn trẻ con. Có thừa thãi đồ ăn thức uống. Bọn trẻ có thể không phải rửa ráy, có thể đi ngủ vào lúc nửa đêm. Chúng không phải đi học. Chúng để móng tay móng chân mọc dài ra. Chúng chơi suốt cả ngày. Chúng nhồi đầy kẹo. Mỗi ngày chúng thi olimpic nhảy cừu. Và nhất là, nhất là không bao giờ chúng để phải rầy la! Không bao giờ.
Trên các kênh truyền hình, Giáo hoàng cầu khẩn bọn trẻ con, Đạt-la Lạt-ma Tây Tạng đọc cho chúng nghe một bài thơ. Tổng thống tất cả các nước cộng hòa hứa phát cho chúng kem dâu mỗi ngày và đưa các giờ phim hoạt hình bắt buộc vào trường học. Tất cả các bậc phụ huynh nài nỉ những đứa con yêu dấu của mình. Các đài phát thanh liên tục truyền đi những tiếng nức nở của các ông bố và các bà mẹ, điều này làm bọn trẻ cười rũ ra. Nhưng nhất là, nhất là, thế giới trở nên buồn khủng khiếp. Các thành phố giống như những vùng đất chết. Các công viên và khu vườn chìm trong một giấc ngủ kỳ lạ. Các ngôi nhà im ắng. Những người lớn lang thang như những linh hồn đau khổ, không nhìn nhau, không nói chuyện với nhau.
Một hôm, bọn trẻ quyết định thấy bài học chúng cho như thế đã khá dài. Tất cả cùng trở về nhà vào cùng một lúc và ngày hôm sau, trên khắp hành tinh, người lớn lại thức dậy với những trẻ em.
Lễ hội khắp nơi! Pháo hoa! Bao nhiêu là cái hôn!
Bọn trẻ con được chào đón như những người anh hùng và được tiếp đãi như những ông vua. Người ta hứa với chúng tất cả những gì chúng muốn. Một lần nữa Trái đất lại quay tròn.
Nhưng thời gian trôi đi với tất cả mọi người và với cả bọn trẻ nữa. Và một ngày này hay một ngày kia, chúng trở thành người lớn và trở thành cha mẹ cũng có những đứa con, những đứa con chúng yêu quý vô cùng tuy nhiên cũng phải rầy la, trừng phạt và những đứa con làm cho chúng phải càu nhàu. Bởi vì, bạn thấy đấy, vấn đề ở chỗ khi người ta lớn, người ta quên, người ta hầu như quên hết mọi thứ và nhất là người ta quên mình đã từng là trẻ con.
Thế là một buổi sáng đẹp trời, hay đúng hơn một buổi sáng xấu trời, đúng, đúng thế, một buổi sáng thực sự xấu trời, người ta tỉnh dậy, "Chúa ơi! Đã xảy ra chuyện gì vậy?" và họ nhận thấy bọn trẻ con đã biến mất! Khi tôi nói bọn trẻ con, tôi muốn nói là tất cả trẻ em, khắp nơi trên thế giới, trên mọi đất nước, ở tất cả các thành phố, ở mọi vùng thôn quê. Người ta uổng công tìm kiếm, sục sạo, huy động lính cứu hỏa, cảnh sát...
(hết)

ps: chưa phải truyện hay nhất nhưng sẽ tiếp cận được nhiều người đọc hơn. Cuối tuần vui vẻ ;)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét