4.3.15

Nhát rìu bổ xuống bộ khung cuộc đời

Cánh cửa (Szabó Magda) là câu chuyện về mối quan hệ của chính nhà văn (rất nhiều sự kiện có thật trong văn nghiệp của Szabó Magda xuất hiện) và người đàn bà Emerenc (gần như) là người quản lý cho một khu nhà, bà quét dọn đường phố, trông nom, nấu nướng, dọn dẹp cho gia đình văn sĩ Szabó Magda... Mối quan hệ này, tại sao lại vượt thoát mọi thu hút thông thường của độc giả khi đọc một tiểu thuyết; nó không phải tình yêu đôi lứa, không phải một câu chuyện dòng họ, không phải chiến tranh, không chính trị, không rất nhiều thứ không... Nó chỉ là câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, xét về tuổi tác thì như hai mẹ con một nhà văn nhạy cảm vì mang trong mình hạn mức chịu đựng nỗi đau gấp đôi, nỗi đau tình và nỗi đau trang sách. Một Emerenc co cụm, khép kín, xa cách đến cực độ; nước mắt, tiếng cười đều không phải thế giới của bà, đơn giản vì bà là mặt hồ lặng sóng, mà vốn dĩ, điều gì càng đơn giản thì càng khó cảm nhận. sự nhạy cảm của một nhà văn ở bên này cánh cửa với sự bình thản của Emerenc ở bên kia - người quan tâm tới những thứ đổ nát, tàn phế, người giữ gìn sự cô đơn và sự khốn khổ đến bất lực, người mà chứa trong mình triệu chứng đóng kín cửa, từ chối thế giới để lang thang đau đớn trong mê lộ thế giới tình cảm của riêng mình. Chính thế mà mối quan hệ của họ tưởng như đời thường lại trở nên quái dị. khi người đọc bắt đầu nhận ra tính chất vượt thoát, băng qua cái bình thường, tầm thường của quan hệ này cũng là lúc nhận ra, thật ra văn chương của Szabó Magda là gì chứ, là cái quỷ dị bà với tới tận ngóc ngách tâm lý con người, và bà cứ đào mãi tới cùng, cái quỷ dị này ập đến qua mỗi chương như một phần triệu triệu của một giây mà kẽ nhỏ thời gian có thể chui qua. Szabó Magda viết về Emerenc như thể trong một cuộc đời duy nhất ấy có thể dồn nén biết bao nhiêu cuộc đời. Emerenc chấp nhận cuộc đời như nó vốn có nhưng nếu cuộc đời có thể ghi lại vào một cuộn băng, bà muốn nó dừng một giây ở chỗ bà muốn. Sức dồn nén ấy là vô hạn, tới mức độ làm cho người đọc, thậm chí chính bà văn sĩ tin vào Emerenc, sức mạnh của Emerenc không chỉ thể hiện ở lệnh cấm vào căn nhà cửa đóng mà còn có hiệu lực với tất cả. Với cả cái chết. cho đến ngày chiếc rìu bổ vào cánh cửa (trang 207) thì Emerenc, người đàn bà hiện sinh quái đản đã bổ nhát rìu vào bộ khung của cuộc đời Szabó Magda sau cánh cửa gìn giữ sự cô đơn là 9 chú mèo, là chú bò Viola trên sân ga, trên con phố trong hình hài một chú chó Viola. Một cuộc đời dồn nén biết bao nhiêu cuộc đời và hạnh phúc trong cô đơn. Cánh cửa gìn giữ sự cô đơn ấy chỉ mở ra một lần, với duy nhất một người-bà văn sĩ, và dường như nó không như ý của hai người họ. Sự cô đơn cùng cực chỉ có thể được nói với một quạnh quẽ ít nhất là ngang với nó mà thôi, nếu không phải cái tương thích thì nó sẽ như bà văn sĩ, tưởng rằng mở cánh cửa là cứu Emerenc khỏi cái chết, mà không phải, đó là cánh cửa mở ra sự chết, một việc không thể thay đổi được. ps: Tôi chỉ muốn nói rằng tôi lâm vào cảnh sến rền rệt, đọc đến dòng cuối cùng, tôi liền mở lại những trang đầu như đi trọn một vòng tròn có đè thêm nét ở đường vòng đầu tiên. Rồi mới an tâm đóng sách, như là, tôi tha thứ cho bà nhà văn, tôi đang cố hiểu cả hai người họ vì họ làm tôi bị đâm bởi một lưỡi dao sắc, tôi chưa thể biết mình ngay lúc này, tôi thơm vào bìa sách, hình một người đàn bà mang khăn trên đầu (bà ấy trong truyện còn vận trang phục như giả trang nữa). Khuôn mặt bà là cánh cửa không để lộ gì. Sự lặng câm rốt cuộc, số phận kẻ cô đơn già cỗi chỉ có thể sống ở hòn đảo mèo. Đôi khi đọc đâu đó, đi đâu đó bắt gặp hình ảnh một bà lão với bầy mèo, chó; có thể, khi ấy Emerenc với tôi mờ đi hình tượng có tính duy nhất, cũng có thể, hiển hiện ập đến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét