Tác giả : Nhã Thuyên
Tặng bạn đọc của tôi,
những người đang
hít
thở
một cuộc sống của mình
***
Bỏ cuộc rượu vỉa hè để nắm tay nhau mà đi. Gió lồng lộng. Nắng đêm nhóng nhánh lá cây, chảy ướt phố.
Không có gì còn lại: những cái bắt tay, những câu chúc mừng, vài ba bình luận văn chương, câu vè giễu cợt đổi lấy tiếng cười chốc nhát, vị hăng nồng của thứ rượu nhiều cồn lẫn mùi bụi hẻm ẩm ẩm sương xuống và miếng thịt gà dai nghẽn đà nhai… Gió làm quên rất mau. Chỉ có hai cơ thể biết lạnh muốn ôm riết giữa phố đêm và hít hà trái má thơm tho gợi đến cái thèm một trái đào hưng hửng lông tơ giữa đám lá đào nhỏ mau lốm đốm đen tàn trong chiều xuân muộn. Một nét vẽ trong thiên nhiên đôi khi cũng có ý nghĩa như việc nhận ra sự sống.
Tình yêu sẽ mòn mỏi bởi nô lệ cuộc sống. Tất cả sẽ mòn mỏi bởi nô lệ cuộc sống - Tôi nói, thật nhỏ thôi, cũng không dám chắc mình đã phát ra tiếng, gần như vừa nói xong âm sắc đã vô hình, cầu mong chỉ đủ trái tim cạnh trái tim tôi nghe thấy. Tôi không muốn để những trí óc thông minh diễn giải nó là một tuyên ngôn. Từ “nô lệ”, từ “tất cả”, thậm chí cả từ “cuộc sống”, “tình yêu”, - tôi nói với tôi - đừng đọc to, đừng nhấn giọng, bởi nếu không, nghe hãi hùng, hoặc hài hước, và trơ cứng như những chương trình truyền hình nhàm chán các gương mặt, các điệu cười, các câu đùa cợt và cả sự duyên dáng. Mỗi khi phát âm các từ “to tiếng”, tôi đều chờn chợn chính mình, gai gai thịt hoặc đỏ mặt. Người quét rác gom những lá khô đẫm bóng tối như những tấm giấy cũ vàng vào chiếc thùng xe bè bè mang dáng một con cóc, lặng lẽ. Nỗi ảo não đến rất nhanh. Tôi rất dễ thất vọng về đời sống. Dù tôi yêu đến từng cái lá, tôi muốn gom giữ cả những chiếc lá chưa kịp thành hình đã bị sâu gặm, viền đen lại như băng tang. Tôi muốn giữ cả những con sâu nữa. Chẳng muốn mất đi một chút nào hình ảnh của cuộc sống trong óc. Cuộc sống, một từ rộng quá, lòng yêu nào ôm nổi? Đâu là cuộc sống mà chúng tôi đang đợi đến?
Cuộc sống nào? – Tôi cũng không dám chắc đó là lời anh.
Chúng ta sẽ…
- Anh yêu em.
- Anh yêu em.
- Anh yêu em.
Những âm thanh mỏng nhất đồng thời dẻo dai nhất.
Chúng tôi quấn lấy nhau. Anh dụi vào tôi như trẻ nhỏ. Tôi là Kẻ Chở Che. Tôi là một Bình Yên. Tôi là Cuộc Sống viết hoa của anh? Còn anh, là phần máu thịt còn lại trong cuộc sống của tôi, tạp nham hơn, bải hoải hơn, rộn rã hơn, bung xung hơn và tôi không bao giờ thiêng liêng hóa nó bằng một từ viết hoa. Anh là những hạt cát trong bãi vàng thau lẫn lộn của tháng năm tôi. Tôi yêu một cuộc sống không tín ngưỡng.
Chúng tôi yếu đuối. Và vui thích. Và nếu như tôi là hương thơm, tôi sẽ tan vào da thịt anh và ngủ trong đó, mãi mãi. Nếu được từ giã đời sống theo cách đó. Luôn luôn, chúng ta muốn từ giã đời sống theo một cách êm đẹp bình an. Tôi không chán nản cuộc sống. Tôi muốn từ giã cuộc sống để được một đời sống khác, biết đâu, ở kia, ở đó, ở đây, ở nơi khác, ở nơi này…Ứa nước mắt. Và lại muốn mỉm cười. Tôi không thấy mỉa mai những cảm xúc chảy mềm của cơ thể. Tôi cũng không bao giờ phải biện hộ về sự yếu đuối. Da thịt chúng ta cũng đủ cứng và rất dai rồi.
Cuộc sống buồn. Cuộc sống nào buồn? Không lẽ, tuổi 20, chỉ quan sát thôi đã thấy yêu nỗi buồn thắm thiết như một người tình. Thậm chí tôi luôn nghĩ lại, nếu không yêu (anh), có lẽ tôi đã tự sát thành công. Chẳng cần có thêm một cú shock nào để nghĩ đến chuyện tự sát. Lấy những đau khổ trong quá khứ ra ngắm nghía, chỉ là một ve vuốt giả dối và che đậy sự ích kỉ với đời sống hiện tại mà thôi. Mất cha ư? Bị bỏ rơi ư? Yêu những tình yêu nhầm lẫn ư? Còn gì nữa… Chẳng có lý do gì để tự sát. Chỉ vì một cảm giác mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là kẻ đau khổ và bị số phận dày vò, ngoại trừ chính tôi là một hiện thân nhảm nhí của hai từ “số phận”. Vậy mà quả tình tôi luôn nghĩ lại, nếu không yêu (anh), có lẽ tôi đã tự sát thành công.
***
“Thế rồi mày đi đâu? Mày ngủ ở đâu đêm qua? Mày có biết bao nhiêu lần rồi không? Mày còn muốn như thế nào nữa. Tao quá thất vọng về mày. Người ta sẽ nói tao như thế nào. Tao không dạy được mày. Mẹ nói rất to, chưa bao giờ nói to vậy. Giọng mẹ run đến nỗi anh hình dung rõ môi và gương mặt mẹ lúc đó.
Mẹ rất giận dữ. Và rất đau lòng - điều làm anh không xúc động, nhưng làm anh suy nghĩ. Anh không muốn làm mẹ buồn. Lúc đó chúng ta không nhớ gì cả. Quả thật. Cũng không nhớ để gọi cho mẹ.
Em cũng vậy. Cũng như mẹ em. Mẹ em thường đau lòng vì những điều em không còn tin nó đáng để gây ra nỗi đau. Chúng ta đã đau những nỗi đau khác. Những điều khác. Nhưng em không bao giờ phản ứng. Nhưng em cũng không xúc động. Lúc đó, em không nghĩ là anh ở lại. Em đánh thức, nhưng không nỡ. Tại vì anh đang ấm. Và em đang ôm anh. Lúc đó, em có nghĩ đến. Nhưng em không nhớ để gọi điện, quả thật. Em chỉ thấy bứt rứt. Một cái gì đó. Lẽ ra không nên vậy. Ở Việt Nam mình. Hoặc là, không phải ở nơi này. Chúng ta khác mẹ. Và trong óc nhiều người, Việt Nam, không phải phương Tây. Nhưng thực tế những điều đó chẳng phương Tây cũng chẳng phương Đông.
- Anh yêu em - Anh nói, khẽ như một mỉm cười thoảng qua. Và chỉ một giây nàng nhận biết được điều đó.
- Không phải ở nơi này - nàng nói. Họ nháy nhau, mỉm cười trở lại. Kèm một ánh nghịch ngợm”.
Tôi định viết “Một câu chuyện được xâu lại bằng đối thoại”. Như trên, chẳng hạn. Tôi ngồi và gõ lại những đối thoại hiện ra trong óc. Chúng tôi luôn nói với nhau rất ít, ít nhất có thể. Những gì chúng tôi nói có thể đếm được, vun lại chắc chừng được một vốc từ. Chúng tôi trao đổi bằng cách nào không rõ. Vậy mà đôi khi vẫn muốn nổ tung ra như thể phải nghe nhau nói quá nhiều. Quá nhiều điều không cần phải nói. Tôi muốn viết. Muốn viết. Tôi đang viết. Nhưng gõ lại đời sống là một việc buồn, bởi luôn đem lại cảm giác vô nghĩa, và lực bất tòng tâm. (Từ “bất lực” mang nghĩa khác, với tôi, tất nhiên là rất nên kiệm dùng). Tôi vẽ ra những tiếp xúc, những chuyến đi rộng dài trải nghiệm đời sống thực. Nhưng không phải, không phải. Cái gì là thực đây, khi chính bàn phím trước mặt tôi đây cũng có thể chỉ là một hoài nghi? Viết là một sự rất buồn, rất nhàm tẻ so với đời sống sinh động, hoặc đời sống tưởng là sinh động trở nên hết sức rời rạc, so với những mảng khối và độ giãn nở không hề vô hình của chữ. Tôi muốn viết để bạn đọc đọc thấy đời sống của mình, nhưng đời sống đó phải được đúc lại, và lọc qua một lớp từ rất trong.
***
Bạn đọc của tôi, những người đã từng dành chút thời gian đọc những gì tôi viết, tôi quả tình chưa bao giờ có ý muốn làm mụ mị ai bởi những từ ngữ rối rắm. Tôi nghĩ rất nhiều về những câu chuyện. Tôi thích kể chuyện, có lẽ từ thuở bi bô tập nói.Tôi ham nghe kể chuyện. Tôi muốn giữ lại hết những câu chuyện tôi biết, tôi nghe, tôi đọc. Nhưng càng kể lại, tôi càng thấy những câu chuyện đâu thể hiện diện đúng nghĩa chỉ bằng cách kể lại. Chúng chen lấn, và làm bội thực trí nhớ nhiễu thông tin. Tôi muốn kể bằng im lặng.
Bạn hỏi tôi: có phải những câu chuyện đã mất đi. Những câu chuyện mất đi đâu? Chẳng bao giờ, thưa bạn. Những câu chuyện tôi viết luôn hiện diện bằng cách mà tôi luôn ép mình: giấu đi.
Giấu đi, giấu đi, giấu đi.
Có đáng kể gì đâu, tất cả những điều này? Đáng kể biết bao, những điều này! Nhưng tất cả, hãy giấu đi, giấu sâu xuống dưới làn da của lớp chữ, trong thịt, trong máu chảy và trong lục phủ ngũ tạng của chữ… Hãy kể bằng im lặng, bằng mắt tôi nhìn bạn vờ như lơ đãng, và tay tôi nóng ấm bối rối đặt trên đùi, khi ngồi đối diện bạn một gương mặt lạnh. Muốn biết những câu chuyện của tôi, bạn phải đọc qua những lớp da. Phải biết rạch ra những lớp da bọc ngoài, nếu nó ở sâu hơn. Bạn đọc, phải thở cùng tôi, và thở theo nhịp của bạn. Đôi khi, chừng như tôi làm bạn đau. Đừng tin rằng sự khó hiểu là mù mịt. Bởi tôi không cố ý làm dáng trong văn chương. Và cũng đừng tin ở những nhà phân tích. Mỗi người chỉ được sở hữu một hơi thở mà thôi. Cũng đừng tin tôi. Bởi không phải bạn đọc tôi - hay đúng hơn bạn đọc tôi bằng con người bạn, đúng hơn, bạn đọc chính bạn. Và tôi, tôi chẳng bao giờ hiện diện trong trang sách. Chẳng bao giờ bạn tìm biết được tôi. Mỗi lần tôi đọc lại tôi - ôi, quả tình nếu tôi có thời gian, có lòng kiên nhẫn, có đủ tự phụ và có đủ sự trơ trẽn không xấu hổ, hay không có trí nhớ để quên ngay được những thứ vừa viết ra, tôi sẽ đọc bằng những tôi khác nhau. Vậy là, cô đơn làm sao, bạn đi tìm bạn mà bạn tưởng đang đọc tôi, tìm tôi. Tôi đọc tôi đây, mà hóa ra, tôi tưởng vậy thôi. Người bạn đọc của tôi, tôi nói vậy, có dài dòng không? Tôi có quá nhiều thời gian ngồi một mình, và vì thế, tôi chạy theo ý nghĩ…
Quả thực, đây đâu phải là lần đầu tiên tôi muốn bày ra một câu chuyện, ngay từ đầu. Tôi muốn dựng một không gian tôi đang sống. Ngày thường. Những người tôi đang cùng sống. Tôi muốn mô tả, muốn bày ra, mà không phải đi quá sâu vào mình. Tôi bé nhỏ và yếu ớt biết bao trong thế giới từ ngữ.
Không phải, nếu tôi kể lại, mô tả lại cho bạn thấy, các bà mẹ nổi giận như thế nào. Nỗi đau của họ. (Sao lại họ, như một người lạ). Không phải, nếu tôi tường thuật lại những diễn biến của sự kiện, của việc đã xảy ra. Không phải. Nếu đúng là tôi đang tìm viết về đời sống, thì tôi không có cách nào khác là giấu những câu chuyện đi. Giấu đi! Giấu đi! Giấu đi! Còn nếu bạn cần kể chuyện, tôi chỉ có thể tặng bạn một bịa đặt lam nham sẽ làm bạn mệt. Chẳng phải, bạn đang sống trong cả một thế giới những câu chuyện hay sao? Bạn chẳng phải bội thực vì chuyện trên báo chí, trên đường, chuyện tâm tình bạn được nghe, và những câu chuyện của chính bạn đang làm bạn ngạt thở mà không sao thoát khỏi tấm lưới bùng nhùng của nó để đằm mình vào giếng sâu lạnh giá của trầm tư, để khỏi phải khốn khổ vì không ai đủ khả năng, đủ thời giờ và lòng cảm thông để nghe thấu những câu chuyện bạn chất chứa…
Chúng tôi chỉ còn biết nói với nhau những câu bằng ý nghĩ hơn là âm thanh. Những đối thoại thầm lặng - đó cũng là điều tôi cần phải viết. Bởi những đối thoại cũng là một cách giấu đi những câu chuyện của tôi.
***
Tôi đã giấu đi. Bạn hãy rạch ra đi, như đôi lần, bạn muốn cầm lưỡi lam kia rạch vào làn da mỏng của bạn. Nếu bạn tìm câu chuyện, thì ở dưới những từ ngữ, và những đối thoại, bạn có đọc được một mảnh đời sống đang diễn ra không, một câu chuyện nào tôi kể không? Tôi thấy mình, cũng như bạn, thèm khát bạn nghe thấu những câu chuyện tôi kể. Tôi đã buồn biết bao khi bạn nói “những gì tôi viết chẳng có chuyện gì cả”. Tôi chẳng có một câu chuyện nào để kể cho bạn, để bạn được kể lại cho ai đó làm quà vui. Tôi chẳng có câu chuyện nào bày ra, vì quả thật, tôi chỉ làm một điều: giấu những câu chuyện của tôi đi, và để bạn tìm, và chính bằng cách đó, tôi cũng đi tìm. Mà chính vì thế, bạn chẳng thể nào kể lại. Mỗi người chỉ có thể tự tìm lấy câu chuyện của mình mà thôi. Những câu chuyện dưới giếng sâu của tôi, chúng tẻ nhạt quá phải không?
Mùa thu đến rồi, và tôi lại ngẩn ngơ và hân hoan ngắm những bàn tay giấu dưới những mùa thu. Tất cả chỉ đến khi chúng ta biết đợi chờ, biết kiên nhẫn, biết mãnh liệt và biết hít thở. Thở khẽ thôi, để những hơi bạn sống không đứt gẫy giữa chừng bay trong không khí, và để, chúng ta gặp nhau, thở ra thở ra, hít vào hít vào, chẳng cô đơn... Tôi không nỗ lực, nhưng trong thời gian tôi đang sống này, tôi vẫn muốn kể cùng bạn, một cuộc sống trong ngôn ngữ và bạn lắng nghe này, những chuyện kể dưới lớp da của từ và móc nối trong các đối thoại hàng ngày của chúng ta.
Tôi vẫn thường tự lảm nhảm một mình, với mình, nếu không yêu (anh), có lẽ, tôi đã, hoặc chắc chắn, tôi đã tự sát thành công. Nếu đó là một cảm giác, bạn có đọc được cả một câu chuyện dài, từ hơn 20 năm tuổi của tôi không? Và đọc bằng những năm tháng đã qua của tuổi bạn…