TÊN LỖ MÃNG
Tôi thân chinh đi ra phòng đợi. Đúng là có một người đang ngồi, gã nhìn qua cửa sổ, mỉm cười. Tôi hỏi gã như chưa hề biết gì cả.
Nhân viên văn thư vào báo cáo với tôi.
- Ngoài phòng đợi có một người khách đang ngồi, nom lạ lắm. Gã không yêu cầu cho vào gặp giám đốc, cũng không phàn nàn tại sao chúng ta giải quyết công việc chậm chạp thế. Tôi phải làm gì bây giờ đây?
- Gã đợi lâu chưa? - tôi hỏi.
- Ngồi khoảng hai tiếng đồng hồ rồi, chẳng yêu cầu gì hết.
Cứ để cho hắn ngồi thêm một tiếng nữa, rồi hắn sẽ sốt ruột. Sau một giờ nhân viên văn thư lại vào, tay anh chàng run run.
- Chưa bao giờ lại thấy như vậy, - nhân viên văn thư nói. - Gã ngồi điềm tĩnh, đọc đi đọc lại tờ báo phải đến ba lần, lịch sự đến độ kinh tởm!
Tôi thân chinh đi ra phòng đợi. Đúng là có một người đang ngồi, gã nhìn qua cửa sổ, mỉm cười. Tôi hỏi gã như chưa hề biết gì cả.
- Anh phải đợi hơi lâu nhỉ?
- Không sao, - gã đáp một cách thô lỗ.
Tôi bực mình.
- Anh muốn vào gặp giám đốc chắc? Có việc quan trọng phải không?
- Chuyện vặt, - gã nói.
Tôi đâm ra khó xử. Tôi chạy vào phòng giám đốc báo cáo. Giám đốc lệnh cho anh ta vào.
Gã hơi cự tuyệt, nhưng tôi cùng nhân viên văn thư nắm lấy tay gã rồi dắt vào phòng. Giám đốc nói với gã gay gắt:
- Anh không thấy là tôi đang rất bận hay sao?
- Thì tôi lại đợi tiếp, - gã đáp một cách lỗ mãng và định bước ra ngoài.
- Đứng lại! - giám đốc hô. - Anh nộp đơn đi.
- Muộn hơn có được không? - hắn đáp một cách vô liêm sỉ.
- Không có muộn miếc gì hết! - giám đốc quát, mặt đỏ phừng phừng. - Hoặc là anh nộp đơn ngay, hoặc là tôi giải quyết tuốt tuột cho anh mà không cần đơn từ gì hết!
Lúc này gã nhìn ra cửa sổ và nói:
- Thôi, có lẽ để dịp khác vậy, vì bây giờ trời cũng đã tạnh rồi. Tôi vào đây chỉ để trú mưa. Chào các ông.
Và gã bước ra ngoài. Đúng là một tên lỗ mãng.
SỨ MẠNG BÍ MẬT
Tuy nhiên tôi cũng chẳng đến nỗi phải quá ưu phiền. Tôi sẽ chuyển cho ông giám đốc lời hỏi thăm miệng của giáo sư Paster, nhà phát minh vắc-xin chống dại. Và như vậy khi gặp tôi, ông giám đốc sẽ không điên đâu.
Giám đốc gọi tôi vào phòng, khoá trái cửa, kéo màn che cửa sổ, bảo tôi lại gần rồi thì thầm:
- Thiên hạ đồn bậy là tôi chưa tốt nghiệp cấp một phổ thông. Phải chấm dứt chuyện này. Anh sẽ lên thủ đô, đi công vụ, nhưng tuyệt mật. Không được hé cho ai một lời nào. Anh sẽ nán lại thủ đô vài ngày. Mỗi ngày anh mua một bưu ảnh, viết vào đó và gửi về theo địa chỉ cơ quan cho tôi. Vấn đề là làm sao cho mọi người đều đọc.
Đương nhiên là tôi đồng ý rồi, nhưng tôi hỏi, tôi phải viết gì trên các tấm bưu ảnh đó.
- Anh khỏi phải bận tâm chuyện đó đi. Đây, tôi trao cho anh các nội dung cần thiết đã soạn sẵn. Chỉ cần lần lượt chép sang bưu ảnh. Đó là những lời chúc mừng của các nhà bác học gửi tới tôi. Thủ đô là trung tâm khoa học, phải cho thiên hạ biết bạn hữu của tôi là những ai, và ngay lập tức người ta sẽ chấm dứt nói xấu tôi.
Tôi đi. Tôi rất thích thủ đô. Từ nhà ga tôi đi thẳng tới nhà bưu điện. Tôi mua một tấm bưu ảnh có in phong cảnh trung tâm thủ đô và chép vào đó nội dung thứ nhất:
“Bạn quý mến, bọn mình ở trên này luôn nhớ đến bạn và lúc nào cũng cảm thấy thiếu vắng bạn. Bạn hãy viết cho bọn mình đi, hiện nay bạn đang nghiên cứu đề tài gì?”. Ký tên: Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học.
Tôi gửi tấm bưu ảnh đi và với cảm giác đã hoàn thành nhiệm vụ ngày đầu. Tôi đến nghỉ tại nhà tạm giữ những người say để khỏi phải chi tiền nhà nước thuê khách sạn. Hôm sau tôi phát hoảng khi không thấy chiếc phong bì có đựng các câu viết sẵn giám đốc giao cho tôi. Không còn cách nào khác tôi đành tự bịa nội dung để viết cho ông. Bất chấp sự cảnh giác của nhân viên, tôi đã lấy được cuốn từ điển bách khoa toàn thư của thư viện Đại học tổng hợp, kiếm một chiếc bàn trong góc khuất gần quầy bán hàng, trên lối vào nhà vệ sinh, tôi ngồi nghiên cứu. Sáng sớm tấm bưu ảnh với nội dung sau đây đã chuẩn bị xong:
“Ông bạn giám đốc của tôi ơi! Mình đang gặp khó khăn với một học thuyết. Cậu có thể bớt chút thời gian ghé lên chỗ mình được không? Gửi tới vợ cậu những cái bắt tay. Einstein”.
Tấm bưu ảnh ngày thứ tư có nội dung:
“Hoặc ông, hoặc tôi, một trong hai người chúng ta bị thừa ra. Công nhận tính trội của ông, tôi xin về hưu. Ông có thể tiếp tục nghiên cứu các giống dâu tây của tôi. Mitsurin”.
Tấm bưu ảnh hơi bẩn một chút, vì có người chạm vào tay tôi, cho nên tôi làm vấy mực.
Ngày thứ năm tôi nghĩ bụng, sẽ là hay nếu mình viết gì đó nhẹ nhàng hơn. Tôi viết bằng bút chì, vì bút máy tôi đem thế chấp cho người bồi bàn rồi:
“Anh yêu quý, khi nào hai chúng mình lại cùng nhau làm phát minh hả anh? Con Tôm nhỏ nhung nhớ của anh - Maria Curie-Sklodowska”.
Ngày thứ sáu tôi đã mệt lử, nên tôi chỉ viết ngắn gọn:
“Cậu có khoẻ không, hỡi con bò đực già? Kopernik”.
Liên lạc thư từ đứt đoạn từ đó. Bây giờ thì tôi đang từ thủ đô về nhà. Đi bộ, vì không còn tiền mua vé xe lửa, cho dù tôi đã đem bán cuốn bách khoa toàn thư ở ngoài chợ. Càng gần đến lúc gặp giám đốc tôi càng thấy lo.
Tuy nhiên tôi cũng chẳng đến nỗi phải quá ưu phiền. Tôi sẽ chuyển cho ông giám đốc lời hỏi thăm miệng của giáo sư Paster, nhà phát minh vắc-xin chống dại. Và như vậy khi gặp tôi, ông giám đốc sẽ không điên đâu.
Người dịch: Lê Bá Thự