28.2.09

Nhảm for 17 January 2009

+/ Đọc chơi chơi
Phải đập tan nạn giảm phát ngay bây giờ
Chỉ cách đây vài tháng, con ngáo ộp dữ dằn của nền kinh tế Hoa kỳ là nạn lạm phát. Giờ đây, sau những vụ sụt giá ghê gớm cùa thương liệu trong lịch sừ (ví dụ giá dầu thô từ 147 Mỹ kim/thùng tuột xuống dưới mức 40 Mỹ kim gần dây), thì thấy ông “ba bị chín quai” giảm phát (deflation) ló dạng đâu đây. Đó là một hiện tượng mà chúng ta không phải đối diện từ sau cuộc Đại Suy Trầm.
Giảm phát là gì? Đơn giản nó là sự sụt giá, một tiến trình quỷ quái bắt đầu bằng sự tấn công các giá trị tài sản rồi thương liệu rồi hàng hóa và sau cùng là lương bổng. Thị trường nhà cửa Hoa kỳ đạt tới đỉnh điểm năm 2006, và thị trường chứng khoán bắt đầu sút giảm một năm sau đó. Ví tài sản sụt giá, các định chế tài chánh – đặc biệt là nhũng cơ sở đã cho vay để mua những tài sản mất giá đó – phát hiện ra họ không có đủ tiền bảo chứng. Họ phản ứng lại bằng cách giảm số tiền cho vay.
Sự co cụm tín dụng ấy kết hợp với hậu quả suy thoái của sự sụt giá nhà cửa và chứng khoán khiến người tiêu dùng bớt hẳn chi tiêu. Có những tay đầu cơ bắt mạch được nền kinh tế đang suy yếu đã bán đi những thương liệu có tính nhạy bén về kinh tế, ví dụ như dầu thô và đồng, khiến cho giá cá những thứ này lại càng giảm xuống.
Tới đây ta đã thấy có hậu quả dây chuyền là các cơ sở thương mại bắt đầu giảm bớt nhân viên, làm nhẹ đi áp lực về lương giờ, lương tháng và bổng lộc. Điều này lại khiến cho thu nhập và chi tiêu càng giảm bớt đi. Nếu ta không chặn đứng cái vòng lẩn quẩn này thì cái vòng xoáy đi xuống của lương lậu và giá cả sẽ khiến cho trị giá đích thực của các khoản nợ, ví dụ nợ mua nhà, nợ chi tiêu, và trái phiếu (bonds) sẽ tăng lên, do đó gánh nặng đè lên người tiêu thụ cũng như các cơ cở thương mại lại càng nặng thêm.
Kịch bản nói trên đã diễn ra dưới hình thức nghiệt ngã nhất tứ năm 1929 đến 1932, trong thới gian đó giá tiêu thụ và tổng sản lượng quốc gia đích thực giảm hằn 25%. Thật kinh hoàng khi ta thấy những bước sơ khởi của cuộc Đại Suy Trầm sao mà giống hoàn cảnh hiện nay như vậy.
Chính phủ Hoa kỳ có thể làm gì để tránh khỏi sự tàn phà của nạn suy trầm? Trước hết, phải yểm trợ các định chế tài chánh để đảm bảo sự vẹn toàn của những chương khoản ký thác và cơ chế trả lương nhân viên của các cơ sở thương mại. Bởi vì điều này không thi hành trong những năm 30 cho nên hàng ngàn định chế tài chánh đã đổ vỡ và hàng bao triệu người mất hết tiền đã dành dụm. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ, Federal Reserve) và bộ Ngân Khố không những đã tăng cường bảo hiểm cho tiền ký thác, mà còn mở rộng sự đảm bảo cho các quỹ đầu tư thị trường tiền mặt nều họ muồn tham gia.
Nhưng bảo đảm tiền ký thác chưa đủ, Giảm phát, cũng như lạm phát, là một hiện tượng tiền tệ. Lạm phát xẩy ra khi các ngân hàng trung ương tạo ra quá nhiều tiền mà công chúng không muốn giữ; giảm phát xẩy ra khi tiền tạo ra quá ít. Muốn chặn đứng lạm phát, chính phủ phải ngưng mở rộng sự cung cấp tiền tệ và tín dụng và tăng lãi suất để chi tiêu bớt đi.
Chặn đứng giảm phát khó khăn hơn. NHTƯ có thể tăng lãi suất tùy theo mức độ cần thiết để làm sự tăng trưởng chậm lại nhưng không thể giảm lãi suất xuống dưới số không, và dù có cắt giảm xuống một mức thấp như vậy, cũng không đủ để kích thích chi tiêu. Điều này đặc biệt đúng khi các nhà đầu tư vô cùng lo sợ rủi ro như trường hợp ngày nay và đành lòng ôm những công phiếu an toàn tối đa dầu rằng lãi suất gần như ở mức số không. Khi mà cái “thế kẹt tiền” (liquidity trap) này xẩy tới, thì như tín điều của John Maynard Keynes, chính sách tiền tệ — nghĩa là sự điều tiết nền kinh tế thông qua sự kiểm soát lưu lượng tiền và lãi suất – không còn hiệu nghiệm nữa.
Nhưng có nhiều kinh tế gia tin tưởng rằng chính sách tiền tệ có thể hữu hiệu dù rằng NHTƯ không thể giảm lãi suất xưống dưới mức số không. NHTƯ vẫn có khả năng mở rộng lưu lượng tiền bằng cách cho các định chế tài chánh vay, lấy tài sản của họ làm thế chân. Hành động như vậy mở đường cho sự kích thích tài chánh – giảm thuế hay tăng gia chi tiêu của chính phủ với mục đích kích cầu. Hãy để cho chính phủ giảm thuế và để cho NHTƯ mua lại các khoản nợ cần thiết cho việc giảm thuế. Làm như vậy sẽ trực tiếp đưa tiền vào tay công chúng.
Chính quyền Obama cũng hứa tăng gia chi tiêu của chính phủ cho các công trình hạ tầng cơ sở và bảo toàn năng lượng. Sự kết hợp của những động thái tài chánh và tiền tệ này sẽ tránh cho chúng ta khỏi rơi vào cái bẫy đã đánh chìm nền kinh tế quốc gia trong những năm 1930.
Nguồn: Tạp chí Kiplinger’s số tháng 2.2009. Tác giả là bình luận gia, giáo sư Đại học Pennsylvania, trường Wharton.
Viễn cảnh kinh tế năm 2009 : từ Mỹ đến Việt Nam
Cùng với suy thoái kinh tế, viễn cảnh một cuộc giảm phát mạnh trên toàn thế giới sẽ tác động nghiêm trọng tới các thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2009. Đối với Việt Nam thì sao?
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu
Nhận định về tình hình kinh tế từ các nước công nghiệp tiên tiến đến các thị trường mới nổi cho thấy con số các nước thật sự rơi vào suy thoái ngày càng tăng: từ Mỹ (bắt đầu tháng 12/2007) đến Liên minh châu Âu (nhất là Anh, Đức và Pháp) rồi nay Nhật Bản (tăng trưởng âm trong quý 2 và 3 năm 2008), đến Trung Quốc với GDP năm 2009 dự kiến “chỉ đạt” 6-7 % (Ngân hàng Thế giới dự báo là 7,5%.) và không thể tạo 20 triệu việc làm đối với sự gia tăng dân số. Và cuối cùng đến Việt Nam, với tăng trưởng dự kiến giảm xuống còn 4%-5% trong năm 2009.
Cùng với suy thoái kinh tế là quá trình giảm phát toàn thế giới đã tác động nghiêm trọng tới các thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ. Tình trạng này dẫn tới viễn cảnh một cuộc giảm phát mạnh toàn thế giới, trong đó giá hàng hóa và bất động sản sẽ giảm mạnh, nghĩa là một kịch bản xa lạ đối với một thế hệ nhà đầu tư vốn đã quen với giá cả tăng vọt và các chiến lược đầu tư để đối phó với lạm phát.
Việc bán tháo tại các thị trường Mỹ và thế giới cứ tiếp diễn cùng với thông báo chính thức về suy thoái Mỹ bắt đầu từ tháng 12 năm 2007 và tình trạng hầu như bế tắc của Chương trình giải cứu ngành bất động sản (TARP) khỏi tình trạng hỗn loạn.
Hóa ra bây giờ mới thấy rõ là sự đổ vỡ tín dụng ở Mỹ là do hệ thống tín dụng bị tê liệt ở cả cấp tiêu dùng (xe ô tô, thẻ tín dụng và vay cầm cố) và cấp doanh nghiệp (chứng từ cam kết thương mại ngắn hạn). Khi Quốc hội Mỹ cấp khoản ứng trước 350 tỷ USD (phần lớn bằng cách mua nợ xấu các ngân hàng), một chương trình riêng biệt từ kế hoạch của Anh bơm tiền mặt cho các ngân hàng bằng cách mua cổ phần thường và cổ phần ưu đãi của họ. Kế hoạch này coi như có thể cung cấp nhiều nguồn tài chính xuyên qua những tác động nhân rộng của tín dụng ngân hàng rất cần thiết để giải quyết nạn đổ vỡ tín dụng cho cả khu vực người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Paulson đã công bố có sự thay đổi giữa chừng về hành động để đi theo một phần lộ trình của chính sách Anh. Bộ Tài chính Mỹ quyết định giải ngân không chỉ để mua nợ xấu tại các ngân hàng như dự định từ đầu, mà còn để cung cấp nguồn tài chính trực tiếp cho những tổ chức tín dụng vướng mắc các khoản vay mua xe và thẻ tín dụng thành nợ xấu ngõ hầu làm hồi sinh nhanh hệ thống tín dụng ngân hàng.
Kết quả là các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo chứng khoán ngân hàng trong tình trạng cầm cố nợ vì những ngân hàng này không có cơ hội hồi phục nếu không có hỗ trợ đầy đủ từ gói cứu trợ của Bộ Tài chính. Nguồn tiền cung cấp lại rất ít. Hơn nữa, nhiều nghị sĩ cả hai viện đã đe dọa ngưng khoản cứu trợ thứ hai (350 tỷ USD) thuộc Chương trình giải cứu ngành bất động sản (TARP) vì kết quả của khoản cứu trợ thứ nhất chưa rõ ràng.
Cục Dự trữ và Bộ Tài chính đã loan báo một chương trình 800 tỷ USD khác để mua nợ xấu về cầm cố nhà cửa cũng như để bơm tiền trực tiếp cho ngân hàng (mua cổ phần ưu đãi trong các ngân hàng này theo kiểu cứu trợ khẩn cấp của Anh (ví dụ gói cứu trợ cho Citibank mới đây).
Nhưng những chương trình này dường như chưa lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư, nhất là trong khoảng trống chính trị chờ đợi sự chuyển tiếp sang Chính phủ mới của ông Obama. Đặc biệt là nay chưa rõ Bộ trưởng tài chính sắp mãn nhiệm hay người kế nhiệm sẽ tiếp tục yêu cầu thêm khoản cứu trợ thứ hai trị giá 350 tỷ USD hay không.
Dự kiến, Chính phủ mới sẽ triển khai một kế hoạch kích thích tài chính to lớn nữa, ước chừng 850 tỷ USD, để đẩy mạnh nền kinh tế Mỹ trong năm 2009, đặc biệt là bằng cách giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở và giáo dục, để tạo ra 2,5-3,0 triệu việc làm mới như Tổng thống mới đắc cử Obama đã hứa. Gói kích thích tài chính lớn của Mỹ cùng với những chương trình khác nhằm giải cứu hai ngành ôtô và tài chính chắc hẳn sẽ khơi lên vấn đề khả thi tài chính.
Những kế sách này của Mỹ cũng như những chương trình chi tiêu tương tự tại các nước khác để đối phó với suy thoái toàn cầu sẽ cần tới sự in tiền vượt mức của Mỹ và các nước công nghiệp khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị của những tài sản đầu tư khác nhau, và sẽ không thoát khỏi con mắt tinh đời của các nhà đầu tư trên thế giới.
Biệp pháp đối phó
Trong khi các thị trường Mỹ phấn khởi về nhóm thành viên Chính phủ Obama cho “giấc mơ kinh tế mới ” thì nhiệm vụ rõ ràng của nhóm này vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành vì một số các thành viên của nhóm đã từng, ở một điểm nào đó, là người xây dựng những chính sách tài chính vốn gây nên hoặc gián tiếp gây nên cuộc khủng hoảng cho vay bất động sản dưới chuẩn.
Tuy nhiên, căn cứ vào những chính sách hay kế hoạch đã được công bố từ các cố vấn của ông Obama, chúng ta có thể đoán trước một số chính sách của chính phủ mới như sau:
Thứ nhất, đối với chương trình kích thích tài chính, các biện pháp được đưa ra như chi thêm nhiều cho giáo dục và hạ tầng cơ sở; viện trợ cho ngành ô tô; tài trợ cho chính quyền các bang và địa phương; các hộ gia đình có thể rút tới 10.000 USD của quỹ hưu bổng mà không bị phạt.
Thứ hai, về chính sách thuế: chính sách thuế mới nhắm mạnh vào giới trung lưu, cụ thể giảm thuế doanh nghiệp xuống dưới 35%, nhưng mở rộng cơ sở đánh thuế, giảm kẽ hở và những nơi né thuế quốc tế; giảm thuế đối với doanh nghiệp có cơ sở chính ở Mỹ; thuế lợi nhuận tư bản và cổ tức tăng lên 20% đối với nhóm có thu nhập trên 250.000 USD/năm; tăng thuế thu nhập cá nhân liên bang 36-39% đối với nhóm có thu nhập trên 200.000 USD/năm; bỏ thuế bảo hiểm thất nghiệp…
Thứ ba, ổn định khu vực nhà ở thông qua chương trình sửa đổi cầm cố bất động sản và đình hoãn tịch thu tài sản thế nợ 90 ngày, sửa đổi luật phá sản.
Thứ tư, chỉnh lý khu vực tài chính thông qua việc thành lập ủy ban giám sát thị trường tài chính; tinh giản các cơ quan quy định luật lệ và trao vai trò lớn hơn cho Ủy ban Chứng khoán và FED; cổ đông biểu quỵết lương giám đốc điều hành.
Ngoài những chính sách mới từ phía Chính phủ của ông Obama như vừa kể trên, người ta hy vọng sẽ có những giải pháp khả thi khác đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau Hội nghị thượng đỉnh thế giới ngày 15/11/2008 bàn biện pháp chống khủng hoảng, các nước đã đồng ý họp lại tháng 3/2009 với Chính phủ mới Obama nhằm đưa ra những hành động cụ thể hơn; dự báo nhiều khả năng sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất nữa trên thế giới.
Một số giải pháp khác cũng được tính đến như đưa ra các biện pháp để gỡ bỏ sự ngưng trệ tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ; bảo đảm tiền gửi ngân hàng trong tất cả các nước để tránh đổ xô rút tiền ngân hàng; thỏa thuận trao đổi giữa các ngân hàng trung ương để gia tăng tính thanh khoản trên thế giới; tái vốn hóa các ngân hàng ở một số nước; mở rộng chính sách tài khóa ở một số quốc gia để tránh tình trạng trì trệ toàn cầu; nâng cao vai trò của IMF…
Tác động và những khuyến nghị với Việt Nam
Đề phòng tác động mạnh hơn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ của mình bằng cách giảm lãi suất cơ bản 5 lần trong 10 tuần lễ mới đây, từ 14% xuống 8,5% và giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% xuống 5%. Sự cắt giảm hơn nữa có thể được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến trong năm 2009.
Khả năng thanh toán bằng tiền mặt của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể và lãi suất tiền gửi và tiền vay đã giảm mạnh, đem lại cơ hội cho thị trường trái phiếu khôi phục; lãi suất cho vay nay ở mức tối đa 12,75%, nhưng nhiều ngân hàng đã giảm xuống 10-11% dành cho khách hàng được ưu tiên.
Nhưng dường như nhu cầu tín dụng đang yếu đi vì người vay không muốn mở rộng kinh doanh do lo ngại tương lai kinh tế khó khăn, cả trong và ngoài nước. Do lo ngại sự thiếu hiệu quả của chính sách tiền tệ hiện hữu, Chính phủ VN đã công bố chính sách tài chính công kích thích (fiscal stimulus) mở rộng thêm, đặc biệt là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng chi tiêu công cho hạ tầng cơ sở. Quy mô gói kích thích tài chính khá lớn, tương đương 6 tỷ USD, hay khỏang 8% GDP.
Tuy nhiên, sự lựa chọn cụ thể các chương trình và dự án đầu tư được cấp vốn phải thận trọng để tránh gây tái lạm phát và làm xấu đi chỉ số ICOR, hiện đã ở mức cao và là thước đo tình trạng kém hiệu quả của đầu tư công ở Việt Nam. Chính sách tối ưu sẽ không nên ồ ạt đổ vốn vào những chương trình mở rộng do các tổng công ty lớn vội vã tập hợp lại để mau chóng được chính phủ hỗ trợ mà điều nên làm là một chương trình chi tiêu có nghiên cứu kỹ lưỡng triển khai theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, không chỉ quy mô của gói kích thích tài chính lớn là cần thiết mà phương tiện cấp vốn cho nó cũng có tầm quan trọng. Nếu một phần của chi tiêu tài chính phải có được bằng cách phát hành trái phiếu ra công chúng, thì việc này có thể không nên làm vì nó lấy tài nguyên của khu vực tư nhân để trả cho chi tiêu công và tác động chung cuộc đối với GDP sẽ không được như kết quả nhắm tới. Đây là vấn đề quan trọng cần được Chính phủ VN bàn thảo kỹ trong công tác trù tính chương trình kích thích này.
Chính phủ VN cũng đang cân nhắc thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách hối suất. Trong khi cần hạ giá đồng VND để giải quyết xu hướng giảm xuất khẩu, đặc biệt vì lý do tiền tệ trong khu vực đang giảm mạnh, NHNN cũng xem xét tính ổn định tương đối của đồng VND như nền tảng trong chương trình ổn định nó dưới hai khía cạnh: giảm lạm phát và giữ việc trả nợ nước ngoài ở mức chấp nhận được.
Giải pháp chính để giải quyết vấn đề này là nên giữ khoảng cách rộng giữa lãi suất tiền gửi VND và tiền gửi USD; như thế với quyết định giảm lãi suất tiền gửi VND mạnh, NHNN cần giảm lãi suất tiền gửi USD quyết liệt hơn, hoặc nghiên cứu đình chỉ tài khỏan tiền gửi USD tại các ngân hàng thương mại, như thông lệ tại các nước ASEAN láng giềng trong khu vực.
( Phạm Đỗ Chí )
+/ Hôm nay , anh ôm về nhà nhiều sách . Anh thích ghê lắm . Thích nhất là mấy cuốn văn học thiếu nhi ( hồi bé đứa nhóc nào cũng xem film về Emil rồi ) . Và anh đang rất háo hức với Mở rộng phạm vi đấu tranh và Phân tâm học ...
Trong mấy cuốn anh chọn , có 1 cuốn anh muốn mang tặng ĐD . hehe
+/ Mai , anh sang Bát Tràng chơi . Hô hô hô
+/ Cái mẹt mình hình như rất hợp với điều bất chính . Đi ngoài đường toàn được mời thưởng thức đồ bất chính .
+/ Thân yêu sẽ đau bao tử mất thôi . Huhuhuhuuu
+/ Sẽ nghỉ ngơi blog vài ngày . Sau đó sẽ nói lảm nhảm về gần 10 quyển anh mới ôm về .