24.2.09

KẺ TỬ ĐẠO CUỐI CÙNG ( 10 )

C10
Khi Ðắc ra đến bãi biển thì đã thấy có nhiều người tụ tập dưới chân núi, anh len lỏi trong đám đông tìm cách leo lên. Ðám đông thanh niên nam nữ đứng rải rác quanh đây, bàn tán cười nói, có người lộ rõ vẻ lo âu xầm xì cùng nhau những gì không rõ. Một vài người nhận ra Ðắc, họ vây lấy anh, bắt tay anh và nói:
- Chưa đến nỗi nào. Anh đã nhìn thấy chỗ bị đập phá chưa?
- Chưa. Ðắc nói. Tôi vừa đến đây tức thì.
Mấy người thanh niên dẫn Ðắc đến sát chân tượng và anh nhận ra ngay cái tượng nhỏ của mình đã bị đập phá. Nó cụt đầu, trầy trụa khắp thân mình, mảnh vỡ vươn vãi dưới đất. Kẻ phá hoại dã dùng một một cái búa đóng đinh để đập vì thế mà cán búa đã bị gãy, vứt ngay dưới chân tượng. Ðắc nhìn quanh, có ý tìm cái đầu của pho tượng mình nhưng một cô gái đã mở túi xách ra và đưa cho anh một gói giấy. Anh không mở gói giấy ra nhưng anh biết là mặt mũi đã nát bét cả. Anh cất gói giấy vào túi quần của mình, nói cám ơn người thiếu nữ nọ và ngửng lên quan sát pho tượng lớn, nó chưa hề bị một vết xây xát nào, vẫn lồng lộng và phô hết vẻ duyên dáng quyến rũ và huyền ảo của mình trong nắng mai vàng rực. Anh nhận thấy có nhiều người cũng đang lặng người đi, đăm đăm nhìn pho tượng khi đám mây vừa bay qua và nắng dọi xuống rực sáng cả núi đồi, lộng lẫy trên biển xanh ngát.
Ðắc đi quanh pho tượng, những người hâm mộ đi theo sau lưng anh. Anh vừa đi vừa suy nghĩ xem có nên tạc lại cái tượng nhỏ của mình không, cuối cùng anh quyết định xóa bỏ nó. Anh lấy đồ nghề ra và bắt đầu đục sạch cái khối đá nhỏ nham nhở kia. Một người thanh niên bước đến bên Ðắc, hỏi:
- Sao anh không làm lại bức tượng nhỏ?
- Vì nó cũng sẽ bị đập phá nữa mà thôi.
- Nhưng tụi em sẽ thay phiên nhau bảo vệ nó.
Ðắc ngừng tay, bảo mọi người:
- Không được đâu. Kẻ phá hoại này không hành động được ban ngày thì nó sẽ làm ban đêm. Tôi biết rằng nó sẽ làm cho đến cùng.
Và anh quay lại, cắm cúi đục tiếp. Khi những mẩu đá sần sùi đã được đục sạch thì mặt trời cũng đứng bóng, anh dẫn các bạn trẻ xuống núi. Ở dưới đường, đám đông thưa dần. Một nhóm người đến xin chữ ký, Ðắc lau mồ hôi và cười với họ. Chàng ký vào những cuốn sổ tay, những bức ảnh chụp chân dung chàng và cả những bưu ảnh chụp pho tượng BIỂN TRÊN CAO. Sau đó họ vừa đi vừa trò chuyện, kéo nhau về thành phố.
Xế chiều Ðắc mới về đến nhà, anh vừa tắm rửa xong thì nhà văn Lê Ðạo đến, anh thảy trước mặt Ðắc một bức thư viết nguệch ngoạc mấy dòng:
Gởi ông Lê Ðạo,
Nội cái chuyện ông và hai người bạn của ông dám yêu Hồng đã là một tội ác không thể tha thứ được rồi, vậy mà ông lại cả gan viết một cuốn sách để khoe khoang những chuyện mê gái nhảm nhí và lố bịch của các ông để mê hoặc thanh niên, để làm cho hàng trăm ngàn người khác cũng yêu Hồng, thì tội của ông sẽ bị trời tru đất diệt. Hãy ghi nhớ, đây là lời cảnh cáo cuối cùng.
Ký tên
TRẦN HỒNG SƠN
Ðắc thả bức thư xuống bàn, không nói gì. Anh lặng lẽ pha cà phê, đem hai cái phin ra đặt ngoài bàn đá trong vườn rồi mời Ðạo ra ngồi ở đó.
Nhà văn hỏi:
- Cậu nghĩ sao về bức thư này?
- Hãy trình bày tất cả mọi việc với công an. Chúng ta là những nghệ sĩ, chúng ta không có thì giờ để đối phó với những điều kỳ quặc như thế này. Buồn cười nhỉ. Hắn nhân danh cái gì để đe dọa, cấm đoán chúng ta?
- Chính vì hắn liều nên chúng ta phải đề phòng. Nhất là khi hắn biến mất khỏi đường phố, sáng sáng không còn đi khất thực nữa. Và tiếp theo đó là những vụ phá hoại. Bức tượng ở thành phố Vũng Tàu như thế nào rồi?
- Hắn chỉ đập cái tượng nhỏ của tôi thôi. Tôi có đến báo công an và người ta bảo rằng kể từ khi pho tượng bị tấn công, hàng đêm vẫn có đội tuần tra biên phòng kết hợp bảo vệ pho tượng. Không biết Phạm Hưng có gặp rắc rối gì không.
Ngay lúc ấy Phạm Hưng đến, anh đẩy cổng bước vào, đến ngồi cạnh các bạn mình, mặt mày ủ rũ.
- Có chuyện gì vậy? Ðạo hỏi.
- Tối qua khi tôi đi biểu diễn ở nhà hát thành phố về thì thấy trong nhà đèn sáng, mở cửa vô thì tan tành cả.
- Tan tành cái gì?
- Cây đàn piano Yamaha mới tinh của tôi bị đập phá tan nát, dây đứt tung, sommier xiêu vẹo, table d'harmonie bể nát, giàn búa bị bẻ gãy vứt bừa bãi xuống nền nhà. Tôi đứng chết điếng giữa nhà, rụng rời tay chân, nhìn kỹ thấy trên nắp đàn có đính một tờ giấy ghi mỗi một câu: LỜI CẢNH CÁO CUỐI CÙNG bên dưới ký tên Trần Hồng Sơn.
Ðắc ném mạnh cái ly xuống đất vỡ tan tành:
- Quá lắm rồi. Không thể chịu nổi nữa. Phải cho nó một trận mới được.
Lê Ðạo trầm ngâm nói:
- Không thể coi thường chuyện này đâu. Nó sẽ giết đấy. Chúng ta phải đi báo với công an thôi. Hưng có đem theo cái thư hăm dọa đó không?
Hưng thảy mảnh giấy trên bàn rồi với lấy bao thuốc, rút một điếu.
*
Trong câu chuyện tình lạ lùng này thì người nổi tiếng nhất, được bàn tán xôn xao nhất vẫn là Trần Hồng Sơn. Có dư luận lên án anh là kẻ ích kỷ, kẻ bị ẩn ức, bị dồn nén đang trong cơn bùng nổ điên cuồng, một phần tử nguy hiểm của xã hội. Nhưng cũng có dư luận ca ngợi anh là một người tình lý tưởng dám xả thân vì yêu. Yêu như thế mới gọi là yêu, chứ tình yêu mà mờ nhạt, mà rụt rè, mà tính toán thiệt hơn thì chỉ làm nhục cho tình yêu mà thôi. Có người đem câu thơ "Yêu là chết ở trong lòng một ít" ra so sánh và bình luận rằng nếu yêu chỉ là chết một ít thôi thì yêu làm quái gì cho mang tiếng. Yêu là phải yêu như Trần Hồng Sơn, yêu là chết, chết tươi, chết queo, chết khô, chết đứng, chết bất đắc kỳ tử. Yêu là thua, là cháy túi, là tán gia bại sản, là tan nát cuộc đời, là chết đầu đường xó chợ. Ðã yêu còn kể quái gì cuộc đời này. Và người nọ đề nghị sửa câu thơ trên thành: "Yêu là chết, và không thèm sống nữa". Tất nhiên vấn đề này không được lăng-xê trên báo vì báo chí thường nói những chuyện nghiêm chỉnh hơn, tuy vậy cái cách yêu đương của Trần Hồng Sơn cũng đã tự nhiên thành hình trong giới trẻ hai phe đối nghịch nhau, họ tranh cãi trong quán cà phê họ thảo luận trong cơ quan sau giờ làm việc, họ khích bác nhau trong quán nhậu, trên đường phố. Ðã có vài vụ xô xát lớn đến nỗi công an phải kéo cả một trung đội đến can thiệp.
Nhưng riêng Sơn thì bây giờ anh chỉ còn là một cái xác không hồn. Anh không còn đi khất thực nữa, anh đi lang thang nay đây mai đó, lúc ngủ vỉa hè lúc ngủ gầm cầu, bến sông hay trong các công viên vắng vẻ, lúc biến lúc hiện không biết đâu là lường.
Có lúc anh làm phu khuân vác ở chợ Cầu Muối, lúc lại đi lượm bao ny-lông, có khi người ta bắt gặp anh đang đứng giữa đường dưới nắng thiêu đốt của trưa hè oi ả.
Ðêm đến, bây giờ anh không ngủ trong thùng gỗ của lão thợ giày nữa mà thường mò vào quán cà phê bỏ không của Hồng. Anh leo vào trong bếp, lục tìm một chút gì đó của Hồng còn sót lại, một cái cuốn tóc, đôi dép da đứt quai, cái khăn tay cũ mèm. Sơn gom những thứ đó lại bỏ trong một cái bao ny lông rồi cột túm lại, đeo nơi cổ như người ta đeo thánh giá.
Cứ thế anh đi lang thang trong phố cho đến khuya, khi sương bắt đầu xuống và đường phố vắng tanh không còn người đi, không còn xe cộ. Anh ngồi một mình nơi vỉa hè lấy cái đuôi bánh mì khô cứng ra gặm và nhìn suốt theo chiều dài của những con đường. Những dãy phố dài đóng cửa im ỉm, những ánh đèn trên lầu cao cứ tắt dần, tắt dần như những đôi mắt cuối cùng của đêm và của phố phường khép lại, không nhìn anh. Không còn ai trên đời này nhìn anh nữa, anh thực sự chỉ còn một mình giữa đêm mênh mông, lặng im và se lạnh. Những người ngủ vỉa hè thường cựa mình và ho khan lên mấy tiếng, có khi giữa những tiếng ho ấy có lẫn những tiếng trẻ khóc trong đêm vang trên hè phố nghe đơn độc, não lòng. Sơn ngồi im như con thú rinh mồi trong đêm. Nhưng anh không rình mồi, anh rình nghe những động tĩnh chung quanh, anh rình nghe tiếng khóc trong lòng mình, nghe sự bất hạnh và nỗi cô đơn đang gặm mòn từng giờ từng phút trái tim mình. Sơn không tìm cách ngăn chặn sự xói mòn ấy mà anh bình tĩnh đợi nó, lắng nghe nó, xem nó phá phách anh cho đến bao giờ mới thôi, nó ăn ruỗng anh cho đến khi nào thì rữa nát. Anh ngồi chờ nó từng đêm từng đêm như anh đã từng ngồi chờ xem ngón tay mình cháy lên như ngọn nến và cũng tàn lụi dần như ngọn nến. Anh ngồi chờ một cách kiên nhẫn trong những buổi chiều hoang vu lộng gió trên bờ sông Sài gòn, anh chờ cái chết hiện đến và anh đã thoảng nghe tiếng nó đi, bằng những bước nhẹ, xao xác, rụt rè. Tiếng chân nó như con thú đen, mỗi lúc mỗi đến gần và bóng tối lạnh giá đi theo phía sau lưng nó, há cái miệng hun hút sâu đầy những tiếng hú man rợ ra, hướng về phía anh. Thế nhưng con thú đen ấy vẫn chưa chạm vào anh, nó cứ lẩn quẩn thấp thoáng trong đầu anh, nó nhấp nhô trên mặt sông, nó là đà, chao lượn trên những vòm cây nơi công viên, hay có khi trỗ một tràng cười dài rải theo đường phố vắng hoe. Sơn giật mình thức giấc và thấy lạnh cóng. Anh vẫn chưa chết. Anh chưa thể nào chết được. Anh phải là người chết cuối cùng. Anh sẽ dẫn con thú đen ấy đến và lùa từng thằng một vào trong cái mõm sâu hun hút kia, sau đó sẽ đến lượt anh, anh sẽ chạy đuổi theo chúng để đánh trận cuối cùng nơi cái địa ngục quái dị ấy cho đến khi thực sự không còn gì nữa, không còn xác mà cũng không còn hồn, không còn cả địa ngục nữa, cả thiên đường nữa. Anh muốn hủy diệt đến tận số không, đến hư vô, đến mông muội, như cái thời vũ trụ còn hỗn mang mờ mịt kia, để rồi lại bắt đầu cái vòng tròn luân hồi của sinh, lão, bệnh, tử của thập nhị nhân duyên mà vô minh là chỗ khởi hành. Lúc đó ta sẽ ở đâu nhỉ, anh cười một mình tự hỏi, và giọt nước mắt ứa ra lúc nào không hay. Anh cứ để nó chảy xuống như giọt sương khuya rơi trên cỏ cây.
Giọt nước mắt ấm đã an ủi anh.
Xế chiều ngày hôm sau Sơn đến thăm nhà sư già tu thiền trong một ngôi chùa cổ. Ðó là nhà sư đã dạy anh phép nhịn ăn và phép ngồi thiền với những mẩu trầm hương cháy nghi ngút khói trên đầu. Nhà sư già đã rất ngạc nhiên về sức chịu đựng và khả năng tập trung tư tưởng của anh. Anh nói:
- Con đã đốt một ngón tay và ngồi nhìn nó cháy cho đến khi lửa tắt. Thế thì con có thể tự thiêu được không?
Nhà sư già đáp:
- Con hãy tự hỏi con điều đó.
- Con đã tự hỏi rồi và bên trong có tiếng đáp: Có.
- Thế thì tại sao con còn đến đây hỏi ta?
- Ðể chia sẻ nỗi cô đơn. Con không sợ chết nhưng con sợ phải đi vào cõi chết với nỗi cô đơn. Làm sao để xóa tan nỗi cô đơn ấy, bạch thầy?
Nhà sư đáp:
- Ngày nào còn cảm thấy cô đơn, ngày ấy còn lòng dục.
- Nhưng con có còn ham muốn gì trên đời này đâu. Cả cái mạng sống này đối với con bây giờ cũng chỉ là bèo bọt.
- Ta biết con chẳng còn tha thiết gì đến sự sống nữa nhưng mối tình của con vẫn nặng như núi Thái Sơn, lòng thù hận của con thì sâu như biển, thế thì làm sao con có thể thanh thản để đi vào cõi chết.
Sơn quỳ mọp dưới đất:
- Xin thầy hãy dạy tiếp.
- Ta khuyên con hãy từ bỏ lòng thù hận, từ bỏ nỗi đam mê nhan sắc, bởi không có cái gì trên đời này phù phiếm và hư ảo cho bằng nhan sắc. Con hãy tưởng tượng sau đôi mắt xinh đẹp kia là hai hốc mắt sâu đen ngòm, sau nụ cười rực rỡ kia là hàm răng trắng nhỡn của chiếc đầu lâu. Tất cả mọi nhan sắc rồi cũng sẽ trở về với cát bụi.
Vẫn phủ phục dưới chân thầy, Sơn nói:
- Nhưng con yêu nàng đến nỗi nếu con có trên tay chiếc đầu lâu xương xẩu của nàng con sẽ tưởng tượng ra nơi hai cái hốc mắt đen ngòm kia là đôi mắt đẹp tuyệt vời của nàng, nơi những chiếc răng lởm chởm trắng nhởn kia hiện ra đôi môi đỏ tươi, ngọt ngào và kiêu hãnh của nàng. Con sẽ có thể tưởng tượng cát bụi thành nhan sắc.
Nhà sư nói:
- Nếu con có thể tưởng tượng cát bụi thành nhan sắc thì con cũng có thể tưởng tượng ngọn lửa sẽ thiêu đốt con kia là cơn mưa lành xóa sạch cho con bao nỗi đắng cay phiền muộn, xóa sạch cả nỗi cô đơn. Ðó chính là lẽ uyên nguyên của thiền.
- Nhưng con lại nghĩ rằng đó là tình yêu.
- Tình yêu là một sự cám dỗ. Nó là ngọn lửa còn thiền là ánh sáng. Nhưng cũng chính vì ngọn lửa có ánh sáng nên có khi tình yêu mang gương mặt thoát tục của thiền. Và cũng chính vì thứ ánh sáng ấy phát ra từ ngọn lửa nên nó phá phách, nó thiêu đốt và hủy diệt. Ta biết lòng con bây giờ bất định, khi thì tĩnh lặng như sa mạc, khi thì cuồng nộ như hỏa sơn, thế thì làm sao con có thể tham thiền được?
- Thầy bảo thiền là ánh sáng. Nhưng nếu không có ngọn lửa thì ánh sáng từ đâu phát ra?
- Cái nguồn sáng tĩnh tại ấy gọi là ngộ. Chưa ngộ thì chưa hiểu được thiền.
- Bạch thầy. Cái ý niệm về ngộ của thiền cao siêu quá, còn con thì chỉ muốn hiểu ngộ như là gặp. Chính vì thế mà ngộ mang đầy tính ngẫu nhiên và bất trắc. Con có thể ngộ lúc con yêu nàng nhưng con cũng có thể ngộ lúc ngọn lửa trùm lên thân xác con hay ngay cả lúc con bắn vào kẻ khác bằng một khẩu súng hãm thanh. Cứ gì là ngộ lúc tham thiền.
Nhà sư già nói:
- Con hãy ngồi dậy, hãy cùng ta đi dạo trong hoa viên chốc lát. Những lời con vừa nói đã làm lòng ta rung động. Há chẳng phải con đã hiểu thiền hơn ta sao?
Sơn đứng lên xá thầy ba xá rồi nói:
- Xin thầy đừng chấp những lời xằng bậy vừa rồi của con trẻ.
Nhà sư cũng xá chàng trai ba xá và tiễn chàng ra cửa:
- Ta nhớ xưa Khổng Tử đi tìm Ðạo Chích để khuyên răn. Ðến chiều ngài trở về, các học trò hỏi kết quả thế nào thì ngài đáp: Ði một ngày mà học được Ðạo thì chết cũng vui lòng. Vì thế mà bây giờ ta không có gì để khuyên răn con nữa. Con hãy sống theo những gì con cho là phải. Vĩnh biệt con.
Khi chàng trai bước chân ra khỏi cổng chùa thì gà đã gáy sáng.
( Còn tiếp ... )