27.2.09

KẺ CHUYÊN LỠ CHUYẾN

Tác giả : Nguyễn Văn Thọ
Kết thúc cuộc chiến, hắn trở về nguyên vẹn.
Mười hai năm cuộc chiến, như một giấc mộng dài, biến hắn từ một cậu học trò tơ non, thành một cựu chiến binh, dầy dạn kinh nghiệm chiến tranh, thiện chiến. Hắn chợt nhận ra ngay, ở ngày hòa bình đầu tiên, tất cả những sự tích tụ giúp hắn tồn tại, vượt qua cái chết, vụt hoá thành vô dụng trong tích tắc đầu tiên của ngày hoà bình. Hắn, kể từ phút đó, với thời bình, là một tay ngốc ngếch. Một kẻ chỉ biết tuân lệnh và ra lệnh, phải bắt đầu từ con số không, làm quen với tất cả đời sống bình thường của con người. Đúng là khó khăn!
Hắn tự an ủi, trong những ngày đầu ở Hà Nội, khi trở về không một xu dính túi: "Thôi! Ta còn sống để trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc. Bao bạn ta mãi mãi chẳng trở về!" Nghĩ vậy mà vẫn ứa nứớc mắt! Trở về Ngôi nhà ấy, nay đã vắng bóng người mẹ của hắn, người mà có thể chở che và đùm bọc hắn với tấm lòng bao la, yêu thương nhất. Hắn thất nghiệp, lang thang trong thành phố đi xin việc hàng ngày. Và, buổi tối trèo lên gác thượng, gẩy cây đàn ghi ta rè cũ, hát những bài ca cũ. Đôi khí hắn đọc thơ cho cô cháu gái nghe. Cực hình nhất, là khi cô cháu lại thích bài Đợi anh về của lão Simonop với cái giọng chùng buồn ấm áp của hắn. Sau này, có lần hắn nói với cháu: Này, bài đó đọc trong rừng thấy ấm áp. Đọc khi trở về chẳng có người yêu chán và lạnh. Hắn vẫn giữ tính chân thành và thật như đếm.
Nơi hắn ở, gọi là phố mà như xóm, như làng. Đối diện nhà hắn, cách con phố ngang năm mét, có nếp nhà dựng lên trong khi hắn còn ở rừng. Lưng dãy phố tạm ấy, dựa vào khu tường nghĩa địa Tây. Nghe nói dãy dài nhà đối diện, là cửa hàng mậu dịch bán rau và thịt. Chái bán rau, được chia cho một gia đình cán bộ tập kết dọn tới trước khi chiến tranh kết thúc. Bà má của gia đình ở đó, nói giọng miền trung ấm áp. Bà có nụ cười rất tươi, mắt nhân hậu. Có một lần, bà nói với hắn bùi ngùi: "Mẹ cậu là một người rất tốt bụng. Hồi bà còn, cô vẫn hay sang chơi." Qua cô cháu gái, hắn biết được, ngôi nhà ấy có một cô gái bằng tuổi cháu hắn. "Nó mê tiếng hát của cậu lắm. Những tối cậu hát, nó chạy hẳn sang nhà, rủ cháu lên cầu thang nghe trộm". Hắn cười.
Cuộc sống thời bình thật khốn nạn với một kẻ lương thiện, đã hai ba tháng lang thang vẫn không thể tìm một công việc ở Hà Nội, khi mà đi xin việc, đâu cũng nhan nhản lính trở về.
Một buổi sáng đầu hè oi, nóng, hắn cởi trần, bổ củi trên vỉa hè, chợt bắt gặp ánh mắt của cô gái bên kia đường nhìn sang.
Cô gái thật đẹp. Cái vẻ đẹp của một thiếu nữ vừa lớn làm hắn sững sờ vài giây. Mơn mởn như đoá hồng vừa hé nụ vào một sớm xuân. Hắn hơi ngượng, quay vào nhà mặc áo may ô. Tối đó hắn buột miệng kể lại với cô cháu gái. Cô cháu bảo: "Cậu ngượng gì, nó là Hương bạn cháu."
Một tuần sau, những buổi tối mát trời, hắn và cô gái tên Hương ấy, cùng cô cháu gái trèo lên sân thượng. Trên gác có giàn nho xanh mướt phủ rộng tầng thượng chống nóng. Chớm hè, nho bắt đầu có những trái non, vùn vụt sinh ra từng chùm lúc lỉu xanh trong như ngọc, rồi thoắt căng nõn trái. Hắn hái nho chấm muối ớt, cùng cô gái trẻ nhăn mặt. Cô gái ngồi bên hắn. Tóc xõa bờ vai, nắng chiều soi lên mái tóc đen như mun, sóng sánh như lụa và xông lên mùi con gái. Đôi mắt đen thăm thẳm. Cái miệng luôn tươi với đôi môi mọng như trái nhót, hồng thắm trong ráng chiều. Lần đầu tiên, ở chiều ấy, khi cô bứt một trái nho đưa lên miệng hắn, hắn chợt thấy cô hàng xóm rất đẹp. Thực ra có sức mạnh nào đó xui bẩy hắn làm điều gì đó, nhưng hắn chần chừ. "Nho còn xanh quá!" Hắn bất giác nói!
Cô gái rất nhanh thân thiết thân với hắn. Nhiều tối hè, mạnh bạo đề nghị hắn đàn, hát những bài ca cũ, mà hôm nào cô nghe lén ở bên kia đường. Mắt cô mở to, nhìn hắn đăm đắm, nghe hắn kể về các câu chuyện của chiến tranh đằng đẵng mà hắn trải qua. Một tối, cô cháu bắt hắn đọc lại bài thơ của gã Simonop. Hắn đọc, tự dưng lâu lắm lại xúc động trào lên. Cảm giác hình như đôi mắt của cô rơm rớm trong đêm tối nhập nhoè. Sao lại khóc? Đâu, em chả khóc, có anh khóc! Cô gái bướng bỉnh!
Chuyện của hắn vẫn tiếp tục vào những đêm rảnh rang. Miên man các trận đánh. Không có một mối tình nào trong suốt cả mười một năm hắn sống còn với chiến tranh. Thế giới của hắn toàn đàn ông và bắn giết, đâm, chém, đồng đội hy sinh, những trận chiến thua, thắng. Phục kích, mật tập, đánh mìn và đạn, bom. Hắn thật lắm chuyện. Hắn kể rất sinh động, tỉ mỉ cho cô về cánh rừng khooc, lá giòn, rộng nổ lộp bộp dưới chân. Ở Hà Nội, có giầu tưởng tượng thế nào cũng không thể hình dung được. Hắn nói về con sông ào ào, hun hút chảy giữa lòng núi đá trên đỉnh Trường Sơn và những đêm săn bắn, bẫy tất cả các loại thú, khi cơn đói thắt ruột hành hạ. Những đêm mưa triền miên, nằm trong hang lạnh, nhóm lửa bằng zippo, châm thẳng vào mảnh thuốc bom, rồi nghe lửa phì phì reo, cồn cào bụng rỗng hoang, nhớ về Hà Nội v.v...Cũng đôi khi, trong câu chuyện liên miên, có một bóng hồng lướt qua, nhưng chỉ là tiếng hát của đám thanh niên xung phong vọng lên, rồi mất hút cuối con đường đi qua; đó là các cô gái Lào, Thượng, Pacô lưng đeo gùi, miệng tươi như hoa, tay cầm dao phăm phăm đi trước đoàn quân. Một cô gái lưng trần, rám nắng đã cho hắn và bạn hắn dăm bắp ngô nếp dẻo, cứu hắn qua cơn đói lả xuýt toi mạng, trong một lần lạc rừng. Những câu chuyện chẳng đầu đuôi lạ hoắc với hai đứa con gái liên miên không dứt tới hai mùa trăng.
Cô gái cũng kể chuyện khi hắn hỏi vọc vạch. Theo hắn, những câu chuyện của cô kể, toàn chuyện trẻ con. Nhưng hắn vẫn lắng nghe và đôi khi tủm tỉm cười.
Hắn bắt đầu thỉnh thoảng sang nhà cô chơi.
Gian nhà hai chục mét vuông cho năm mạng người. Không có cả toa-let. Góc nhà quây thành nơi nấu nướng, cạnh đó có một cái lỗ đậy hờ bằng một cái nắp chĩnh cũ. Hôm đầu tiên ngồi đối diện với cô chủ nhà, hắn nhận ra ngay, thoang thoáng mùi khó chịu. Mùi khai nồng, thu thủm, hôi rình như xông lên từ phía có cái lỗ đậy hờ kia. Cô gái cũng thật thà kể, nơi đây xưa kia là chỗ rửa ráy của quầy bán rau. Người ta đục nó thông thẳng vào cống thành phố, nên những ngày nóng, cả nhà em khó ngủ, vì mùi hôi nồng nặc. Nhưng không có nó thì thoát nước thải vào đâu? Hắn định bảo, ừ đêm đêm buồn đái, thì đái vào đấy cũng tiện, nhưng hắn không nói ra câu nói ấy.
Ngôi nhà như thế! Sự mong muốn gặp nhau bắt đầu nhen lên ngày một nhiều hơn và đã xoá đi sự khó chịu khi ngồi trong cái mùi chẳng thơm tho tí nào. Cô gái cũng biết ý, mỗi khi hắn sang, chèn chặt nắp cống lại bằng một miếng giẻ cũ. Có lần cô còn dội một thùng nước ào ào vào cái lỗ quỷ quái ấy.
Hắn có những khi chán mà không thể chia xẻ với cô. Tỉ như, trong chiến tranh ao ước trở về, khi trở về quả là chẳng dễ dàng với một kẻ không tiền, không việc làm. Cũng đôi khi hắn phụ giúp ai đó, không nề hà công việc gì, như dọn gạch vỡ, quét vôi nhà, phá một bức tường sắp đổ, phụ thợ nề v.v. toàn các công việc cơ bắp và nhận được vài đồng tiêu vặt. Nhưng không phải lúc nào cũng có công việc mà hắn lại nghiện thuốc nặng. Hắn bắt đầu bán đi những kỉ vật chiến tranh và tất cả cái gì gọi là gia tài của một người lính.
Đi bán đồ của chính mình mà như bán đồ ăn cắp. Hắn ngượng. Chỉ sợ, ai quen hắn, bắt gặp. Hắn bán vật đầu tiên là cái tăng mới tinh còn phấn trắng. Rồi bán chiếc áo mưa sĩ quan cũng mới. Vài chục dụng cụ điện tử hắn tháo trên một chiếc xe M113 bị hỏng máy trong căn cứ chiếm được. Cả mấy cái công tắc điện đẹp lắm, hắn định khi nào rảnh thay thế những công tắc sứ cũ mòn, chập chờn ở sân nhà. Ngày bán cái võng là hắn đắn đo mãi. Cái võng cũ, có dăm vết thủng lỗ chỗ. Đó là vệt bom bi xuyên qua, trong trận đánh Boloven năm nào. Trận ấy, người bạn thân nhất của hắn, cùng tiểu đội, đã chết. Hắn may mắn thoát hiểm, nhờ cái ba lô bên cạnh, nhờ thân thể người bạn che cho những viên bi, những mũi tên thép nhỏ xíu, cứng, sắc ghê người, có thể xuyên qua bất kì vật gì. Nhưng vẫn phải bán sạch. Đói và thèm thuốc. Sau vài lần bán đồ, hắn không ngượng nữa khi gặp mấy bà chè chai đồng nát, kể cả lần hắn bán con dao găm Mỹ có rãnh thoát máu sâu hoắm và đen sì, khắc chìm dòng chữ U. S. A - Army. Dao găm này, hơn tám năm vẫn là vật bất li thân trong rừng. Bán! Rồi cũng chẳng còn gì để bán nữa, lại đúng vào tuần Hà Nội mưa. Đói, lại thèm thuốc cồn cào. Nằm khèo trên gác xép, nhìn ra trời miên man mưa trắng xoá. Cay đắng cười!
Buổi sớm sau, hắn dậy thật sớm, ra đầu phố, tới tất cả các nơi ban ngày là quán nước. Len lén nhặt ở đó những đầu mẩu thuốc lá.
Sớm đó mưa ngừng và nhạt nắng. Hắn leo lên sân thượng, dưới những đám quả nho xanh như ngọc. Cẩn thận rũ sợi thuốc vụn từ những đầu mẩu cong queo, hôi hám, dính cả cát và đất. Rồi cũng quấn được hơn chục điếu sâu kèn cho bớt cơn nghiền. Sớm hôm sau nữa, đúng vào lúc hắn đang chế tác thuốc lá như vậy, cô cháu gái và cô bạn gái hàng xóm xuất hiện sau lưng khi nào chẳng rõ. Cô cháu hỏi: “Cậu đang làm cái gì đấy?“ Hắn ngẩng mặt lên. Bàn tay hôi, khai nồng mùi thuốc cháy dở gặp ẩm. Hắn chạm ngay ánh mắt của cô gái nhìn không chớp. Hắn muốn chui vào lỗ nẻ. Đứng dậy, đá phăng dúm thuốc đi. Mặc hai cô gái sững sờ, không hiểu điều gì làm hắn tức giận? Hắn chạy xuống gác như ma làm.
Ba ngày, hắn tránh mặt cô. Ba ngày, hắn lang thang khắp nơi và đau khổ nhận ra, sự tìm việc ngày càng khó khăn hơn, khi tới đâu cũng thấy áo Tô Châu và dép đúc. Hắn có thể đầy khả năng, sức khỏe để làm rất tốt vai trò gác cổng ở bất kì nhà máy nào! Không có cái chân ấy cho hắn! Một lần hắn thất vọng ê chề khi một lão thương binh nói, nhà tao, năm thằng vào mặt trận. Ba đứa trở về toàn ăn bám mẹ. Nghe nói, số bộ đội giải ngũ ở thành phố hơn ba vạn nữa! Hắn nhớ mẹ ghê gớm, suýt bật khóc trong đêm ấy!
Một tối mệt mỏi trở về, hắn hơi bất ngờ nghe cô cháu bảo, cái Hương nó gửi cho cậu gói gì ở đầu giường ấy! Trên táp-đờ-luy của hắn, gói giấy bọc ba gói thuốc Trường Sơn. Hắn bàng hoàng. Bên trong, có tờ giấy học trò, dòng chữ nắn nót mềm: “Anh bộ đội hút ít thôi. Hại lắm đấy nhé! Rồi lại thi thoảng ho sù sụ như ba em đấy!”
Hắn lên sân thượng. Bóc gói thuốc và rít thật mạnh hơi thuốc vào lồng ngực. Lòng hắn thực khó tả. Vui, buồn, hạnh phúc và cay đắng.
Vài hôm sau, cô gái từ bên kia đường chạy sang khi thấy bóng hắn vừa đi về: “Anh rảnh không? Hộ em bài hình không gian khó quá!“ Hắn nhận lời ngay. Cô hàng xóm cười, khoe cái răng khểnh ánh lên. Má lúm đồng tiền.
Họ ngồi bên nhau ngay sau cửa sổ sát tường nom ra đường. Cô gái lấy vở có bài tập đưa cho hắn. Một bài tập không khó quá, dù đã bỏ hơn mười năm học tập. Chỉ dăm phút sau hắn đã có lời giải. Cô gái ngồi sát lại. Hắn cảm thấy hơi nóng của da thịt. Mùi tóc. Hơi thở. Hắn quay sang. Đôi mắt cô gái trong. Mi dài đen, thăm thẳm nhìn lên. Trong người hắn bỗng có một sức mạnh ghê gớm thúc dục. Hắn nắm vội lấy bàn tay cô đang cầm bút. Tay trái quàng lấy eo cô. Rất nhẹ! “Kìa anh!“ Cô gái nói ấp úng, nhưng bàn tay cầm bút vẫn trong tay hắn. Im lặng quá. Hắn run lên. Cô gái chợt nói lí nhí: “Kìa anh bộ đội!” Thế thôi mà hắn sợ. Hắn buông tay cô ra. Khi đó, hắn mới thấy khuôn mặt cô chợt hồng rực. Không thể ngờ, một thằng đàn ông như hắn, vượt qua bao nhiêu lần trước gian nguy và cái chết lại hèn nhát như thế, tim đập loạn và rất sợ ai nhìn thấy hắn và cô trong trạng thái như vậy.
-Anh về đây. Hắn bước vội về nhà, không ngoái đầu trở lại.
Tối đó hắn lên dàn nho. Đàn ghi ta cũ, rè rè lại cất lên những nhịp chậm. Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh. Soi sáng đường chiến sĩ dưới ngàn cây….Giọng hắn ấm, nên càng buồn. Hắn suy nghĩ miên man. Em mới 16 tuổi. Sao hắn làm như vậy. Hắn yêu cô ư? Nhớ cô ư? Hắn đã bao giờ yêu, hoàn toàn không biết tình yêu là cái gì. Hắn không được phép như vậy. Không việc làm, không tiền, không tương lai. Còn cô gái tốt bụng, đẹp, trẻ, trong văn vắt ấy! Tất cả ở phía trước. Tháng tới cô sẽ thi. Nếu có việc gì xảy ra, cô gái trượt. Không, không nên thế! Dù là nhắm mắt lại, hình ảnh khuôn mặt cô đỏ lựng, môi mọng như trái nhót, cứ chói chang hiện lên.
Hắn tránh mặt cô gái.
Ba ngày sau, hắn vô cùng vui mừng kiếm được một công việc rất tầm thường ở một công ty buôn bán ngoại thành. Việc ấy do chị hắn cậy cục, nhờ vả năm sáu người mới xong. Phải sống đã! Hắn nhận đi làm ngay, lầm lũi tới cơ quan nọ, chạy giấy, đun nuớc cho công nhân và dọn ba cái hố xí không cửa đầy giấy báo bay tứ tán mỗi khi con gió thốc thổi.
Ngày đầu tiên có lương, hắn mua dăm thứ lặt vặt cho hắn. Một gói ô mai. Bọc ổi thơm nức, tươi roi rói. Một cái cặp nhựa Sài gòn trông như ngọc bích. Gọi là lời cám ơn hôm nào và cũng báo cho cô hàng xóm biết, hắn đã có việc làm. “Em sắp tạm biệt anh!“ Cô gái cười cười nói khi hắn sang, ngồi chưa ấm chỗ! “Đi đâu?“ Hắn hơi bất ngờ. “Cả nhà em vào Đà Nẵng. Ba em nhận công tác trong đó. Chủ nhật này, em đi“. Hắn muốn nắm lấy tay cô, nhưng má cô gái xuất hiện. Bà tươi cười nói, khi nào cháu vào trong nớ, tới nhà cô nhé! “Dạ.“ Bà má quay ra cửa. Em nhìn vào mắt hắn. Hình như em chờ hắn một câu gì đó mà hắn không sao nói được. Hắn và cô im lặng tới cả chục phút. Buồn thế! Hắn về.
Đó là một đêm hắn trằn trọc. Hắn dự tính, tuần này sẽ đi mua cái gì đó có giá trị và thứ Tư tới sẽ nghỉ việc tiễn cô đi.
Thứ hai đi làm, hắn đột ngột được lệnh phải xuống ngay Hải Phòng, xung vào đội tiếp nhận chuyến tầu biển, nhập hàng Hải sản cấp cứu cho thị trường Hà Nội từ phía Nam ra. Mới đi làm, không thể từ chối công việc đột xuất. Hắn về nhà vơ vội ba lô, chạy sang nhà cô gái mà chẳng thấy ai có nhà. Hắn lên tầu xuôi Hải Phòng, lần đầu trong đời hắn thấy buồn thậm tệ, vô cớ.
Cuối tuần hắn trở về. Ngôi nhà bên, hắn thấy cửa được khoá ngoài. Và, chỉ dăm hôm sau đã có chủ mới. Hắn như kẻ ngơ ngẩn mới mất một vật gì rất quý giá. Mỗi khi lên sân thượng, hay khi nhìn sang bên kia đường, hắn vẫn thấy hình ảnh cô bé tên Hương hiện ra chấp chới, như ảo như thật, cười và phô cái răng khểnh duyên dáng làm sao.
Suốt cả thời gian dài sau đó, hắn không hề có thông tin cô gái. Sĩ diện, hắn không dám cất lời hỏi cháu hắn. Không cũng có vài lần vu vơ, xa xăm mà đứa cháu gái lại tồ không biết hình tượng văn vẻ mang tính ẩn dụ thăm do về cô bạn cháu mà hắn khêu ra. Hắn thường tự an ủi là cô đang bận học thi. Cũng có khi hắn nghi ngờ, hay chính hắn cũng chẳng có một sức mạnh để tìm cách liên lạc với cô.
Nhưng mãi sau này nghĩ lại, hắn cho rằng, khi người ta bị sự thúc ép bởi đời sống cần tồn tại thì nó sẽ đè bẹp cả nỗi nhớ váng vất trong hắn, làm hắn tự nhiên dần sao nhãng bóng hình cô.
Một năm sau, không chịu nổi cảnh ăn cơm tập thể với những miếng thịt mỏng như tờ giấy và bát canh cá tanh lợm trong các bữa cơm tập thể, dành cho kẻ độc thân, hắn quyết định phải có gia đình. Hắn lấy vợ. Vợ hắn là người thiếu nữ cùng cơ quan. Cứ cặp kè với nhau ngày này sang ngày khác, lại nấu cơm rất ngon, làm hắn như cây bị đốn ngã. Hắn bảo với thiếu nữ, trợn trạo và thẳng tuột: “Này, em lấy anh nhé!“ Cô gái đồng ý. Khốn nạn, họ, chưa một lần nói được câu: Anh yêu em và ngược lại dù trong thăm thẳm ánh mắt.
Hôm đón dâu, chiếc xe Hải Âu vòng qua phố, chuẩn bị đỗ trước nhà. Hắn bỗng nóng gáy. Linh cảm mách, có ai đó đang nhìn hắn chăm chú. Hắn ngoảnh lại. Hắn gật thót người, nhận ra cô đứng ngay ở bên đường. Áo em trắng tinh. Tay em cầm túi xách mầu đỏ. Mắt em nhìn không chớp vào mắt hắn. Em không cười như bao lần xưa cười với hắn.
Bao nhiêu năm, hắn không bao giờ quên được cái nhìn ấy. Cái nhìn như đầy ăm ắp lời trách móc, như vấn hỏi con người anh. Đâu rồi mắt ánh nét cười, đôi mắt tinh nghịch, biết nói khi cầm từng quả nho…Ôi tình, kẻ bạc bẽo là hắn. Mắt em nhìn anh và hỏi: “Sao anh không yêu em mà vội vã đi lấy ai?“ Không còn là đôi mắt tươi rói xanh chấm muối, nhét thêm mẩu ớt, đưa lên tận miệng hắn. Lần đầu tiên hắn nhận ra, hắn chẳng phải là hắn nữa.
Sau này nghĩ lại hắn mới hiểu ra sự thúc ép của đời sống vật chất tầm thường, cơm, áo, gạo, tiền, đôi khi lại mạnh hơn, làm lu mờ cả những ước mơ tốt đẹp, đáng yêu và có khi rất thiêng liêng. Khốn nạn nhất là khi hắn nhận ra cái nhìn ấy thì đã muộn, bởi vì sau này nhớ lại, chính gây khắc ấy hắn biết hắn yêu ai. Không yêu, thực dụng, đó là một sai lầm khởi đầu của thời bình, không bao giờ hắn tự tha thứ.
Ba ngày sau, qua cô cháu, hắn mới biết, cô hàng xóm ở Hà Nội một ngày rồi trở về Đà Nẵng ngay. “Nó bảo dự định ra đây chơi hai tuần. Định rủ cậu cháu mình đi Đồ Sơn như năm nào mong muốn tắm biển một lần... thế mà nó lại trở vào ngay!“ Cô cháu kể. Hắn im lặng. Thì ra cô hàng xóm đã đỗ vào Trường đại học khoa văn. Như vậy, đường cô đã tới đích đầu tiên, đúng như dự kiến mà cô từng nói với hắn. Chỉ có bây giờ, hắn đã xa cô quá rồi!
* * *
Sáu năm sau, hắn cũng học xong một khoá kinh tế và dần thăng tiến. Duy có đời sống vợ chồng của hắn, chẳng ra gì, rạn vỡ chỉ vì những lí do cũng chả ra gì. Cái đời sống vợ chồng sau chiến cuộc, khi khởi nguồn từ cơm áo, lại bị chính sự vật vã của áo cơm, nhất là với hạng người chỉ quen với chiến cuộc, hoàn toàn thiếu kĩ năng sống bình thường, đã giết mòn con người hắn. Và điều đó làm hắn bế tắc, đau khổ.
Nhiều khi hắn chán ở nhà, muốn đi thật xa, tới một nơi nào đó để chạy trốn sự bất lực, yếu kém, dù hắn tự hiểu, chính hắn chứ không ai khác phải tự chịu trách nhiệm với những đổ vỡ.
Hắn buồn và tập tọng làm thơ, viết truyện, cho quên đi những nỗi niềm mà chỉ mình hắn biết. Thơ và truyện hắn đều tầm tầm. Tuy nhiên, dù còn vụng dại về ngôn từ, nhưng khi những điều hắn viết cất lên từ tấm lòng chân thật, báo chí cũng đón nhận và việc ấy giúp hắn ít nhiều vợi đi phiền muộn.
Tháng hè năm đó, cơ quan hắn có vài chiếc xe tải mới được phân cấp, lại ở tận thương cảng Đã Nẵng. Giám đốc quyết định, hắn sẽ đi vào đó, thay mặt cơ quan đưa lái xe vào tiếp nhận những chiếc xe ấy.
Đứa cháu gái thấy cậu vào Đà Nẵng đã viết thư cho cô gái và gửi chút quà Hà Nội. Hắn mỉm cười và thoáng nhớ lại những ngày đầu trở về “Ừ cậu sẽ tìm tới tận nơi!“ Hắn ra phố, mua ít mứt sen, bánh đậu, cân chè Thái Nguyên dậy mùi thơm ngậy. Một vài túi ô mai và bánh cốm. Hắn mỉm cười khi xếp tất cả vào chiếc cặp da đen to.
Không khó lắm khi tìm ra nhà của cô. Cô không có nhà. Má cô mời hắn ở lại “cho có dịp gặp cả nhà vào bữa tối“. Bà kể, em nó đi dạy. Tối mới về. Hắn được má cô dẫn đi xem ngôi nhà rộng rãi. Hắn chợt nhớ lại chái nhà xưa và tự nhiên bao nhiêu hình ảnh cũ rõ mồn một ập về khi nhìn thấy chiếc ảnh, em cười tươi vô cùng, treo bên trên chiếc bàn đầy sách vở. Hắn nhìn thấy dăm tờ báo Văn Nghệ đã đăng truyện của hắn. Cái tên tác giả được gạch bút chì đỏ và một dấu hỏi khá đậm bên cạnh? Có lẽ nào, cô đã nhận ra đó là hắn? Lòng hắn trào lên nhói đau vừa thấy khuôn mặt với bàn tay cầm bút năm nào như trong tay hắn. Hắn mong cô bạn trở về nôn nao. Nhẩm tính sẽ cùng em đi dạo và nắm lấy đôi bàn tay năm xưa! Không mình sẽ hôn em! Nhất định đêm nay phải hôn em! Hắn nghĩ.
Hai tiếng chờ đợi trôi qua. Rồi cô gái trở về. Em lại đẹp rực rỡ hơn cả ngày xưa. Cái vẻ đẹp của tuổi mười sáu giờ đây được thay thế, tràn đầy, bởi sự mãn khai, như một đoá hồng nhung nở đúng vào mùa xuân sắc. Cô cũng bất ngờ, mắt ánh lên niềm vui gặp lại.
Bữa cơm tôi thật vui. Bao nhiêu câu chuyện về cái phố của hắn và gia đình ba má cô, được râm ran tái dựng lại trong bữa cơm.
Bẩy giờ tối. Hắn xin phép má cô để hai anh em ra sông Hàn đi dạo.
Cô gái cất lời trước. Hỏi hắn bao chuyện. Cô bầy tỏ ái ngại khi thấy hắn có vẻ hơi gầy. Giọng cô trùng xuống “Em nhớ anh, khi đó vẫn bổ củi bên đường. Nom rắn chắc, không như hôm nay. Anh có ăn được nhiều không? Anh lại hút thuốc? Anh bỏ thuốc đi!“. Lòng hắn càng vui khi được biết rằng, cô nhận ra hắn ngay khi đọc xong truyện ngắn đầu tay hắn viết. “Em không thể quên những câu chuyện anh đã kể cho em trên sân thượng. Chỉ có thể là anh mới viết và suy nghĩ như thế!“ Cô khẳng định. “Thế còn giàn nho không hả anh?“ Cô gái chợt hỏi. “Giàn nho không còn nữa!“ “Tiếc nhỉ. Cái dạo ấy, bao nhiêu là nho“. “Ừ, giàn nho xanh!“ Hắn vô tư nói không ẩn ý. Cô gái im lặng. Họ không nói, tận tới khi gửi xe và đi dạo bên bờ sông Hàn. Hắn im lặng nghĩ: “Phải hôn em. Nhất định phải hôn em!“
Bờ sông đầy gió. Mênh mang nước rào rào chảy. Sóng đánh oàm oạp vào vách bờ xi măng. Họ dừng lại và hắn nhìn sang cô. Trong ánh đèn phản lên từ mặt nước, mắt cô gái như có trăm ngàn ánh sao. “Anh nói gì đi chứ!“ Cô nhìn hắn. Hắn nhắc lại ngôi nhà có mùi cống. Cái lỗ bí mật. Sân thượng. Những đêm trăng và những quả nho, cái bàn học. Cả gói thuốc. Hắn kể, cái bức chân dung của cô gái treo trên phòng tranh năm nào cha hắn họa, vẫn treo trên tường. Hắn vẫn lên đó khi buồn và hỏi tranh: giờ cô sống thế nào. Cô gái im lặng nghe. Mắt cô xa xăm và hắn nôn nao. Có một dòng điện bất thần xung mãn chạy trong hắn, làm bàn tay hắn run lên, khi muốn ôm lấy bờ vai cô và muốn hôn cô như đã định từ chiều.
Không biết ma xui quỷ hờn thế nào tự dưng hắn lại bật ra câu hỏi: “Em có người yêu chưa?“ Cô gái cười: “Em có rồi!“ Hắn nhìn vào mắt cô: “Anh ấy ở đâu, làm gì?“
Cô gái nói, giọng rất tự nhiên: “Anh ấy cũng bộ đội như anh, nhưng không khoẻ mạnh như anh. Anh ấy bên Campuchia” “Sao mà không khoẻ mạnh?“ “Anh ấy hay sốt rét. Cũng đang đau dạ dầy!“
Hắn chợt buông thõng hai tay xuống. Đôi bàn tay ấm rời bỏ bờ vai cô. Trong lòng hắn thoáng thấy cảnh hành quân vội vã của chính hắn. Những trận sốt miên man, người đau như có trăm ngàn kim chích, đã từng kể với cô năm nào. Hành tá tràng quặn lên khi quá đói. Cả tuần toàn húp cháo sắn. Nam Lào năm ấy chớp hiện lên. Tự dưng hắn chẳng có một ham muốn nào nữa và thấy buồn vô cùng. Thôi ta về đi, kẻo má em mong. Muộn rồi! Hắn nói. Thực ra khi đó mới chín giờ đêm. Trăng chênh chếch lên. Ánh trăng đôi khi buồn tênh, y như người đầy tâm sự muốn say rượu làm quên; tỉnh rượu, bỗng gặp trăng lên sáng trưng góc rừng quạnh, khi không một ai bên mình.
Họ thong thả đi về nhà. Hắn im lặng nghe cô kể về học đường, về nhiều chuyện khác của thành phố, mà tai cứ ong ong, chẳng thể biết cô đang nói gì với hắn.
Hôm sau hắn trở về Hà Nội. Thành phố xa dần, xa dần. Hắn không tự lí giải được thành phố chẳng quen thuộc gì mà sao hắn chợt thấy lòng tê tái khi con tầu chui vào đường hầm và thành phố mất hẳn!
***
Tình yêu là gì? Nó sinh ra từ đâu? Đã bao lần hắn tự hỏi mà không có câu trả lời, dù hắn cứ cố trồi lên khỏi dòng chảy đời sống mà vẫn bị cuốn trôi đi. Năm bốn mươi tuổi, hắn rơi vào dòng thác của cơn lũ xuất khẩu lao động. Và cơn lũ cuối cùng này, phá vỡ cái gia đình nhỏ bé của hắn, trong xa cách và bởi nhịp sống có những khác biệt không thể hàn vá những vết nứt.
Hắn có gần hai chục năm lang bạt nhiều nơi trên thế giới, trải thêm biết bao biến động thế giới và của cả cá nhân hắn. Khi lên voi, lúc xuống chó, chỉ để có tiền mà tiền quan trọng thế nhưng không làm cho hắn thấy hạnh phúc. Bởi sự khốn nạn nhất là hắn chưa bao giờ thoát khỏi cảm giác ở trọ, ngay cả trong ngôi nhà đầy tiện nghi sang trọng của hản nơi nước người. Cả khi, hắn tới những nơi tuyệt đẹp, trong lòng hắn lại nhớ về ngôi nhà cũ có giàn nho và những mảnh trần lở lói, về cái lỗ khỉ gió đầy mùi thối của nhà em.
Mùa xuân, khi qua cái tuổi tri thiên mệnh đã nửa thập kỉ, hắn com cóp ít tiền, mua một mảnh đất và xây một ngôi nhà nhỏ. Hắn nghĩ, rồi người ta cũng sẽ phải trở về với những điều quen thuộc của máu thịt; người như hắn thường phải ăn cơm và nhớ rau muống; hắn không thể quen với ngày tết noel, và phải nghỉ năm mới theo Tết âm lịch.
Một buổi sớm Hà Nội, hắn nhận được tin nhắn. Hắn bàng hoàng nhận ra cái tên quen thuộc hiện ra trong dòng tin:
-Em ra Hà Nội một tuần. Sẽ tới thăm anh. Hàng xóm- Hương!
Quá khứ dội về như một đợt sóng. Hắn gọi điện. Nhắn tin và ba ngày sau tới khách sạn gặp lại em.
Nhân viên khách sạn nói với hắn rằng, đoàn khách đi ăn sáng ở đâu đó bên kia đường. Hắn đoán vị trí nơi bên kia đường rồi vòng xe lên quán Bát Đàn. Từ quán ca-fê, hắn nhìn sang.
Gần hai mươi năm. Thế mà hắn vẫn nhận ra cô ngồi bên chiếc bàn giữa những người đồng hành của cô. Thời gian chẳng thể níu lại những nét xuân phơi phới của một ai. Cô đã sấp sỉ tuổi bốn mươi, trở thành người đàn bà. Nhưng, đúng là cô chứ không thể ai khác với khuôn mặt, nụ cười, chiếc răng khểnh, đôi lúm đồng tiền ấy, đôi môi ấy và, cái cử chỉ kia... Hắn châm một điếu thuốc và chờ đợi.
Hắn chờ cho đoàn khách ăn xong và đứng dậy. Khi cô bước ra vỉa hè, hắn chạy vội sang rồi tiến tới. “Hương! Xin lỗi. Có phải là Hương không?“ Cô gái quay lại. Mắt cô gái mở to, thoảng thốt giây khắc và bừng lên ánh mắt, nụ cười tinh nghịch tươi rói năm nào.
Họ ngồi bên quán cà-fê ngay xế bên kia quán ăn. Quán cà-fê sớm còn vắng khách. Nghe rõ tiếng nước lóc róc ở quầy bar.
Những người đàn bà, dù trượt qua thời xuân sắc, vẫn giữ được thân hình thon thả, dường như lại có sức quyến rũ đàn ông hơn cả thời thiếu nữ. Trong mắt hắn. Rõ ràng là Hương là típ người đàn bà như vậy, nhất là khi cô yên lặng, đôi mắt đen thăm thẳm cứ tươi mãi nhìn hắn. Hắn nói gấp gáp rằng nếu không nhớ nơi đây là Việt Nam, hắn đã ôm chầm lấy cô giữa phố.
Họ đi về ngôi nhà của hắn. Hắn đưa cô thăm nhà, cho cô xem mảnh vườn nhỏ. Xem bức tranh chân dung cô, chất liệu lụa, của cha hắn để lại cho, treo trong phòng khách.
Họ lên sân thượng nhìn ra bốn phía Hà Nội.
-Ở đây sao anh không trồng một giàn nho nhỉ? Cô nói. Trồng nho bây giờ còn ai lên hái nho nữa! “Em! Bây giờ có nho em sẽ hái” Em quay sang cười. Mắt em sáng lên, tinh nghịch. Hắn nôn nao và đặt tay lên vai em. Em nhìn xuống. Hắn kéo nhẹ em vào sát người hắn. Và bắt đầu thấy râm ran. “Đừng anh. Em không muốn!” Cô vẫn mềm người không chống lại vòng ôm của hắn. Cái ôm xiết nhẹ đủ cho hắn cảm giác ngực em sát vào ngực hắn. Hắn ngửi thấy hương của tóc đàn bà, hương của miệng có đôi môi thắm đỏ xưa giờ tuy đã phai mầu son, nhưng vẫn mọng làm sao. Và, đặc biệt hắn nhận ra hơi thở không bình thường phả lên đê mê. Không, anh không thể. Anh phải hôn em. “Đừng anh!” Em nói rất bé. “Ngày ấy nhẽ ra anh phải nói. Anh chưa khi nào quên em. Anh nhớ em. Luôn nhớ. Đôi khi gặp ở trong giấc mơ. Em có tin không?“ Hắn nói gấp gáp. “Em tin!“ Giọng cô như chìm trong hơi thở. Hắn cúi xuống, chỉ tích tắc sẽ là môi chạm môi, và ở cái khoảng khắc ấy, không hiểu vì sao hắn lại chợt nghĩ tới bên bờ sống Hàn năm ấy. Mắt hắn hơi nhoè đi, khi gần cận vào đôi mắt có đôi hàng mi rất đen. Có thể hắn ghen và, yêu. Hắn đột ngột hỏi: “Anh ấy vẫn là anh bộ đội năm xưa?“
Em như tỉnh giấc. Ngửa mặt lên, không đẩy hắn ra, mở to mắt:
-Anh bộ đội nào?
-Anh bộ đội ở Campuchia hay sốt rét và đau dạ dầy em kể với anh bên sông Hàn ấy?
Cô gái hiếng mắt sang bên rất nhanh ngạc nhiên và vài gây sau chợt nhớ ra chuyện xưa, tủm tỉm cười. Em nhìn vào mắt hắn. Mắt dịu dàng:
-Trời ơi! Anh vẫn thật ngốc nghếch. Làm gì có anh bộ đội nào. ….
***
Hắn choáng váng. Tự buông em ra.
Thì ra ngày ấy cô chưa hề yêu ai. Thì ra cái anh bộ đội Campuchia ấy sót rét và đau dạ dầy là hình ảnh của hắn mà hắn ấu trì không nhận ra. Hắn là kẻ nhỡ tầu vì quen một nếp nghĩ của thời chiến tranh trận mạc. Trời ơi! Gần ba mươi năm trôi qua…mang tiếng trải đời tới thế mà hắn không hề biết ngõ ngách của tình yêu. Con người như hắn rõ ràng là ngớ ngẩn, khờ khạo.
Tự đâu, tràn ngập nỗi buồn mà không thể kìm lại, dù cô đang trước mắt hắn. Cô, một con người cụ thể bằng da thịt. Bao nhiêu năm gặp lại, trải qua bao biến động, tới cái tuổi hai bên không còn son trẻ nữa, hắn mới chợt nhận ra, đây chính là người đàn bà đẹp, theo đúng quan niệm của hắn, cái đẹp chính là cái làm hắn xúc động. Nhưng hắn là kẻ chuyên nhỡ chuyến, đã để truột mất những giây khắc mà nếu hắn tinh tế và có vốn sống để nhận ra, hắn có thể định nghĩa đầy đủ rằng, tình yêu là cái gì và nó như thế nào…
Hôm sau, tiễn cô quay về Đà Nẵng. Khi tầu vừa chuyển bánh. Hắn thấy nhạc ngắn reo báo có tin. Bật. Hiện. Ba chữ đậm nét đanh, vẻn vẹn:
Em thương anh!
Nước Đức-2008