trong ảnh là Turcaret [Tục-ca-lệ] và Gil-Blas của Lesage do Nguyễn Văn Vĩnh diễn quốc âm. Nếu không có ai đấy nói cho biết, hay như đọc bài viết cuối sách Tục-ca-lệ thì tôi cũng như nhiều người, đều cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh dịch phóng [phóng tác - adaptation] chứ không phải dịch [traduction], và vì phóng tác nên khả năng cao là sai khác văn bản gốc. Tôi đã nghĩ như vậy đấy, tôi nghĩ dịch phóng tác thì giữ chi tiết chính, hẳn là bỏ qua nhiều, cốt để phù hợp với đời sống và văn hoá nước ta lúc ấy [chỗ nào như thế, Nguyễn Văn Vĩnh có để chú thích], nhưng tôi lại không nghi ngờ gì về độ chính xác [dẫu được biết Nguyễn Văn Vĩnh khá ẩu tả :)))]; chính cách dịch ấy của Nguyễn Văn Vĩnh tạo hiệu ứng rất tốt và tinh thần đúng cho tác phẩm: lẩy Kiều, từ ngữ, câu vè mỗi đầu hồi, đảo trật tự từ... thế nên, thế nên là, truyện hấp dẫn như Gil Blas qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh ta đọc sảng khoái rất nhanh và cũng có vẻ chậm, vì lối diễn quốc âm đó đọc nhanh tưởng như sai, đọc chậm thì thấy từ ngữ đảo lộn, đọc có lúc phải đọc một câu lấy mấy lượt mà cười rằng tài thật, cái lối diễn đạt mới đúng mới kỳ tài sao, cách dùng từ sao lại gợi hình chuẩn chỉ đến thế, trông như là phá vỡ quy tắc như là vứt ráo cả mà lại hoàn toàn không phải vậy [ở chính Gil Blas, Nguyễn Văn Vĩnh dùng chuyện tình-dục để trỏ cái mà ta vẫn hay nói dục vọng-tham vọng; cứ theo cách đó thì hay sao chữ "dục" chứ không còn là câu chuyện của riêng chữ "vọng"]
Turcaret [Tục-ca-lệ] là vở hài kịch được soạn đầu thế kỷ 18, nó rất dễ khiến người ta nghĩ đến kịch của Molière thế kỷ 17. Nghĩ đến thôi, chứ Molière tấu hài châm biếm nhạo báng là bậc thày. Tác phẩm thu hút chính là Gil Blas [nhiều chi tiết trong Gil Blas của Lesage người ta đã được đọc trước đấy trong kịch của Molière], một picaresque chính hiệu, mà khi đọc người ta cứ tự đính cho câu chuyện xảy ra tất tật trên đất Pháp mặc cho Lesage đặt nó ở Y-pha-nho [Tây Ban Nha]. Khi đọc những bài viết đầu sách, nghĩ rằng như Nguyễn Văn Vĩnh nói "dịch ra in vào báo cho các quan coi những lúc thừa nhàn tiêu khiển", đọc cho vui lúc rỗi rãi. Mà rồi truyện hay quá, tôi nghĩ nó là cảm giác đọc chuyện đời mà ai ai cũng từng thích chí đọc mê mải cho thoả như xưa đọc Thuỷ Hử, chưởng Kim Dung...
trong ảnh còn có thêm Mười ngày của Boccaccio thế kỷ 14. Là ở tôi, khi đọc Gil Blas tự dưng tôi nghĩ đến Mười ngày dù không hẳn là genre picaresque. Khi ngồi điểm lại, ai rồi cũng ngạc nhiên ra là mình đã đọc tương đối nhiều picaresque các thế kỷ đấy. Một tác phẩm rất nên đọc không chỉ thích hợp trong hoàn cảnh mấy năm covid vừa rồi. Mấy ngày trước tôi suýt định gợi ý cả Mười ngày cả Gil Blas cho một người bạn, vì chúng rất đời, hành trình đời người qua mọi cái lắt léo trầm bổng; chúng hay bởi chính yếu tố ấy, vì đời nên chẳng bao giờ mòn chẳng khi nào cũ hay không hợp thời cả, mọi thứ vẫn luôn thế, vì đời [phường con hát - văn sĩ, phú hộ - quí phái, nhà quan nhà tướng... bao đời vẫn các nhẽ đó, thói đời lề thói đó]; nhưng tôi đã không gợi ý, tự nhiên tôi thấy nó tuồng ngay cả đấy là họ hỏi tôi