28.4.22

dạ khúc móng sắc thương đau




một bài thơ rất thích của Thanh Tâm Tuyền [dù không thích thơ Thanh Tâm Tuyền, văn xuôi của ông thì nhịp lại rất thích]; Phạm Đình Chương phổ nhạc thành Dạ tâm khúc, cũng rất hay đòi Xù hát cho chị nghe

27.4.22

vĩnh biệt







Balzac thì dài, và nhiều khi yếu tố dài/đồ sộ làm người ta ít chú tâm đến những ngắn, như novella Vĩnh biệt, chẳng hạn. Tôi thì thích hạt tiêu [Dostoievski tôi cũng thích novella, ngắn hơn là những gì dài và khủng long bạo chúa của ông]


định lấy tên văn bản là đường [sugar í] hay là tình yêu [tỉ lệ cấu thành nhiều ảo tưởng, mộng tưởng, tưởng tượng mà] hoặc vĩnh biệt tình yêu; nhưng rồi lại lấy tên vĩnh biệt như tên truyện [mai mốt dễ tìm]. Vĩnh biệt trong Vở kịch con người, nằm ở phần triết học, khi đọc hết Vĩnh biệt, kết thúc của nó bàng hoàng đau đớn hẫng thõng người, như va phải kết thúc của Chàng ngốc [Dostoievski] mấy năm trước tôi đọc và bị. Đọc nó làm tôi suy nghĩ lan man [nếu không làm ta suy nghĩ thì đọc làm gì] và tôi lờ mờ hiểu sao nó nằm ở Triết học trong Vở kịch con người. Tôi thích nhân vật bác sĩ già và bà điên Geneviève [khi bà điên hét lên và khóc nức nở "vĩnh biệt, vĩnh biệt, hết rồi, vĩnh biệt" thì biết là xong rồi, thôi thế là xong, hết rồi] và nửa sau câu chuyện, với tôi nó nên thơ và đẹp [khung cảnh toà lâu đài và những miêu tả nữ bá tước điên], nhất là những trang cuối. Với tôi, Balzac là gì đấy mềm, nước; không như Dostoievski; dù tác động văn chương của họ lên ý thức của tôi mạnh [hơn tôi nghĩ là tôi hiểu], phía của văn chương ý thức mạnh


một phần cốt truyện của Vĩnh biệt có bối cảnh lịch sử, năm 1812 Napoléon mang quân đánh Nga [đọc ghi chú của người dịch cuối sách]. Sách hiện chưa có để bán 🙂


ps. anh bảo tôi, em đọc rồi còn gì, khi tôi nói mình cầm sách về đọc; tôi cười bảo nhưng giờ là quyển sách mà, khác chứ ạ; đơn giản thôi, khi nó là một quyển sách, sự đọc sẽ rất khác, hình hài mang năng lượng tương đương đi cùng, năng lượng ứng với hình thức sở hữu nó


23.4.22

resonance




tôi nằm co ro trong chăn đọc sách vì chân tôi lạnh, nhức buốt trong ống đồng - đầu gối - xương đùi. Tôi đọc một quyển sách lùng nhùng acoustic resonance - acuity of resonance - acoustic resonance therapy - resonance of sound wave... Tôi nghĩ, mình đang đọc gì trong mơ thế này, trong giấc ngủ mình đọc gì thế này chời ơi; có lẽ nào một ngày nào đó gần, mình sẽ đọc quyển sách như trong mơ đang đọc hay sao, mọi lần mình đọc sách gì trong mơ thì sau đó ngoài đời mình đọc quyển sách có hình ảnh các con chữ đi cùng nhau hay các câu văn đoạn văn như trong giấc mơ, thậm chí thò bút sửa văn bản trong mơ và sau đấy ngoài đời thực mình cũng thò bút sửa đúng y chang như hình ảnh trong giấc mơ... thế là sẽ có ngày mình đọc cái quyển lùng bùng này thật ư, chả hiểu đọc làm gì


rồi một người đàn ông tiến đến, tôi không muốn người đàn ông biết tôi đang đọc gì, nên tôi cầm quyển sách rúc sâu người vào chăn và luồn nó ra sau lưng; anh hỏi tôi đọc gì, tôi bảo không đọc gì, rồi nghĩ thế nào tôi móc quyển sách ra, trước khi chìa quyển sách về phía anh, tôi thu lại tất cả các từ có đầu chữ 'ac' như "acuity" "acoustic" lại vì tôi nghĩ có thể đưa tất nhưng nhất định phải ém lại, như đấy là con bài tẩy vậy, dù vô nghĩa; tôi chưa muốn người đàn ông biết dẫu tôi rất biết rằng anh biết, dù tôi có đưa hay không thì anh vẫn biết và anh biết việc tôi đang nghĩ cũng như việc tôi rất biết là anh biết 


tôi tỉnh dậy thầm trách chồng sách ngoại văn để quá sát chỗ nằm, tôi ghét các từ ngữ không phải tiếng mẹ đẻ tra tấn nhiễu nhương tôi trong giấc ngủ; dù tôi biết lần này không phải do các quyển sách hay các từ ngữ ngôn ngữ khác - những thứ tôi không biết đọc phát âm thành tiếng... nhưng không có ai nên tôi thầm trách chúng cho xong để còn tiếp tục ngủ 


giấc mơ resonance vào rạng sáng 18

20.4.22

cù lao




Giờ Đức văn khiến tôi muốn tôi làm gì đấy với những gì tôi nhìn.thấy [vẽ chẳng hạn, tôi rất thích nhân vật bác hoạ sĩ, ở cạnh người như vậy khiến đầu óc luôn phập phồng như trái tim, bởi các suy nghĩ; còn vui vẻ thì không cần phải nói thêm vì đương nhiên rồi] vì nó là cảm giác của cái nhìn từ cù lao - đảo hướng ra xa về, có thể, ký ức


nhìn là lối trao đi đổi lại giữa hai phía và kết quả của sự trao đổi là sự đổi thay ở cả hai. Bởi ánh sáng chẳng ngoan ngoãn gì nên mọi hình thái cần phải lung lay chập chờn, mọi thứ đều phải lung lay chập chờn. Vào giây phút ta thâu tóm được phía kia thì đồng thời ta bị, hay được phía kia thâu tóm. Và như thế, thâu tóm lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau. Nhìn là tiến lại gần nhau, sáp vào nhau. Nhìn là bóc trần, là có điều được lột trần ra và lúc này vỡ mộng là cần thiết; tan vỡ cơn mộng - ảo tưởng khiến ta gần thực tại bởi ký ức là cái bẫy và phải tự thoát khỏi nó thông qua nhìn, cách nhìn cái nhìn điểm nhìn. Mọi chuyện phụ thuộc vào nhìn, from the nostalgia to the present


novella Phút im lặng là hoài niệm về mối tình đầu trong trẻo và những khoảnh khắc dịu dàng đã qua nhưng với giọng văn có phần khắc nghiệt, ở Giờ Đức văn cũng vậy, tôi luôn cảm thấy một novella làm tốt hơn novel, có thể chính bởi khuôn khổ hữu hạn một cách vô hình của nó; ở đây sự khắc nghiệt vẫn là cái nhìn từ cù lao - đảo về ký ức; có lẽ do nó được viết vào thời điểm tác giả ngừng sáng tác một thời gian dài sau khi người vợ chung sống cùng ông gần 60 năm qua đời [dường như sau mỗi biến cố, rung lắc dữ dội tinh thần hay vũng lầy cơn ốm sụp đổ etc. các nhà văn lại hay viết về những gì trong trẻo thuở ban đầu, như Dostoievski viết Tiểu anh hùng, chẳng hạn]


ps. ai biết tuân lệnh nhất nhất thì sẽ giỏi ra lệnh; giờ đây, có quá nhiều người chỉ cần được lệnh là cứ thế đâm đầu làm, làm cho đến hết đời và đó là tôn giáo của riêng họ hay niềm vui nghĩa vụ, trung thành với chính mình và nghĩa vụ được giao phó. Và tất nhiên như thế thì giờ đây ai ai cũng bề trên, ai ai cũng thích ra lệnh. Họ chẳng chết bao giờ vì có sống bao giờ đâu, chẳng sống bao giờ


nhìn ảnh là biết sách đọc thời điểm nào nhỉ, đọc xong vào mùa hoa bưởi nhưng mà cứ chất đấy; hôm nay dọn ghi chép trong điện thoại nên sờ thấy và ngồi vẽ suy nghĩ của mình. Cần đọc thêm Siegfried Lenz


18.4.22

exhale






trong giấc mơ, cô bé ấy nói với tôi rằng: bố con là kỹ sư khắc phục sự cố, mẹ con làm nghề suốt ngày gọi điện đến nhà xuất bản nói giảm nói tránh


rồi tôi chỉ cho cô bé điều tôi đang nhìn, trên bầu trời mây trắng tách ra loang rộng, tôi nhìn những thứ đang văng 


bức tranh này khi vẽ xong, tôi đặt tên exhale. Giấc mơ cách đây 4-5 ngày

16.4.22

trí tuệ của bản năng

 



xưa ôn luyện trong đội tuyển Sinh cấp 2, tôi thích nhất là loại câu hỏi: trình bày đặc điểm, cấu trúc loài abc thích nghi với điều kiện sống và phát triển, từ đó hãy cho biết đâu là đặc điểm giúp loài tồn tại qua chọn lọc tự nhiên


thế nên tôi lấy tên Trí tuệ của bản năng cho văn bản về Côn trùng ký [Những hồi ức về côn trùng học] của Jean-Henri Fabre, dù ngoài trí tuệ bản năng thì tất nhiên còn là sự vô tri và sai lầm của bản năng, bản năng - nhận thức


ấn bản 10 quyển [hiện đang có 6] là ấn bản đầy đủ, có minh hoạ nhưng rất rất ít, quá ít ỏi, gần như có thể nói là không minh hoạ, nhưng chỉ cần có một hình dung hay từng nhìn thấy một loại côn trùng nào đó được Fabre hướng cái nhìn của độc giả vào thì theo miêu tả kiệt xuất về côn trùng của Fabre, người yêu thích động thực vật cũng như nắm được thần chú "vừng ơi mở ra" và trước mắt là một thế giới sặc sỡ muôn trùng loài sống động, chúng chinh phục ta bằng thứ trí tuệ đặc biệt - trí tuệ của bản năng


ấn bản 1 quyển do nữ tác giả người Anh Rodolph Stawell trích và lược dịch từ pho trước tác đồ sộ Những hồi ức về côn trùng học của Jean-Henri Fabre. Ấn bản này có minh hoạ màu, lược dịch gọn, phù hợp với các bạn nhỏ, bạn nào thích tìm hiểu động thực vật thì ấn bản này quá hẻo; nữ tác giả người Anh đã đảo trật tự ghi chép của Fabre tương đối rõ, để có một bản rút gọn thống nhất và dễ tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả [điều gì cũng luôn có 2 mặt]


Fabre là nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà côn trùng học người Pháp, ông mang tình yêu và khao khát khám phá bất tận, mãnh liệt với thế giới côn trùng nên nếu tìm hiểu tiểu sử của ông [đọc Côn trùng ký cũng có nhiều chi tiết được ông nhắc đến] thì ta có thể biết ông đề cao thực nghiệm, dành cả cuộc đời nghiên cứu về côn trùng học; tôn thờ sự thật cùng tư duy về thế giới tự nhiên, tư duy về cách thức nghiên cứu khoa học [không phải người làm nghiên cứu khoa học nào cũng có tư duy nghiên cứu sáng, tinh], cái nhìn nhạy cảm, sự mạnh dạn, can đảm của người làm khoa học đã khiến và dẫn ông phản bác lại những lý thuyết đương thời, từ đó dẫn đường cho phong cách nghiên cứu mới


Côn trùng ký [Những hồi ức về côn trùng học] là những ghi chép quan sát và tìm tòi, mang tính công trình khoa học của Fabre, nhưng với tôi, nó là hiện thân của văn chương đúng nghĩa. Câu chuyện về tập tính di truyền, tổ chức xã hội loài của côn trùng, là câu chuyện về loài người. Là một thế giới


ps. bận quá chưa viết tiếp được, cũng chưa đọc được hoàn chỉnh chậm rãi như thói quen, và vì ngoài ong [tất nhiên] thì tôi còn thích bọ hung nữa, nên tôi sẽ đi vào câu chuyện bọ hung dịp khác, cứ nghĩ đến cách chúng tổ chức cuộc sống, phân công chọn lọc thức ăn, "thợ tiện" bo viên phân từ khối thành tròn tròn và rồi đến đội quân di chuyển nghiêng nhấc nghiêng nhấc từng bên đi giật lùi vận chuyển thức ăn đã qua chọn lọc là tôi lại thấy sự kì diệu của loại trí tuệ đặc biệt - trí tuệ của bản năng. Lâu rồi, tôi có đọc 1 bản rút gọn hơn nữa cơ, có bọ hung dế ve... ngắn lắm lắm [chứ bản đầy đủ bọ hung được ưu ái vô cùng], sau tặng cho tủ sách nào để trẻ con đọc mà tôi không nhớ, nhưng tôi biết tủ sách ấy tôi đã chọn ở vùng còn hoang dã vì như vậy phù hợp nội dung sách