29.12.21

thiên thể lang thang





"Qua những lỗ thủng trên mái

Nắng lọt xuống nhà tôi..." 

[Chết chịu]


dùng "lang thang" là chưa đúng, đáng ra phải dùng "hư vô" vì Céline cho cảm giác như vậy, phía của không phiền không ngại khi chịu hành hạ chà đạp [vì có như vậy mới là sống]; Céline cũng hành hạ độc giả, câu văn nào cũng gây khó chịu, chướng ngại, ngứa mắt vì đọc, ngứa mũi vì bầu không khí, ngứa luôn cả miệng vì ha ha ha muốn xổ toẹt một câu chửi [suỵt], thi thoảng khi đọc cười khóc lẫn lộn, đoạn cuối hai tiểu thuyết, tôi hơi buồn nhiều; bản thân văn Céline quá sức thoải mái bạt mạng, thậm chí không ai nghĩ 'những thứ này' tồn tại trong văn chương, cũng là ngứa ngáy ngứa mồm ngứa tay trút ra [tôi không ngủ được và tôi viết, Céline nói vậy :)))]

"đêm" của Céline, bản Hành trình đến tận cùng đêm tối, trang 482->489 - 550 - 562/563 - 737/738/739/740 - 795... [còn bản tiếng Anh tôi để ở ảnh]











Céline là không ngại đi vào "đêm" và đi sâu đi sâu hơn nữa đi đến cùng đêm. Đêm là gì nếu không phải việc "tôi là cây thập tự họ phải vác trên trái đất này" Phần lớn người ta nghĩ, và nhiều khi, rằng, người ta phải chịu đựng cuộc đời với đủ mọi bi kịch của nó [và cả các hệ quả dư âm], như bao người, như loài người phải chịu đựng; tức là, nghe có vẻ rất khổ thân, nẫu ruột như bị ức hiếp chà đạp, nhưng sống vốn dĩ là vậy, nó phải thế, sống trả góp sống chịu, người ta chỉ chết khi đã sống, cũng như Thomas Mann từng nói cái chết là một phần thưởng cho việc ta đã sống, một cám dỗ; tinh thần nó có khác đi đâu chứ. Chỉ Céline nói: "tôi là cây thập tự họ phải vác trên trái đất này", câu này được nói trong Chết chịu - một tiểu thuyết có thể nói là tự truyện, và Journey to the end of the night, cũng rất nhiều chi tiết khớp với cuộc đời Céline [chiến tranh, một người lính, một bác sĩ, những di chuyển... bạn nào từng đọc Hẹn gặp lại trên kia của Pierre Lemaitre sẽ nhận ra ảnh hưởng của Céline thế nào đến tiểu thuyết ấy và Pierre Lemaitre coi đó là "bài thực hành ngưỡng mộ văn chương"]


phúc cho tôi là Hành trình đến tận cùng đêm tối của tôi vô tình sách đóng lỗi nên thiếu 3-4 chục trang gì đấy đoạn Bardamu bị quẳng lên thuyền dạt sang Thế Giới Mới mà Bardamu nhìn New York là thành phố cực lạc el colorado - thành phố dựng đứng. Vì bị thiếu và đang được mọt T quẳng cho Journey to the end of the night nên tôi tiện chiến luôn ha ha ha với lại khi biết qua về nội dung rồi thì đọc tiếng Anh cũng nhàn, nhàn lắm; thế mới hay bản dịch Hành trình đến tận cùng đêm tối nó linh tinh thế nào, giai đoạn cuối 90 đầu 2000 cũng là giai đoạn nhiều sách hay được dịch và chất lượng dịch cần bàn tay biên tập viên già dơ xử lý hơn cả. Mọt T nói rằng có bản tiếng Anh đọc không nổi nên phải chơi tiếng Việt, tôi thì chơi tiếng Việt thấy sai sai thôi có bản tiếng Anh tôi tí toáy tí, và đây là quyết định chuẩn. Có lẽ tiếp tục Castle to Castle hay không cũng không quá quan trọng [nếu được dịch thì tôi đọc, không được dịch mà cần đọc thì cũng đọc :)))] vì Journey to the end of the night và Chết chịu là đã gần như đủ bầu không khí của Céline rồi; Chết chịu là một bản dịch tuyệt vời, để là Céline có lẽ không ai có thể làm như Dương Tường, như viết ra chứ không phải chuyển ngữ nữa - một văn chương văn chương mà những người cho rằng văn chương là phải hoa mỹ đẹp đẽ sẽ thảy ngay cho câu "phản nhân văn" "thế mà gọi là văn chương ư", lại được dịch tự nhiên như chính nó; tuy nhiên có thể cảm thông với những "văn học nhà trường" bởi Céline chính là không ngại việc câm [đỡ phải nói] cũng như không ngại chĩa ngón tay thối 'tôi ỉa vào' bất cứ ai ngay cả chính mình và bất cứ gì, vì đêm là đặc không thấy gì "that's what our unhappiness, our terrible unhappiness comes to, an amusement", "The world had closed in... We had come to the end! Like at the carnival! It's not enough to be sad; there ought to be some way to start the music up again and go looking for more sadness" - Thế giới đã khép lại... Chúng ta đến tận cùng rồi! Vui như hội! Buồn phiền chưa đủ, còn phải nổi nhạc lên nữa và tìm kiếm buồn phiền hơn nữa... Yet I hadn't gone so far in life as Robinson!

"Courtial chỉ phạm một sai lầm duy nhất! Nhưng là sai lầm cơ bản! Ông đã nghĩ rằng thế giới chờ đợi tinh thần để thay đổi... Thế giới đã thay đổi... Đó là sự thật! Nhưng tinh thần không đến với thế giới!" [Chết chịu]


có rất nhiều lý do để người ta viết, với Céline viết vì thường xuyên không ngủ ngon giấc "Cái khốn khổ của tôi là giấc ngủ. Giá thường xuyên ngủ tốt thì chắc tôi chẳng bao giờ viết dù chỉ một dòng." [Chết chịu]; một câu ở Journey to the end of the night, đại ý nếu ai đó nói với anh rằng họ buồn phiền bất hạnh, hãy hỏi họ rằng họ còn có thể ngủ được hay không, nếu vẫn được thì mọi việc ổn thoả cả. Bất hạnh là không ngủ được; tôi phải đi tìm lại đích xác cái câu Bardamu nói ngủ là đóng hòm là vào quan tài vào đêm của riêng mình, đây rồi "i was so tired from walking and finding nothing that i finally fell asleep in my coffin, my private night" và "Thế gian này làm gì có sự dịu dàng, chỉ có huyền thoại thôi! Tất cả các vương quốc đều kết thúc trong mơ!" [Chết chịu]


and maybe it's treacherous old age coming on, threatening the worst. Not much music left inside us for life to dance to. Our youth has gone to the end of the earth to die in the silence of the truth. And where, i ask you, can a man escape to, when he hasn't enough madness left inside him? The truth is an endless death agony. The truth is death. You have to choose: death or lies. I've never been able to kill myself. [Journey to the end of the night]


Céline - thiên thể lang thang, không phải một hành tinh, thậm chí không phải là điểm mốc, cũng không phải một tiểu hành tinh. Một thiên thể lang thang. Một thiên thể lang thang, hãy cẩn thận. Hai triệu năm nữa, lúc đó có thể nó phát ra ánh sáng tràn trề và lúc này, sự tài tình là, là con người đừng nên chỉ một mực nghĩ đến thói hư tật xấu 🙂


ps. khi mở Journey to the end of the night, tôi mới nhận ra Céline là ông hoàng dấu ba chấm 🙂, một người ghét dùng dấu câu như tôi thì không dễ chịu gì cho lắm :)))

gần thôi, sẽ có Đi đến cùng đêm thay cho Hành trình đến tận cùng đêm tối, tôi vốn biết là thế từ mấy năm trước 🙂

Rancy địa danh xuất hiện ở cả 2 tiểu thuyết, thế mà lại không có thật, không hiểu sao tôi luôn hình dung hình ảnh nhân vật tôi ở cả 2 tiểu thuyết đứng trên cầu trong đêm nhìn dòng nước trôi


có một vài đoạn nói về tuổi trẻ, có lẽ sẽ gửi  riêng cho bọn tiểu iêu, nhất là cái đứa bảo rằng em have sex vì sợ nếu không thì em và người yêu sẽ không có sự kết nối, bình thường đã ít nói chuyện rồi nên là... 

11.12.21

đất





"Rồi im lặng, vợ chồng anh không nhúc nhích, câm nín, nhẫn nhục như ba cái bóng thoi thóp sống trong bóng đêm còn dầy đặc trên miếng đất thảm buồn tựa bãi tha ma"


chiều tối tôi chen vào lấy 1 tiếng đọc nốt Đất [1949, có người nói 1950, nhưng chắc chắn không phải như ai đấy bảo search ra 1940 :)))] của Ngọc Giao, buồn quá, cứ sụt sùi vừa đọc vừa soi văn bản, đến một đoạn vợ chồng Xã Bèo bị lính Pháp bắt mất trâu, hai vợ chồng ra đồng cày bừa thay phận con trâu, vợ làm trâu đi trước, chồng đẩy bừa theo sau con trâu người và nói "bu nó" thay cho lời với trâu "vắt, đi nào"... tôi lắc đầu rũ rượi cười ràn rụa nước mắt giời ơi "đời người mà đến thế này ư"


nhà Xã Bèo như bao nông dân chịu cảnh tản cư, từ vùng "tề" làng Nguyệt Đức - Thuận Thành [Bắc Ninh] theo chỉ đạo kháng chiến di cư tản cư lên Nhã Nam [Bắc Giang], cảnh di cư tản cư này cũng khiến đời người khổ vì sống, mà tôi từng đọc ở Cuốn sách không tên của Hồ Dzếnh; đọc đến chi tiết người vật gồng gánh nhau lên Nhã Nam Bắc Giang, tôi nhớ câu chuyện tôi nghe người lớn nói chuyện, những người giờ đây 70-80 tuổi và cả những người 50-60 tuổi kể rằng, trôi dạt hay đi bộ đội đóng quân ở Bắc Giang, đất Bắc Giang cằn cỗi bổ cuốc xuống, cuốc bật ngược bổ lại vào đầu mặt, một thứ đất cằn cỗi khô rạc không trồng nổi thứ gì và có món đặc sản là chuối ngố, chuối quả rất to mà không tài nào ăn nổi. Tức là khi đọc đến chi tiết nhà Xã Bèo, Lý Còng lên Nhã Nam, đã biết là khổ vì đất, khổ vì sống rồi, sau đó nhà Xã Bèo lại còn xin cấp đất và được cấp đất rừng Dĩnh Thép Yên Thế thì người vật đến ngã nước mà chết mất thôi. Và cảnh sống vất vưởng nơi đất khách ấy, Ngọc Giao như viết chính nỗi lòng mình, nhớ quê hương nhớ từ những món ăn quê nhà


như sau đấy tôi đọc lại Cha tôi, nhà văn Ngọc Giao thì con trai Ngọc Giao có nói Đất được Ngọc Giao viết lén trong vùng "tề" và như một chi tiết trong Đất thì có thể áng câu chuyện vào khoảng mùa đông 1947 và sát tết, người con trai của Ngọc Giao viết bài viết trên cũng sinh vào năm 1947, cũng gần miếu cụ Đề, rất nhiều chi tiết về cuộc tản cư chạy loạn ở Đất của gia đình Xã Bèo là câu chuyện chạy loạn của Ngọc Giao; một chi tiết con trai Ngọc Giao nói trong bài viết này, Ngọc Giao nhớ quê nhà, nhớ cả những món ăn như châu chấu rang ăn với cơm chan nước đậu, nhưng trong Đất, là nhớ món cua muối mặn chan nước đậu phụ nóng, chính xác là nhớ nước đậu ngọt bùi và trắng như sữa, vợ chồng Xã Bèo hỏi nhau rằng không biết ở trên miền rừng người ta có ăn nước đậu không nhỉ


Đất là một trong những tiểu thuyết tái hiện làng quê Bắc Bộ vô cùng đậm nét, ý văn và từ ngữ đượm hồi cố, về một đời sống đã rất xa tôi, làm tôi chợt nhận ra có thể chính vì thế mà mình không đọc nổi những gì văn học nước nhà sản sinh ra trong khoảng 30 năm gần đây mà bằng cách nào đó tôi - người thuộc thế hệ 8x mở ra đọc; câu chuyện của Đất làm tôi ngồi thừ ra sau khi gấp sách và nhẩm tính trong đầu, ông bà nội tôi khi ấy bao nhiêu tuổi, họ đã đi qua những năm tháng ấy thế nào. Ông nội tôi sinh năm 1929, thì thời gian khổ này ông tôi mười tám đôi mươi, các cụ đã sống qua cái thời mà khổ vì sống; tôi nghe bố tôi kể lại câu chuyện mà ông tôi đã kể với bố tôi, ông tôi mồ côi năm lên 10-11 tuổi nên phải theo chú ruột lên tận Yên Thế làm kéo xẻ lúc 12-13 tuổi, nhưng rồi khổ cực, bị bóc lột nên ông đi bộ một mình từ Yên Thế về lại làng Phú Đa Đức Thượng, gần về đến làng thì bị mẹ mìn lừa lôi đi, may biết hô hoán lên rồi bỏ chạy thục mạng nên mới về được làng; cũng trong những năm 40 của thế kỷ trước, ông nội tôi kinh qua nạn đói năm 45 Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, ông đi ra khỏi nhà nhìn xác người nằm chết rúm ró như bó rạ bị mưa vầy, trâu bò người vật nghiến qua


Đất lấy bối cảnh chính ở vùng "tề" nên số phận của nó, tại sao mà sau 72 năm, giờ mới lại xuất hiện; bạn nào từng đọc Tô Hoài sẽ nhớ chi tiết Tô Hoài, Ngọc Giao gặp và nói với nhau gì. Một số phận tiểu thuyết gắn với người viết ra nó thật nhiều gian truân; sau Đất, vẫn Xã Bèo, chúng ta có Xã Bèo người của đất, như trong bài Cha tôi, nhà văn Ngọc Giao nói, thì Xã Bèo người của đất là phần tiếp theo, nhưng có hay không thì tôi không chắc, hay đấy chỉ là phần vĩ thanh sau khi khép lại Đất, theo ấn bản 2021 của Thời Độ, bài viết lời hết sách của tác giả có tên Xã Bèo: người của Đất; cũng thông qua bài viết của con trai Ngọc Giao, tôi mới biết trước khi được in vào năm 1949 [có người nói năm 1950] thì Đất được đăng feuilleton và cũng không được thuận buồm xuôi gió



đây là những thứ cần note lại không đầu không cuối, phục vụ cho tôi đọc Ngọc Giao sau này, có thể tôi sẽ đọc đủ nếu có duyên tập hợp đủ sách, mượn hay thế nào đó, và có thể phải động vào rất nhiều thứ tôi sợ, như lịch sử chẳng hạn, giai đoạn 45-54 chẳng hạn, mà nói chung, lúc nào tôi cũng sợ lịch sử, có những thứ nhà trường và công cuộc giảng dạy đã làm sáng rực rỡ khiến tôi sợ, sợ nên ghét, ghét nên sợ và tránh, cho đến một lúc nào đấy ta phải rời xa cái rực rỡ phát sợ để đi vào cực điểm tối bởi sáng chẳng phải do tối đôn lên mà thành hay sao 



7.12.21

team




trời ơi thế nào mà đêm qua tôi lại mơ mình là cầu thủ bóng đá :). Tôi mặc bộ đồng phục cầu thủ màu trắng, sọc đỏ mảnh chạy dọc hông quần và tay áo, tóc tôi dài để xoã ngang vai, tôi là thành viên nữ duy nhất trong một đội bóng nam :)))


một người đồng đội mặc đồng phục đen sọc đỏ, tôi nghĩ có lẽ anh ta là đội trưởng và cũng là thủ môn, anh ấy khua tay gật đầu ra hiệu bảo tôi vào sân. Tôi nói vào sân nhưng em không biết luật chơi thế nào không biết vị trí chiến thuật gì, em chỉ biết sút bóng vào khung thành đối phương thôi, đấy là may mắn, khả năng cao em cũng nhầm 2 khung thành là một như nhau, không lẽ cứ chạy trên sân, từ giữa sân sang sân đối phương :)). Thế cái trong lúc tôi khom người chỉnh lại tất giày, 2 thằng ranh mặt đầy nhựa cũng mặc đồng phục giống tôi ngồi gần đấy hất hàm bảo tôi: tóc dài đẹp đấy, vào sân thôi. Tôi bảo chúng, bà bà tóc dài vào sân trọng tài có đuổi không mấy thằng lỏi hay chúng mày cắt tóc cho chị


khi tôi bắt đầu chạy chạy làm quen sân, làm nóng cơ thì nghe đội trưởng, tức thủ môn đang nói với một người nhìn dáng có vẻ cố vấn hay huấn luyện viên, dáng già già rằng, sẽ sắp xếp mấy thằng lâu nhâu kia bao quanh khung thành và hai góc sân, còn phía trên kia, trước khung thành thì... đúng như cô bé kia nói [nói rồi hất hàm đánh cái nhìn sang phía tôi] là vị trí của cô bé nhỏ con, dáng nhỏ là lợi thế tranh bóng, chạy và dắt bóng trên sân đối phương; âu kê dáng nhỏ là lợi thế âu kê lợi thế tranh bóng âu kê mình biết uốn dẻo âu kê tranh bóng uốn dẻo, chân ngắn cũng là lợi thế chạy âu kê, gấu chó gấu mèo cũng là lợi thế sút bóng âu kê âu kê lợi thế


nghe chiến thuật phân công thế xong, tôi nghĩ thế mèo nào mình lại lơ ngơ làm cầu thủ, mèo đá "vệ" lại đi đá "đạo" thế này, nếu mục đích là sút bóng tung lưới khung thành đối phương thì âu kê, kiểu mèo gì cũng có cảnh mình sút trong tình huống offside việt vị mèo được công nhận vì mình mèo hiểu việt vị là gì; kiểu gì kiểu cả làng cả tổng biết việt vị mèo buồn ăn mừng bàn thắng còn con đơ tú thì ăn mừng ghi bàn một cách quê độ vì việt vị là cái của khỉ gì vậy


thế rồi tỉnh giấc, sáng giờ vẫn nghĩ sao đội bóng nam lại tòi ra mình là nữ, mà lại nữ tiền đạo, thế mèo nào lại thế 


và vẫn không hiểu việt vị là gì quý vị ạ, chỉ biết việt vị thì ghi bàn không được tính thôi, quan trọng là bàn thắng không được công nhận không được tính chứ mình cũng chẳng quan trọng việt vị là lỗi hay gì vì mình có hiểu việt vị là gì đâu, chẳng thể hiểu nên không care :))))

6.12.21

một chuyến đi




Soi gương là tuyển các bài báo, bài trả lời phỏng vấn vào 2010 - 2011 của Tử Yên Nguyễn Thu Thuỷ, một hoa hậu - một người đọc sách - một người viết. Tôi thích nghĩ Soi gương là một quyển sách về phong cách sống


Một chuyến đi là bút ký về chuyến đi năm 2015, Tử Yên Nguyễn Thu Thuỷ cùng đoàn làm phim sang châu Âu làm phim về những người Việt, thuộc nhiều thế hệ, sinh sống và làm việc ở châu Âu. Tôi thích Một chuyến đi hơn Soi gương rất nhiều, với tôi đây còn là bút ký một người đọc sách, tác giả viết đặc biệt hay ở bài viết Gặp gỡ Linda Lê ở Paris, Milan Kundera: bỏ đi và trở về... 

mùa hè 2019, một ngày tôi bỗng nhận được lời mời kết bạn từ fb chị Nguyen Thu Thuy, chắc do một nhầm lẫn thế nào đó :); từ đấy tôi có theo dõi fb của chị như một người bạn fb, các bài viết ở Một chuyến đi cũng có bài tôi từng đọc qua, nhưng khi tập hợp thành một quyển sách, bầu không khí rất khác, nó đậm đặc cảm xúc của chuyến đi, những gặp gỡ không thể quên và niềm cảm hứng; tôi đặc biệt đồng cảm với bài viết Milan Kundera: bỏ đi và trở về, đó là những xúc cảm của một người đọc, khi từ trang sách bước ra, sự trình hiện trước mắt khiến ngôn từ bị khuất phục; ta, đồng thời là người viết, người tưởng tượng và người quan sát. Chuyến đi 2015 này như sách chia sẻ, đã nâng đỡ cảm hứng để tác giả viết tiếp, hoàn thành tiểu thuyết của mình, trích đoạn tiểu thuyết Mưa rơi trên thành phố - một tiểu thuyết về Hà Nội, in trong Một chuyến đi, tôi nghĩ chị đã sửa và viết lại không ít, sự tỉ mỉ từ tốn dịu dàng rất rõ ở Một chuyến đi tiếp tục được thấy ở Mưa rơi trên thành phố và còn nhiều hơn nữa, chắn chắn thế, rất khác một Nguyễn Thu Thuỷ viết, những năm 2010-2011 ở Soi gương và câu chuyện Tổ kiến


đây là hai cuốn sách tưởng niệm, cũng là dấu hiệu của tình yêu