29.9.19

Vỡ

Đọc Georges Simenon phải xác định rằng mình sẽ đi vào địa hạt khó ở, lỡ cỡ, vừa thấy nóng vừa thấy lạnh; tất tật các nhân vật bình thản một cách lạ lùng, dường như một khi họ chấp nhận sự thật thì luôn sẵn sàng gánh chịu tiến triển logic của mọi hệ quả, hình thức không ở ngoài cũng không ở trong ấy đưa đến các định dạng nhân vật đặc biệt theo cách riêng của Simenon Bébé đầu độc Francois chồng mình bằng tách cà phê kèm liều thạch tín vào sáng Chủ nhật như mọi sáng Chủ nhật tại Trang viên Cây Dẻ; vì lựa chọn loại bỏ, hoặc mình hoặc chồng, cuộc hôn nhân không thể kéo dài thêm được nữa "tôi không còn có thể sống gần anh ấy", cô không đủ can đảm tự sát vì một đứa con ốm yếu cần mẹ hơn bố. Francois gặp vợ sau khi phiên toà kết thúc để nói anh xin lỗi và anh nghĩ rằng mình đã hiểu, hiểu hết sự cô đơn, mắc kẹt của vợ, sự không đoái hoài của mình... nhưng thật ra, Francois vẫn không hiểu; Bébé nói "Vỡ mất rồi". "Vỡ...". Giấc mơ, chúng chân thật, rõ rệt đến mức ồn ào. Có lẽ ồn ào, khốc hại nên không phải ai cũng thấy được cái cần thấy, sự chú ý thật ra rất hạn hẹp. Francois trong quá trình bình phục nhìn lại mình và tương quan mình và vợ trong hôn nhân [bi kịch là cô ấy đã yêu mình quá nhiều, cô ấy là Bébé (ôi cái tên Bébé)]; trong giấc mơ vào một đêm trước ngày xét xử Bébé, Francois thấy vợ không ngừng giơ cái ô lên làm hiệu với anh, đi ô tô mà lại dùng đến ô? sao cô lại phiêu lưu một mình trên sa mạc mặt trăng? sao cô lại đi vào lối nhỏ nơi chắc chắn cô sẽ bị mắc kẹt? Francois phóng qua lối đi nhỏ, làm ra vẻ không nhìn thấy vợ, không dừng lại, không chậm lại, Bébé vẫn giơ ô vẫy. Quá muộn rồi; anh đã đi qua mà chắc chắn rằng, không nhìn được sau lưng. Vỡ mất rồi p/s: nhân sự kiện bữa cơm cuối tuần như mọi cuối tuần được cả nhà lên lớp về hôn nhân như thể mài là đồ sao Hoả đồ bất bình thường 🙃

16.9.19

Cách ngôn

Ngày xưa tôi có thói quen cắt các bài báo liên quan đến tác giả, tác phẩm mà tôi thích hoặc nghĩ rằng kiểu rì kiểu sau này sẽ đổ như điếu [và thường là tôi không mấy khi sai] Sau này, cứ mỗi lần động lại các bài báo ấy, sau cứ độ 6 tháng 1 năm thì tôi lại vứt bớt đi được vài bài; có những cái tên với tôi là mãi yêu, như Andersen chẳng hạn, lâu lâu nhớ nhớ lại mở ra đọc lại, lại vào chỗ nào đấy có dịch có đăng để đọc; nói như Simone Weil thì là tôi chỉ đọc những gì tôi thấy thèm, vào lúc tôi đói khát, khi đó, tôi không đọc, mà tôi ăn [đại ý thế] Georges Simenon nằm trong những cái tên tôi biết rồi tôi sẽ đổ như điếu. Trong mấy quyển được xuất bản gần đây, tôi từng nghĩ mình thích Chuyến tàu định mệnh nhất, nhưng hôm vừa rồi động vào Ông thị trưởng ở Furnes thì tự tin nói luôn, đây sẽ là [một trong những] quyển mình thích nhất của Georges Simenon, Chuyến tàu định mệnh thì xét sau 😛. Tôi không thuộc về những câu văn hoa mỹ, những tính từ đẹp, trợ từ nghe hay hay... tôi thật ra lại rất cổ lỗ, rất cụt rất gọn; hình ảnh với tôi là các chi tiết chỉ cần đúng chi tiết, nó thế nào gọi tên nó, gọi đúng đừng màu mè tô vẽ nhân danh giả dối... và tôi tự có bầu không khí câu chuyện để sống và hít thở cùng những con người trong ấy. Tôi không chịu được thứ văn trơn láng, êm tai xuôi tai mà người ta gọi là thuần Việt [thế nào là thuần Việt 🖕🏻]... những thứ như thế với tôi là đuội, đuột, không sức sống không tinh thần không văn chương Hôm động vào Ông thị trưởng ở Furnes tiếc từng câu văn đọc qua, nên buộc lòng phải đọc chậm, đọc để dành. Cách ngắt câu, nhịp câu, ý chồng ý và rẽ ngang dọc thế này đặc trưng lắm; lúc nào có thời gian tôi sẽ động tới bản tiếng Anh :))) Tất tật những người tạo ra được cách ngôn, gói vật việc hiện tượng vào cách ngôn, đều tinh quái quái vật vật không trết... tôi nghĩ đến sự chẻ đôi, hai thái cực chung sống điềm tĩnh và thanh bình trong xung năng của nhau. Tôi rất thích nhân vật ông thị trưởng Joris Terlinck, nhìn chung là rất ít nói, đã ít nói thì chớ lại thi thoảng thả một cú nháy mắt. Thật là biết trêu đùa.