Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

26.6.16

Không phải lúc nào người ta cũng ở trong cùng một giấc mơ



Hài hước và suy tư sầu muộn, với riêng tôi, không ai trộn quánh nó lại mà được như cách Romain Gary làm. Quấn-Quít được viết năm 1974, đánh dấu giai đoạn Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar, giai đoạn này ông xa rời lối viết tự thuật mà thật ra với một người cuồng viết và mắc chứng nói dối bệnh lý thì tạo ra một cái gì đấy hư cấu là việc làm mỹ mãn, hoàn toàn hợp lý thôi mà.
Quấn-Quít là câu chuyện về Cousin, nam giới, độc thân, một nhân viên thống kê, ít nói, hơi lập dị, sống một cuộc sống tẻ nhạt. Để tìm được chút an ủi và thoát khỏi cơn cớ cô độc luôn "tự mình siết chặt mình trong tay một mình, tự ôm mình, gần như tự ru mình", anh ta nuôi một con trăn và đặt cho nó cái tên rất chuẩn Quấn-Quít. Kể từ đấy, sự cô độc càng khép chặt hơn trước xã hội: đồng nghiệp, hàng xóm, thậm chí cả các cô đĩ thơm... Quấn-Quít lột xác, lột xác ở trăn, rắn thường được cho là một dạng ẩn ức muốn lột da vì có thể mọc chân giống các loài khác, còn Cousin thì phải đến khi nuôi trăn mới tìm được cảm giác ấm áp tưởng chừng không hề tồn tại và từ đấy, đào hố vùi mình vào sâu hơn trong sự cô độc, trở thành một cá nhân bị cô lập, bị xóa bỏ trong con mắt mọi người. Song Cousin thể hiện thái độ rất rõ, một kiểu xấc xược đau lòng, một kiểu bỉ đời đáp trả xã hội và đồng loại khi từ chối tiếp nhận anh (kiểu như ngón tay thối chẳng hạn :p) rằng người như ta không hề là sự lạ, ai quan tâm việc ấy chứ hỡi các người ngu xuẩn kia và cười nhạo nó "ở một thành phố lớn như Paris, ta không có nguy cơ bị thiếu"
"tôi khổ vì thừa hàng. Tôi bị bội. Tôi nghĩ bội là căn bệnh chung và thế giới này bị bội tình không sao tiêu róc được, đâm sinh bẳn tính và tranh giành. Có cả một kho hàng yêu thương đồ sộ đang hoài đi và thoái hóa trong thành lòng, kết quả của hàng ngàn năm chi chút, tích trữ, bỏ ống yêu thương, mà không có ống xả nào khác ngoài đường tiết niệu. Thế nên mới có suy phát với đô la"
"hãy tránh ninh mình trong nước xáo chính mình. Từ giờ hãy lấy thói quen ninh mình bằng nước xáo người khác, thế đỡ đau hơn. Vây quanh mỗi vị là hàng triệu người, cô đơn đấy chứ đâu... Nghĩ đến họ ấy, đến tất cả những nhọc nhằn họ phải chịu để mà sống"
Nhớ nhé, "không học được cách làm mình được yêu mến bằng phương tiện của chính mình thì các người rồi sẽ kết thúc ở chỗ vật thất lạc hết" (O'Higgins)
Ều, cuộc sống là một nghiêm chỉnh chính bởi tính tầm phơ tầm phào của nó, nên là, làm người ấy mà... chậc chậc chậc, be bét lắm :p

ps: tôi không nhớ mình đọc ở những đâu, nhưng chắc chắn là có ở một hoặc hai truyện ngắn, về hình ảnh các cô đĩ thơm nói chiện triết học, tôi thấy nó cũng ái ngại rùng rợn và có vẻ cũng khoan khoái ngang ngửa với hình ảnh đeo balo đi vào nhà thổ. Còn đây là câu của cô đĩ thơm trong Quấn-Quít: "ta mang lại niềm vui, ta tồn tại. Cưng bỏ quá cho cách nói của em, chứ máy tình dầu gì cũng sinh động hơn máy tính... với lại, cưng ạ, tiền mà không mua được tình thì tình mất giá lắm và tiền cũng thế nốt"
thật là muốn vỗ đùi đen đét ;). My Romain Gary <3 p="">

23.6.16

Trò chơi triết học. Khoa học hạnh phúc



Đặt câu hỏi và biết đặt câu hỏi quan trọng hơn là câu trả lời nhanh nhẩu :D.
Đây là 2 trong số 10 tập sách Triết học cho trẻ em của Jana Mohr Lone, chúng tiêu tốn của tôi 30' vừa chuẩn bị bữa tối vừa đọc sách. Nhờ những mẩu chuyện nhỏ, cách gợi câu hỏi của tác giả mà các bạn nhỏ tư duy và tự đặt ra những câu hỏi, phần lớn những câu hỏi đấy sẽ khiến người đọc là người lớn phải tự hỏi mình rằng mình lớn nhưng đã thực sự trưởng thành hay chưa. Có rất nhiều câu hỏi của các bạn nhỏ về tự do, cái chết, sự tồn tại của ta là ngẫu nhiên hay có sắp đặt, về bệnh tật, hạnh phúc... không khỏi khiến ta ngạc nhiên về cách thức tư duy của bộ não (trên đời này không gì phức tạp bằng bộ não con người :p)
Ví dụ khi được hỏi điều gì làm cho một thứ gì đó sống?
Một bé đã nói: "Những thứ đó sẽ chết. Mọi thứ có sự sống đều sẽ chết. Đó là cách giúp ta biết được chúng có sống hay không"
Có thể nhiều người cho rằng những chủ đề về bệnh tật, sự sợ hãi, đức hy sinh, cái chết, tôi là ai... là những điều cấm kỵ với trẻ nhỏ. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tất cả những điều ấy là tất yếu trong đời, không lý nào nó trở thành điều cấm kỵ với bất kỳ ai.
Tôi rất thích những câu hỏi được đặt ra. Ôi bộ não con người, tôi yêu và sợ chúng :p

21.6.16

Tiếng nứt vỏ trứng



12 tuổi khi đang ngồi cùng các bạn chơi với mấy chú cá vàng trong chậu nước, mải chơi nên phải đến khi cảm thấy buồn buồn ở đùi thì tôi mới biết có bàn tay nam giới chạm vào đùi mình. Cũng trong năm đó, cũng chính tại căn nhà đó, trong lúc đợi bạn, tôi nhìn thấy một cái máy ảnh đen đen chất nghệ như trong các bộ phim chiếu trên ti-vi và tò mò vào xem nó, nhìn mãi vào cái mắt đen đen của máy ảnh mà không biết rằng có một cơ thể đàn ông đang đứng rất sát phía sau mình. Từ đấy tôi ghét nhìn vào ống kính máy ảnh, ghét việc để lộ chính mình trước nó. Cho tới tận 16-17 tuổi khi nhìn thấy người đàn ông ấy, tôi vẫn rất sợ hãi. Tôi hình thành thói quen mang dao lam, dao rạch giấy, dao bấm loại nhỏ ở trong người. Tôi bỏ rất nhiều buổi học thêm chỉ để đạp xe vòng vòng trên đường, tay cầm con dao rạch giấy và cảm thấy mình vững tâm hơn dù tôi không biết mình làm được gì với nó hay tôi đạp xe đi trong bóng tối để làm gì.
Đến một ngày đi xem sách gần cổng viện Bạch Mai, đang đi xe tà tà thì tôi bị hai thanh niên dở trò, người cầm lái thò tay định chạm vào ngực tôi nhưng tôi kịp phản ứng. Nghĩ rằng tôi sẽ không đuổi theo, nào ngờ tôi không những đuổi theo mà còn thò chân đạp đổ xe bọn nó và đổ luôn cả xe mình rồi ngoạc mỏ mách bác xe ôm đỗ xe ở vệ đường rằng "bọn nó định bóp ti cháu". Tôi cứ dùng dép quai hậu và mũ cối của bác xe ôm mà phang chan chát bồm bộp hai thằng mắc dịch ấy.
Sau lần dũng cảm ấy, bỗng dưng tôi lớn vọt hẳn lên, mùa hè tuổi 19. Thật là muốn chĩa tay lên trời như bắn đại bác đáp trả thế giới vì cũng từ đấy, tôi chia tay rất nhiều mùa xuân trong trẻo của mình. cbn chứ :v
Chiều nay tôi ngồi đọc quyển sách mỏng chưa tới 200 trang này và nhận ra đúng điều mình muốn diễn tả: ồ, bên trong mình không chỉ có quái vật, còn có rất nhiều "mình" khác nữa mà theo năm tháng mình sẽ phải tái ngộ rất nhiều mình, và tốt hơn hết nên tỏ ra sống hòa thuận với từng cái "mình" ấy, từng cái "mình" ở trong kí ức của mình và của những người gắn bó với mình.
Nếu bạn thích màu nắng trong văn vắt nhiều sức sống của Khu vườn mùa hạ; màu thu vàng mông mênh buồn dìu dịu của Mùa thu của cây dương; thì Organ mùa xuân là hơi thở báo hiệu một tiết trời đâm chồi nảy lộc, một tiếng nứt vỏ trứng chào mừng bạn đến thế giới này.
Và nhất là những bạn yêu mèo, những bạn cảm thấy mình hơi lạc lõng với thế giới xung quanh, những bạn thích những con người "hơi dị dị kiểu quá thông minh"... Organ mùa xuân cho tất cả ai đang ở ngưỡng một chặng đường mới.

ps: nhân vật mình thích trong quyển này là cậu bé em Tetsu cơ nhé, mà này tại sao mèo lại ghét trẻ con, thợ mộc và máy hút bụi nhỉ?


17.6.16

Chất liệu nữ giới trong cối xay lịch sử



Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svetlana Alexievich là văn xuôi hiện thực, một tác phẩm báo chí mà ở đó đối tượng được bà đặc biệt quan tâm là những người phụ nữ đã lớn thêm mười centimet trong chiến tranh, đã tắt kinh trong mấy năm chiến đấu, đã lẩn trốn cả người thân cho đến tận khi già vì chiến tranh đã làm họ mất đi hai chân... Họ là những người phụ nữ khiến tuyên truyền của phe kia khẳng định rằng quân đội Xô Viết tuyển những người lưỡng tính, họ đã chết dưới đạn của phe kia chỉ bởi vết máu kinh chạy dọc chân khiến họ xấu hổ muốn lao mình xuống nước để rửa sạch; và câu chuyện những người mẹ buộc lòng phải làm con mình chết vì sự an toàn của đồng đội của tập thể không còn là tiểu thuyết, phim ảnh nữa... Quyển sách này là những câu chuyện như vậy, những câu chuyện khiến ta phải ngừng lại để thở và thở thật sâu hơn nữa.
Lịch sử này một phần là lịch sử của phụ nữ. Chiến tranh cũng là những cuộc chiến (khác) của phụ nữ. Không lý nào, chiến thắng không phải là chiến thắng của họ (ở bất cứ mặt trận nào) cho dù cối xay lịch sử đã nghiền sự thật trần trụi thành cái gì đi nữa thả trôi vào sự quên
Khi gấp lại quyển sách hơn 460 trang này, tôi mong rằng nó nên được đọc nhiều hơn nữa, quá khứ đã lùi xa nhưng những hố đọng thời gian đen tối, nhuộm bằng máu, tổn thương mất mát, những tâm hồn đau ốm của chính con người vẫn còn rõ rệt. Nó nên được đọc nhiều hơn nữa bởi tính chân thực đến khốc liệt, nó khiến chính tác giả như một người viết chịu lưu đày trên sa mạc chữ nghĩa, và khiến người đọc nó cảm thấy đau đớn thì nó vẫn nên được đọc nhiều hơn nữa
Và tôi cũng nghĩ, giá như tôi không đọc nó. Tôi ghét những gì liên quan đến chiến tranh. Tôi chọn ghét bởi chỉ có như vậy thì tôi hợp lý hóa sự ghẻ lạnh của mình với chiến tranh. Chiến tranh với tôi là một thế giới khác, mà thế giới ấy thì tôi được biết và hiểu rằng, không thể gọi sống trong nó là cuộc sống được. Tôi cũng ước tôi sẽ đủ can đảm đọc lại quyển sách này, một lần nữa.
Thế giới nên là thế giới mà phụ nữ được sống đúng với thiên chức và sự quy thuận mà họ được ban tặng.
Thế giới nên là thế.


14.6.16

ngờ ân ngân ngã ngẫn

Hôm nay mình viết cái còm như này vào trong Hội thích truyện trinh thám vì các câu hỏi của bạn chủ topic rất hay, xong rồi từ đó kéo theo bao nhiêu là tư duy, cả ngày mặt đần như Ngỗng ị, đã thế nắng nóng 39-40 độ, lại đang chăm bác ốm nằm nhà. Mình nghiệm ra là, kiểu gì thì kiểu với những thứ hôm nay mình tư duy thì phải hàng tháng trời cái đầu chỉ để mọc tóc của mình sẽ không mọc tóc lên được :v
Mình quyết định lưu lại nó vào đây vì mình biết có thể ngay ngày mai, mình sẽ phản bác chính mình.

1, Con người khác nhau ở đâu?
Chắc chắn là ở bộ não. Nếu được hỏi cái gì phức tạp nhất hành tinh này thì các nhà khoa học sẽ trả lời là bộ não con người. Chỉ nặng 1.5-1.8-2kg, mềm như đậu phụ, nhưng có tới một trăm tỷ 100.000.000.000 tế bào thần kinh truyền tin và nửa triệu tỷ 500.000.000.000.000 các liên kết
Chính vì vậy mình mới hay nói rằng: Mỗi người là một trí tuệ. Và mình cho rằng con người khác nhau ở bộ não

2, Tại sao anh là anh, tôi là tôi? Tại sao tôi không phải là anh và anh không phải là tôi?
Các giác quan và tế bào thần kinh đều hoạt động trong sự trao đổi với thế giới bên ngoài với những gì ta nhìn, nghe, ngửi, nếm, chạm (sờ) vì các giác quan truyền tín hiệu đến tế bào thần kinh trong não, từ đó lan tỏa trong các mạch điều khiển phức hợp, rồi từ đó phát sinh ra những thứ trừu tượng như nhận biết được tư duy của ta và hình dung về sự hiện hữu của ta. "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (Descartes). Duy nhất hành vi tư duy (suy nghĩ) của tôi tạo cho tôi một hình dung về sự tồn tại của tôi. Đấy chính là cách làm sao tôi biết tôi là ai.
Nhưng thực ra Tôi là ai?
David Hume và Ernst Mach hoàn toàn có lý khi khẳng định: cái Tôi là một ảo tưởng. "Cái tôi không phải là một nhất thể bất biến, cố định và có giới hạn rõ rệt" trừ khi người ta tìm ra trong não có một nhất thể và một giới hạn (khuôn khổ) mà điều này, không phải là vô lý sao?
Vì: Trong thời kỳ đầu của thai đã xuất hiện hệ limbic (hệ não của động vật có vú cổ đại) chứa dục vọng, cảm xúc, phát triển về ý thức hệ và cảm xúc. Sau khi ra đời, bộ não giao tiếp với thế giới bên ngoài và được cải tạo triệt để một lần nữa: cấu trúc não thích ứng dần, giảm số lượng về tế bào thần kinh và tăng tốc độ bao bọc các đường dẫn. Từ 18-24 tháng, cảm giác về cái Tôi được hình thành. Sự hình thành phức tạp của nhân cách gắn chặt với cảm giác cái Tôi: 50% liên quan mật thiết đến các năng lực bẩm sinh, 30-40% phụ thuộc và tác động bên ngoài và các trải nghiệm trong giai đoạn 0-5 tuổi, 20-30% chịu tác động bởi môi trường bên ngoài: bố mẹ, trường lớp, môi trường công việc...
Có 4 câu thơ rất thú vị mình từng đọc trong Vĩnh biệt Gangster
"Nếu ai là tôi thì tôi không phải là tôi
Nhưng nếu tôi là tôi thì chẳng ai là tôi
Nếu chẳng ai là tôi thì tôi là ai
Nếu tôi là ai đó thì có lẽ tôi là tôi"

Mình không hiểu mấy đâu, mình chỉ thấy thú vị vì lĩnh vực nghiên cứu não bộ, phạm trù triết học phân tâm học suốt bao nhiêu thế kỷ nay vẫn nghiên cứu về cái tôi, cái nó và vẫn ì ùng tranh cãi đấy thôi. Và nó chung chứa rất nhiều quan điểm, nhưng vẫn phải khẳng định rằng anh là anh, tôi là tôi, tôi không phải anh, và anh không phải tôi bởi với hàng trăm tỉ tần số sinh học, cảm xúc, thế giới quan, nhân sinh quan như thế thì không thể tôi là anh, anh là tôi được. Chỉ có điều "hầu hết người ta (chúng ta) là kẻ khác" (Oscar Wilde) nhưng không có nghĩa là anh là tôi, tôi là anh.

3, Nếu như xóa bỏ họ tên và địa vị thì con người chỉ còn là một dạng "tiềm thức" và "tiềm thức" được xây dựng qua năm tháng thì nếu anh có được tiềm thức của tôi, anh có phải là tôi không?
Không thể, vì não bộ chúng ta vẫn tiếp tục xử lý các thông tin mới, thế giới quan liên tục di động, nhân sinh quan không ngừng suy xét. Anh có tiếp nhận là "tiềm thức" của tôi thì vẫn luôn có 20-30% nhân cách chịu sự tác động của môi trường bên ngoài.
Câu trả lời này, phủ định luôn ví dụ của bạn rằng hai đứa trẻ sinh đôi, nuôi dạy cùng môi trường thì "tiềm thức" của chúng là một. Mình vẫn luôn khẳng định: Mỗi người là một trí tuệ.

4, Cái gì mới thực sự là "Tôi"?
Nhắc lại Ernst Mach: "cái Tôi là một ảo tưởng. Cái tôi không phải là một nhất thể bất biến, cố định và có giới hạn rõ rệt"
Và các nhà khoa học, triết gia... vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và oánh nhao.
Không ai đưa ra được câu trả lời.
Mình thì mình nghĩ 50% năng lực bẩm sinh, 30-40% phát triển ở giai đoạn 0-5 tuổi chính là cái nhân của mỗi người. Nó là cái nhân, chưa phải cái Tôi, nhưng cũng đc 80-90% rồi.

ps: tất cả những điều này, mình đọc tham khảo ở các đầu sách "khoa học vui": 6 tỷ đường đến hạnh phúc, Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu, nếu muốn tìm hiểu nó sâu theo chiều hướng triết học tôn giáo thì Biết ta đích thực là ai, còn theo hướng phân tâm học, tâm lý học thì có quyển Cái tôi và cái Nó. Còn Freud thì nói chung là chịu thua. Ngay cả việc chúng ta cùng đọc một vài câu văn mà mỗi người một cách hiểu, tác động vào mỗi người một cách khác nhau đấy thôi :v

6.6.16



Sách đọc ngày 1 tháng 6 năm nay :)
Nhà luôn có rất nhiều sách nằm chờ tới lượt đọc nên đúng năm nay, ngại đi mua quà 1 tháng 6 cho bản thân, thì mới rờ tới Ngụ ngôn Aesop và Ngụ ngôn Aesop, những câu chuyện bị lãng quên

5.6.16

Vỡ mộng



Cái nhìn chao chát về ái tình thuần khiết trinh bạch, ái tình hoàn toàn, về lẽ sống chuyên nhất, về mộng đẹp được Nguyễn Bính tuồn vào tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội khi ông mới 22 tuổi. Cuốn tiểu thuyết gần như là những trang viết tự sự tuổi trẻ của tác giả (hai nhân vật chính Điệp và Tuấn là hình ảnh phản chiếu của Nguyễn Bính và Thâm Tâm-Nguyễn Tuấn Trình) mà tuổi trẻ thì "chỉ có buồn vì tình là đáng buồn", "giời đày chúng mình làm kiếp đàn ông. Mà đã là đàn ông bắt buộc phải yêu đàn bà" :p. Tuổi trẻ gieo vào lòng người ta sự lãng mạn, sự ham muốn thứ tình trong như ngọc không tì vết, sáng tròn vành vạnh như trăng đêm rằm.
Hai nhân vật Điệp và Tuấn "vui lòng cho đi mà không lấy lại một thứ gì ở ái tình, nhưng ái tình ấy phải là ái tình hoàn toàn. Sự hoàn toàn ấy không thể tìm thấy ở một người con gái sống, nên hai người yêu một người con gái chết"
"Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng thi sĩ phải đi yêu một cái mả lạnh!". Hồn cao quá nên khó tìm được tấm tình thuần nhất, bởi mấy ai biết được cái thiêng liêng của ái tình, không biết được điều ấy thì ái tình bị coi rẻ, dễ phụ lòng nhau.
Ái tình vỡ vụn như mọi giấc mộng bất thành. Nó là lẽ sống bị sụp đổ. Sụp đổ này cho thấy sự khước từ mang màu sắc hoang mang, cực đoan và nhiều định kiến với giới nữ, với biến chuyển của thời đại và với cả khuynh hướng thẩm mỹ của chính tác giả. Giá của bất tuân, của không thỏa hiệp là ngẫn, là điên giữa đời mà chắc chắn rằng chúng ta là những kẻ điên, kẻ ngẫn theo các cách khác nhau
hoàn toàn không tránh được.

Ps: quyển này hai zai ủy mị nữ giới nhỉ, như kiểu sự nam tính bị lấn lướt hết phần í, yêu một cái mả lạnh mà nào đã yên. Ái tình là ái tình trác tuyệt thì tuyệt nhiên không thể có trên cõi này, các cụ ạ ;)