30.12.16

Con thuyền bị rò, vá lại khó lắm phải không



Arundhati Roy xinh đẹp sinh năm 1961, bà giành Man Booker 1997 cho tiểu thuyết đầu tay The God of small things, bà nói: "The God of small things (bản dịch tiếng Việt của Thanh Vân - Chúa Trời của những chuyện vụn vặt) được dựng ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Kerala, Ấn Ðộ. Nhiều khung cảnh trong The God of small things dựa trên kinh nghiệm của tôi về Kerala. Ðó là nơi duy nhất trên thế giới mà các tôn giáo gặp nhau: Ấn giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Mác-Xít... vừa sống chung vừa triệt hạ nhau. Ðối với tôi, tôi không nghĩ có nơi nào trên thế giới tốt hơn để viết một tác phẩm về những kiếp người"
Tôi đọc Chúa Trời của những chuyện vụn vặt trong một cơn no phè các đầu sách hay cuối năm, bội thực đến mức khiến độc giả bấn loạn cân nhắc phải đọc quyển nào trước đây, dùng tiền mua sách nào trước đây :p. Và trong cơn thừa mứa sách chưa đọc ấy, tôi đã nhìn đến chồng sách văn học Ấn Độ, chỉ để kịp nhớ ra rằng, tôi đã có lúc để ý đến nền văn học đất nước này như thế nào và tôi đã để rơi tõm trạng thái quan tâm của mình nhạt nhẽo ra sao ;). Chúa Trời của những chuyện vụn vặt là câu chuyện bi thảm về một gia đình từ cái nhìn của một cô bé 7 tuổi Rahel, bắt đầu từ chuỗi hồi tưởng quá khứ 23 năm trước của một Rahel 30 tuổi, từ Mỹ trở về chỉ để thấy gia đình ly tán, một người anh song sinh câm lặng và một ngôi nhà đang tiếp tục đổ nát ở Ayemenem, miền Nam Ấn Độ, nơi xảy ra những căng thẳng về chính trị và chủng tộc. Đó cũng là câu chuyện “về hai đứa trẻ sinh đôi" Estha và Rahel vĩnh viễn đánh mất tuổi thơ ấu trên khúc ngoặt một dòng sông để rồi khi 30 tuổi trở về cả hai đã trở thành một Câm Lặng và một Trống Rỗng; về chuyện luật lệ bị “xáo trộn”, chuyện “Sophie Mol chết đuối trong một trò chơi nghịch ngợm trẻ con"; chuyện Ammu, mẹ của Estha và Rahel “ban ngày yêu các con, ban đêm yêu đàn ông", một chàng trai thuộc đẳng cấp Paravan thấp hèn.
Câu chuyện mà Arundhati Roy kể vừa chung vừa có tính địa phương, về tình yêu và sự điên loạn "kẽ nứt của lịch sử", cái chết và nỗi đau khổ, niềm hy vọng, lịch sử-giai cấp, sự dối trá và tình dục bị kìm nén...
Bằng một lối viết đảo lộn trật tự thời gian và không gian, một khoảnh khắc một sự kiện một ngày một đêm có thể được lặp đi lặp lại nhưng mỗi một không gian, thời gian lặp lại lại xuất hiện những chi tiết mới, mỗi mẩu nhỏ của câu chuyện được viết rời rạc, người đọc sau mỗi chương lại nhặt ra các chi tiết để ghép vào mảng màu đang còn thiếu, hoàn thành và bóc tách câu chuyện. Câu chuyện trở đi trở lại trước và sau khi Sophie Mol, cô em họ lai Ấn-Anh của Rahel và Estha từ Anh về thăm nhà nội. Đôi mắt ngây thơ nhìn cuộc đời của hai anh em song sinh đột nhiên phải mở lớn trước những biến cố lạ lùng, đau đớn "mọi chuyện đều có thể thay đổi chỉ trong một ngày" từ việc Estha bị gã bán nước giải khát lợi dụng cho trò thủ dâm bỉ ổi đến những đối xử không công bằng, ích kỷ của người lớn, và cái chết của Sophie Mol, tình yêu thương, mẹ của chúng, Ammu và Velutha yêu nhau, một mối tình vụng trộm và là kẽ nứt lịch sử: vượt giai cấp vì Velutha, người thợ mộc trong gia đình, là một người thuộc giai cấp thấp nhưng được cả hai đứa bé và mẹ Ammu yêu mến... khiến chúng ghi nhớ và nhận ra thần chú của mình xác tín đến mức nào "a/ Mọi việc đều có thể xảy ra cho bất cứ ai Và b/ tốt hơn cả, là phải sẵn sàng"
Như tác giả từng bộc bạch về lối viết đảo lộn và trở đi trở lại một không gian, thời điểm: "Tôi không nghe nhạc khi viết. Mà là nghĩ về các mẫu thiết kế. Tôi vốn học ngành kiến trúc. Viết cũng như kiến trúc. Khi xây dựng những cao ốc, có những mẫu thiết kế được lặp đi lặp lại. Những mẫu này giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu trong một không gian vật lý nào đó. Tôi khám phá ra rằng viết cũng thế. Với tôi, cái cách mà các con chữ, các dấu ngắt câu, các đoạn rơi trên giấy rất là quan trọng - một loại đồ họa của ngôn ngữ. Ðó là lý do tại sao những chữ và những tư tưởng của Estha và Rahel lại có vẻ tức cười, nghịch ngợm trên trang giấy. Tôi sáng tạo theo mẫu thiết kế của chúng. Các con chữ có khi tách, chẻ ra lại có khi dính lại.Tôi thích lập lại, dùng lại các con chữ vì cái đó giúp tôi cảm thấy an toàn. Chúng giúp ta thoát khỏi cơn "sốc" của cốt truyện - là cái chết, những cuộc đời bị phá hỏng, khoảng cách rùng rợn của khung cảnh, là những điên rồ, mơ hồ, xúc động..."
"God của những chuyện vụn vặt là nghịch đảo của God, God là điều lớn lao không kiểm soát được, God của những chuyện vụn vặt chính là cách trẻ em nhìn sự việc". Arundhati Roy nhập vai trẻ em để có cái nhìn, cách phán đoán, yêu và ghét theo cách của trẻ thơ bởi trẻ em là đối tượng biết thương thuyết với thế giới theo cách của riêng chúng, từ đó bà dựng nên câu chuyện có tác động mạnh mẽ. Qua đôi mắt ngây thơ và trong sáng, hai đứa trẻ Rahel và Estha vẽ lại cuộc sống trong bóng dáng sự đứt gãy, đổ nát của những người lớn quanh chúng. Nó là bức tranh chân thực về những xung động trong mỗi cá nhân, xung đột trong một gia đình, từ đó, phóng chiếu đến những vấn đề lớn về giai cấp, luật pháp, xã hội, văn hóa và lịch sử Ấn Ðộ. Một Ấn Ðộ truyền thống và một Ấn Độ hiện đại vênh nhau xô lệch, mà cuộc sống mỗi nhân vật phải gánh gồng sức nặng của lịch sự cứ như đè mãi xuống không có ngày dừng. Tất cả những vấn đề lớn ấy lại xuất phát từ những chi tiết nhỏ bé, vụn vặt, có phần buồn chán tẻ nhạt trong cuộc sống hàng ngày
Tôi ấn tượng nhất trong cuốn tiểu thuyết này là hình ảnh dòng sông  "không như nó vẫn ra vẻ thế". Arundhati Roy dùng nhãn quan của những đứa trẻ miêu tả thế giới đen kịt bùn của dòng sông, của Ấn Độ phức tạp đầy huyền bí mơ màng với trôi nổi sông hồ và những khát khao bị kìm nén
Con thuyền bị rò, vá lại khó lắm phải không

p/s: bản dịch tiếng Việt ẩu như mọi quyển sách ở cùng giai đoạn (câu cú lủng củng, trình bày không nhất quán, lỗi chính tả...), lúc đọc tôi đã luôn có cảm giác hình như bản dịch tiếng Việt là bản dịch bị rút gọn, bị cắt cúp nhưng tôi hơi đâu mà đi so sánh với bản tiếng Anh khi mà tôi chả thể nào đủ kiên nhẫn mà đọc cho hết một trang tiếng Anh :)) (trừ truyện thiếu nhi ehehe). Sau khi gấp sách, các cụ có tin không, tôi đã đọc hết 130 trang dạng file một luận văn thạc sỹ văn học chuyên ngành Văn học nước ngoài năm 2012 về "Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết Chúa Trời của những chuyện vụn vặt" của Arundhati Roy" đấy nhá, thật là vice car dice, luận văn thì luận văn, không có gì mới mẻ đột phá cả, nhưng đã khẳng định bản dịch bị lược bỏ ở một vài chỗ (người làm luận văn đã check). Lúc đọc 2-3 trang đầu Chúa trời của những chuyện vụn vặt, tôi đã nghĩ, ờ hờ hờ, dịch mượt đấy. Thế mà mọi thứ lại có thể chuyển dịch rất nhanh từ mượt sang mấp mô lổn nhổn và cuối cùng là rơi rụng lả tả :v. Tôi luôn đánh giá rất cao công tác biên tập.


17.12.16

Thế giới phải phá thì thế giới mới thành



Hôm trước ông bạn thân của mình nói chuyện bảo trường Kim Liên của bà xây lại đấy, tòa nhà to lắm hoành lắm. Rồi từ chuyện trường Kim Liên thì đá sang trường Lê Quý Đôn và ổng ngạc nhiên là bà học Kim Liên mà không biết Lê Quý Đôn ở đâu à? Con bạn già thản nhiên bảo: tôi thấy bọn học Lê Quý Đôn đi xe về hướng í, mé đường í, chứ thực ra "í" nó là ở đâu thì tôi bó tay. Ổng lại bảo thế từng í năm học ở đấy, bà cũng không đi về hướng í à? Đi làm gì, tính tôi không nhớ được đường, đi sợ lạc, với lại chả để làm gì
Từ dòng suy nghĩ ấy, con bạn già vỗ đét đùi một phát. Mà đúng nhé, tính tôi là đặc cái tính của bọn con gái í, kiểu thế giới của nó là sự nhìn thấy í, kiểu chỉ thích ở thế giới quen thuộc và tưởng tượng về chính những cái có thể nhìn thấy được í, chứ bọn con trai là bọn nó không ì ra đâu, bọn nó không dừng ở thấy hay không thấy mà bọn nó phải lên đường (Anh NL có bài viết rất hay về chủ đề sự nhìn thấy trong thế giới huyền ảo của bọn con gái và không nhìn thấy ở thế giới của bọn con trai, hình như là Sách của bọn con trai)
Nói tiếp, tôi là điển hình của bọn con gái, thích ở trong thế giới quen thuộc, phòng riêng, góc riêng... thậm chí đeo khẩu trang nhìn chằm chằm vào gương và tưởng tượng về các thế giới khác đã và vẫn đang tồn tại. Tôi thích việc làm ấy. Và bất cứ khi nào tôi cảm thấy vênh quá nhiều giữa thế giới bên trong mình và thế giới bên ngoài đang sống, thì tôi đi mở cửa, mở đại một cánh cửa bằng cách đọc sách, đi vào một thế giới khác, bước vào thế giới khác, miễn sao khác thế giới mà tôi đang không chấp nhận được sự "vênh" tại thời điểm ấy
Nhưng sự nhìn thấy, tức tưởng tượng của một đứa "con gái" là tôi lại được định dạng bởi sở thích, thích những thứ ở thế giới của bọn con trai: tôi thích mình bước chân vào thế giới bắt đầu từ sự không nhìn thấy, được đi lạc, thế giới lên đường của bọn con trai với những đêm đạp xe zông ngoài phố, phá phách nghịch ngầm ấm ớ, truy tìm kho báu, khám phá biển sâu, đi những vùng đất cấm kỵ, thế giới của những bản đồ vùng đất, của những ngôi nhà kỳ quái, thế giới sâu trong rừng hoặc thậm chí, ngoài bìa rừng (dù bản thân mèo biết xem bản đồ và xác định đường hướng, tỏ ra nguy hiểm vice car dice, và dù rất thích truyện cổ Andersen, nhưng có thể nói truyện về thế giới tưởng tượng của bọn con gái với hoa hoét hay đồ vật nhảy múa... là những truyện khiến tôi buồn ngủ muốn đọc nhanh cho qua hết một cơn mê nhất đấy, Cô bé bán diêm thì tình cảm của tôi hoàn toàn khác nhé, lúc khác nói :v)
Dài dòng thế chỉ để giới thiệu Làng Thiên Nga Đen của David Mitchell, một cuốn tiểu thuyết có lẽ đen đủi khi xuất hiện bản dịch ở VN bởi cái mác Nxb VHTT, và nếu bỏ qua được cái mác nxb thì cũng chấp nhận được tiếp quả sách ẩu :v, phải rất kiên nhẫn mà đọc thì mới bỏ qua được những lủng củng câu cú và trình bày của sách (tôi phục cái độ lầy của tôi thật í)
Nhưng không sao, tôi thuộc cung số trời nén, ẩu nữa thì vẫn đọc được :v. Sách càng có cái vỏ bọc bình dị che đậy cái giễu cợt đau đớn thì gặp người đọc lì như tôi là chuẩn cbn rồi. Chỉ muốn nói là tôi thích nó, bởi, tôi đã mở cánh cửa sống trong thế giới của bọn con trai 13-14 tuổi được mấy ngày vừa rồi :p và nhận ra thế giới của "chúng" chẳng lúc nào ngừng phá hủy chính những gì mà nó không ngừng tạo nên.
ps: đúng như quan niệm cổ xưa có nói í nhẻ, nhân tố nam/đực không bị sự sắp xếp hỗn độn oánh ra khỏi Trung Tâm Thế Giới nên lúc nào cũng có thiên hướng lao ra ngoài để khám phá, tìm kiếm, chinh phục, nhẻ nhẻ nhẻ. Đọc quyển này thấy một ít Bắt trẻ đồng xanh.

6.12.16

biếm họa



Bạn nào quan tâm đến biếm họa ở Việt Nam thì đọc Biếm họa Việt Nam của họa sĩ Lý Trực Dũng nhé, quyển sách này là lược sử về mảng biếm họa, chân dung các họa sĩ vẽ biếm họa...
hihi, nhờ đọc nó mà mình mới biết Nhất Linh sáng tác ra Lý Toét, Nhất Linh vẽ Lý Toét sau đó họa sĩ Nguyễn Gia Trí - cũng là người vẽ nhân vật Xã Xệ, sửa đổi đôi chút. Cũng nhờ đọc quyển này, xem tranh biếm họa đặc trưng của mỗi họa sĩ được tác giả khắc họa chân dung thì mình mới biết rất nhiều tranh biếm họa ngày xưa xem ở Tuổi trẻ cười, Văn hóa-Thể thao, rồi các tranh biếm họa được lưu truyền trên FB hiện nay... là của tác giả nào.
Sách làm rất công phu tỉ mỉ, giấy đẹp nhưng không biết do kỹ thuật in hay bảo quản của mình không tốt mà lúc đọc toàn phải ngồi tách trang do dính vào nhau, chữ trang này dính mờ vào trang kia, màu tranh của trang kia dính sang trang này, giá bìa cao (đúng thôi, giấy sách chất lượng thế cơ mà) và vào mảng mỹ thuật ít được chú ý nên đã vào hàng sách ế của Nhã Nam :( Đám đông thờ ơ khiến lòng sách chao chát fết.

À, mà bonus phát: người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa đăng báo là Nguyễn Ái Quốc nhé, đăng trên báo Le Paria số thứ 2 (1922), hẳn hai bức luôn :)